08/08/2016 09:48
Thấm thoát đã 41 năm trôi qua, kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Sau chừng ấy năm Sa Nghĩa đã thật sự hồi sinh, thay da đổi thịt một cách lạ kỳ. Suốt một dải đất mà chúng tôi đi qua, màu xanh của bạt ngàn cà phê, cao su, bời lời trải rộng trên các sườn đồi, nơi mà năm xưa được gọi với cái tên bi thương là "vùng đất chết" bởi những hậu quả chiến tranh để lại - một vùng đất mà máy bay Mỹ đã rải chất độc da cam, gây tang thương cho bao gia đình và từng số phận không may.
Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa hồ hởi khoe: Sa Nghĩa bây giờ không còn vết tích của da cam nữa đâu. Chuyện phải nói bây giờ là phải làm sao đưa Sa Nghĩa bước vững chắc trên chặng đường xây dựng nông thôn mới...
Sau câu chuyện mở đầu đầy vui vẻ, chúng tôi hồi ức lại quãng đường mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sa Nghĩa phấn đấu vượt qua để có được thành quả ngày hôm nay.
Cách đây vài thập kỷ, những người con từ một số tỉnh duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Nam…) nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước tình nguyện lên Sa Thầy xây dựng quê hương mới.
Trước khi lên đường, họ cũng biết phía trước là chặng đường lắm chông gai; sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm rình rập. Song, những khó khăn gian khổ, kể cả hiểm nguy đến sức khỏe, sinh mạng con người vượt quá những gì mà họ tưởng tượng phải đối mặt ở nơi đây, để bám trụ, vươn lên trong cuộc sống.
|
Nhưng rồi sức người với những bền gan, vững chí, họ đã góp phần hồi sinh "vùng đất chết", biến những sườn đồi hoang hóa đầy vết tích đạn bom, chất độc hóa học, thành những mảnh vườn, nương rẫy tốt tươi. Không ít người đã ngã xuống vì đạn bom còn sót lại trong lòng đất; không ít đứa trẻ quằn quại trong từng cơn đau đứt ruột, khi sinh ra đã mang trong mình di chứng của chất độc hóa học dioxin. Vượt qua những nỗi đau và mất mát, họ đã kiên cường bám trụ; máu và mồ hôi thấm từng tấc đất, như tiếp thêm dòng nhựa sống cho cây…
Quyết tâm đưa Sa Nghĩa trở thành địa phương phát triển về kinh tế - xã hội, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX cho đến nay, cấp ủy đảng và chính quyền xã luôn có nhiều quyết sách cải tạo những vùng đất cằn cỗi trở nên trù phú với những "bờ xôi ruộng mật"; biến những vùng sình lầy, khô hạn thành những mảnh ruộng tốt tươi lúa, những rẫy mì, cà phê và những vườn cây công nghiệp khác…
|
Đến nay toàn xã đã có trên 35ha lúa nước (trong đó lúa 2 vụ 30ha), trên 225ha cây màu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên toàn xã. Cùng với định hướng phát triển cây công nghiệp trong những năm gần đây, xã Sa Nghĩa đã phát triển được 535ha cây cao su (trong đó diện tích đang kinh doanh là 168ha), 310ha cà phê và trên 290ha cây bời lời, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, tạo điều kiện để họ vươn lên làm giàu.
Anh Nguyễn Văn Minh cho biết: Kể từ khi diện tích cây cao su, cà phê, bời lời được nhân rộng trên địa bàn xã, đời sống của người dân đã khấm khá hơn. Những hộ có diện tích cao su, cà phê, bời lời từ 10-20ha chiếm tỷ lệ không ít trong xã.
Kể ra thì với những con số khô khan, có vẻ giản đơn như vậy nhưng để được cuộc sống như hôm nay, là sự nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị địa phương cùng sự "chung tay, đồng lòng" đổ biết bao mồ hôi công sức của người dân nơi đây.
Sự quan tâm đó thể hiện từ việc mạnh dạn đưa ra những chủ trương đúng đắn với quyết tâm xây dựng một Sa Nghĩa đủ đầy, no ấm. Sự quan tâm đó thể hiện bằng sự kề vai, sát cánh với bà con nông dân trong những năm tháng khó khăn; hỗ trợ và giúp đỡ từ những cây, con giống, phân bón, công cụ sản xuất và khoa học kỹ thuật…
Và, chính bà con nông dân - những người chủ thực sự của vùng đất này đã kiên cường vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay lao động đã chai sần vì một thời khai hoang, phục hóa.
Năm tháng trôi qua, từ cái khó khăn ban đầu, những xóm làng của Sa Nghĩa cũng dần hình thành với những cái tên trìu mến nhưng đầy kiêu hãnh như Hòa Bình, Anh Dũng, Nghĩa Long… nơi gắn kết với những mô hình sản xuất giỏi.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Minh Lượng ở thôn Hòa Bình, thuộc diện bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng bằng nghị lực ông đã xây dựng mô hình chăn nuôi heo, làm ruộng, chế biến nông sản với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hoặc gia đình ông Huỳnh Bộ ở thôn Hòa Bình. Với gần 20ha cao su và trồng lúa nước, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Hay hộ ông Nguyễn Hữu Quang ở thôn Anh Dũng, với mô hình trồng cà phê, chăn nuôi, mỗi năm có thu nhập từ 100-200 triệu đồng…
Từ một xã nghèo, điểm xuất phát thấp, đến năm 2016 thu nhập bình quân toàn xã đạt 21 triệu/người/năm, nhiều gia đình đã sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền trong gia đình như ti vi, xe máy, tủ lạnh, các phương tiện thông tin hiện đại… Đã có vài ba hộ trong xã còn sắm cả ô tô đắt tiền.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tiêu chí đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhiều con đường được bê tông hóa đã dẫn đến từng thôn làng, phục vụ việc đi lại, sản xuất của bà con được thuận lợi. Hệ thống điện lưới cũng được xây dựng và cải tiến, góp phần đắc lực phục vụ trong sinh hoạt và sản xuất của bà con. Mạng lưới y tế, giáo dục ngày càng được cải thiện, góp phần nâng cao sức khỏe và tri thức của người dân…
Với đà này, tin chắc rằng trong tương lai không xa, nông thôn Sa Nghĩa sẽ thực sự có một diện mạo mới, tràn đầy sức sống. Trên mảnh đất mới được hồi sinh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang từng ngày hiển hiện…
Dương Đức Nhuận