06/03/2019 06:27
25 năm rồi phải đâu là ít. Có những cô gái chàng trai ở cạnh ông đây, ngày ấy chưa ra đời. Những người sức vóc như ông năm xưa, cũng đều da nheo tóc bạc. Pêng Bloong, Dục Lang, Đăk Ôn, Vai Trang... từng cái tên thôn làng tưởng đã chút quên, vẫn đậm in ở trong ký ức. A Luy, Y Nhum, A Viết, A No... bao gương mặt, từ lâu rồi, vẫn quá đỗi thân thương...
25 năm trước, tuổi quân đã ngày càng thêm, nhưng vì nhiệm vụ yêu cầu nên người chiến sĩ quân y “mới toanh” tay nghề đã ba lô khoác vai lên miền biên giới. Đồn ở gần làng. Bộ đội Cụ Hồ mang quân hàm xanh cùng ăn cùng ở cùng làm với cán bộ, bà con. Đồng bào Giẻ Triêng bao năm trường kỳ đi theo cách mạng, đến những năm 83-84 vẫn chưa qua khó khăn, thiếu thốn. Người chiến sĩ quân y, ngoài danh tính cha sinh mẹ đẻ, thường được gọi bằng cái tên bà con yêu mến đặt cho.
A Huy đây à?!... A Huy đấy ư?! 25 năm qua rồi, nghĩa tình trọn vẹn...
Ngày ấy, Trạm y tế của xã Đăk Long dường như mới có cái tên, chứ thực ra, hàng ngày bám trạm bám làng, chỉ hai nhân viên y tế. Rừng núi xa xôi, muỗi, vắt, thiếu mặc thiếu ăn nên cảm, ho, đau bụng... bất chừng. Lam lũ nắng mưa khiến sốt rét đã trở nên ám ảnh. Ấy vậy mà thuốc huyện cấp về thường vẻn vẹn vài túm con con trong chiếc tủ cũ mèm.
|
Khoác chiếc túi quân y di động, ông từng lặn lội khắp nơi. Nhà nào gọi đến, chỗ đâu nghe tin..., là y tá của Đồn Biên phòng Đăk Long có mặt. Siêng như con ong, nhanh như con sóc con mang, rong ruổi những bước chân cùng đôi dép vẹt mòn.
25 năm tròn, bây giờ trở lại. Người con Biên phòng của đồng bào Giẻ Triêng vùng biên Đăk Long xao xuyến. Pêng Blong đã nhiều nhà cao, Dục Lang cũng lắm tường xây. Trên gương mặt sạm nheo của những anh em, bà con ngày xưa, niềm vui giờ đọng lại.
Ông A Luy nghẹn ngào ôm chặt A Huy trở về, sau nhiều năm tháng quá xa. Làng vẫn nhớ vẫn thương nào kể hết. Nhớ bao ngày khám bệnh, phát thuốc; nhớ những hôm về đến từng nhà, cùng tâm tư, chia sẻ, vận động bà con. Ông A No kể rằng, bây giờ con gái đã tuổi 30, vợ chồng ở riêng, nhà cửa khang trang, làm ăn có cái ăn cái để. Ngày ấy, nó mới lên năm, mùa mưa rét lạnh, nhà nghèo thiếu ăn nên ho nhiều sốt cao vì phổi viêm rất nặng. A Huy cuốc bộ đến nơi thì trưa tròn bóng đã qua. Ống nghe, thuốc tiêm kịp thời đã giúp con ông thoát cơn nguy kịch. Bà Y Nhum rưng rưng nhắc về người con trai có cái tên do chính người chiến sĩ Biên phòng ấy đặt cho và ngày còn bé uột èo, đã bao lần tự tay anh đỡ nâng, cứu chữa.
A Huy ngày ấy, A Huy hôm nay... Người chiến sĩ Biên phòng bao gian khó sẻ chia, vẫn còn đó mến thương trong lòng bà con ở vùng biên Đăk Long thân thuộc.
Trở về sau 25 năm nhung nhớ, cách xa vào đúng dịp ghi dấu mốc 60 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng và chào đón 30 năm ngày Biên phòng toàn dân, càng thêm chứa chan ân tình kỷ niệm.
Xa cách Đăk Long hơn hai thập kỷ, chia tay đồng đội Biên phòng cũng gần một nửa chừng ấy thời gian, người lính già hôm nay đã trở lại, vẹn tròn. Con dốc đầu làng nghiêng nghiêp chân bước... Chỗ lầy năm xưa ngập ngang ống chân, dậm xuống rồi sao khó rút lên... Nếp nhà kia gió to mưa dột, những người con Biên phòng từng chung tay lợp lại, dựng thêm.
25 năm trở về. Những cái ôm chặt tay, tỏa nụ cười rạng rỡ.
Bữa vui sum họp chiều nay, dẻo thơm chén cơm từ hạt lúa cấy trồng giống mới, bát măng chua mùa cũ đậm đà. Bà con Pêng Blong tươi cười khoe về cây cao su, cây cà phê đã xanh ở vùng biên giới. Bộ đội nơi Đồn biên cương luôn súng chắc tay và tích cực giúp dân nuôi bò, nuôi heo..., còn chăm lo cho lũ trẻ học hành.
Tháng 3 nắng sạm, gió khan. Người lính quân y năm xưa trở lại. Bước chân tuổi xế chiều vẫn hào hởi, vững vàng cùng đồng đội, bà con trên nẻo đường tuần tra.
Miền biên giới yên bình và thắm xanh hy vọng, nhờ nghĩa nhờ tình “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Thanh Như