19/06/2017 08:15
Không chỉ với riêng tôi, vùng sâu, vùng xa luôn có sức hấp dẫn, quyến rũ với những ai đã gắn bó với nghề cầm bút. Có lẽ, tự thân nghề nghiệp khiến cho chúng tôi say mê “chủ nghĩa xê dịch”, yêu thích, tìm đến những vùng đất mới lạ để trải nghiệm, để khám phá cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của thiên nhiên, cảnh vật, con người. Nhưng, cũng phải nói rằng, chính những con người vùng sâu, vùng xa chân chất, hồn hậu; chính cảnh sắc ở những nơi này đã “hữu xạ tự nhiên hương”, là mạch nguồn, là “kho” đề tài phong phú, vô tận cho chúng tôi tìm đến, khai thác, phản ánh.
Vậy là, tháng ngày trôi qua, chúng tôi cứ thế gắn với những chuyến đi rong ruổi về các xã vùng sâu, vùng xa. Và cũng từ đây, những cảm xúc về tình người, tình nghề luôn thắm đượm và thăng hoa. Những câu chuyện ở vùng sâu, vùng xa vừa như cổ xưa, huyền thoại vừa gần gũi, đời thường. Ở nơi đó, có những con người chân chất dù mới gặp mà cảm giác như thân lâu lắm rồi; ở nơi đó, cảnh sắc sơn thủy hữu tình khiến cho bất cứ ai bước chân đến đều như mê như hoặc.
|
Tôi cứ nhớ mãi lần về xã Xốp (huyện Đăk Glei). Trên con đường ngoằn nghoèo uốn lượn với những con dốc lúc thoai thoải, lúc dựng đứng, chiếc xe máy của chúng tôi (tôi và một đồng nghiệp nữ) chậm rãi lăn bánh như trải lòng tâm tình với nơi rẻo cao này. Trước núi non trập trùng, mây mù bảng lảng, ánh nắng hanh hao buổi sớm len lỏi qua vạt rừng già và ngay sau trụ sở UBND xã tiếng thác rì rầm chảy như muôn đời vẫn thế khiến cho chúng tôi cứ mê mải, tần ngần.
Trong chuyến đi ấy, chúng tôi đã gặp những con người chân chất, bình dị, trải lòng từ chuyện làm ăn cho đến chuyện làng chuyện xóm. Ông A Tróa ở thôn Tân Đum hôm ấy, sau khi bộc bạch chuyện bị lừa mua bán hàng đa cấp, đã chủ động múa mẫu điệu xoang của người Tà Rẻ (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) cho chúng tôi xem khác biệt như thế nào so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh. Rồi, ông còn mang chiếc ghè bông cổ được lưu giữ từ nhiều đời nay của gia đình - mà chính tự ông bảo chưa bao giờ cho người lạ xem - giới thiệu với chúng tôi cái hay, cái độc đáo của nó…
Có lẽ, vì trong cuộc trò chuyện, chúng tôi đã không chỉ phỏng vấn, hỏi chuyện ông mà còn khuyên ông một cách chân thành, đừng nghe theo giấc mơ đa cấp huyễn hoặc, cứ chăm chỉ với ruộng rẫy, đất sẽ không phụ công người nên ông và gia đình mới mở lòng như vậy!
Cũng trong chuyến đi ấy, chúng tôi gặp ông A Mếp – con trai của cụ A Mét, nguyên mẫu nhân vật cụ Mết trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Những cảm xúc, câu chuyện kể về người anh hùng lực lượng vũ trang, những lời căn dặn của ông, những nỗ lực của các con ông và cả rừng xà nu trập trùng nối tiếp hiện ra trước mắt… khiến cho chúng tôi hôm ấy đong đầy cảm xúc.
Nhớ có lần tôi và một đồng nghiệp nữ về với vùng Pờ Ê, huyện Kon Plông. Vừa đèo nhau trên chiếc xe máy, chúng tôi vừa vuốt những giọt nước mưa liên tục dội vào mặt. Bù lại sau quãng đường dài đi trong mưa to gió lớn ấy, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng thiên nhiên rộng lớn nơi mây trời, cùng bà con đi hái sim rừng mà còn cảm nhận được mảnh đất, con người hiền hòa, giàu tình cảm, sống chan hòa với nhau bằng tất cả tình yêu thương xóm giềng. Dù đời sống kinh tế còn đó lắm khó khăn nhưng không bon chen, không ganh đua thiệt hơn, họ sống bằng tình người đằm thắm, mộc mạc như cái cây, ngọn cỏ khiến cho chúng tôi như thêm thân, thương, như được tiếp thêm sức mạnh cho những chuyến đi và viết về vùng sâu, vùng xa …
|
Vùng sâu, vùng xa đẹp từ cảnh sắc cho đến tình người là vậy, nhưng để đi đến đó và viết về nơi đó không phải là chuyện dễ. Đặc thù của tỉnh miền núi nên đường sá đến vùng sâu, vùng xa vẫn còn bộn bề khó khăn. Tác nghiệp vùng sâu, vùng xa, chúng tôi – đặc biệt là phóng viên báo viết – chủ yếu vẫn di chuyển bằng phương tiện xe máy, thậm chí có khi đến các làng như Tu Chiêu, Tu Răng (xã Mường Hoong), Tân Rát 2 (xã Ngọc Linh) của huyện Đăk Glei… phải là những chuyến đi bộ hàng chục ki lô mét theo triền núi dốc cheo leo hiểm trở.
Nhưng, mặc cho mưa, mặc cho giá rét hay những ngày nắng đổ đầu, mặc cho những lần ngã đau, chân tay bầm, xây xước đôi ba chỗ, chúng tôi không từ nan gian khó, mệt nhọc, không so tính thiệt hơn. Và “trái ngọt” cho những tháng ngày gắn bó ấy, nhiều tác phẩm báo chí viết về đề tài vùng sâu, vùng xa đã có sức nóng, thu hút được độc giả và liên tục đạt những giải cao trong các giải báo chí của trung ương và của tỉnh.
Nhưng điều chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc hơn cả là qua các tác phẩm báo chí ấy, đời sống tinh thần, vật chất cũng như những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của bà con cứ ở những nơi tưởng như sâu xa lắm lại trở nên hiển hiện, gần gũi, được các cấp, các ngành biết đến, xem xét, giải quyết; nhiều tấm gương điển hình trong làm ăn giỏi, trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những hủ tục lạc hậu bà con đấu tranh xóa bỏ…, được các cấp, các ngành và cả bà con ghi nhận, học tập, làm theo. Và, chúng tôi cũng cảm thấy mình nhận được rất nhiều “cái được”. Được trải nghiệm khi được sống với nhiều vùng đất, nhiều mảnh đời; được bà con tin cậy gửi gắm, chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng bộc bạch rất đỗi chân thành; được nhận tình cảm mến thương, dù chỉ là ly nước uống trong cái nắng như đổ lửa, chỉ là cái mời vẫy gọi trú chân bên bếp lửa khi tác nghiệp gặp mưa lạnh…
Chỉ thế thôi cũng đủ khiến chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, xách ba lô lên để tiếp tục những chuyến đi và viết…
Nguyên Phúc