30/08/2017 07:08
Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương và Công ty 78, hệ thống trường, lớp của các trường học trên địa bàn xã Mô Rai đã được xây dựng khá khang trang. Tuy nhiên, công cuộc “gieo chữ” trên vùng biên giới này vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Là một địa bàn rộng, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, việc huy động học sinh ra lớp đầu năm khá vất vả; cơ sở vật chất ở một số điểm trường, điều kiện để tổ chức cho học sinh ăn ở bán trú, nội trú vẫn còn thiếu thốn. Vì thế, các giáo viên và học sinh nơi đây vừa dạy chữ, vừa học tập, vừa phải khắc phục những khó khăn, thiếu thốn.
|
Thầy Trần Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lý Thường Kiệt chia sẻ: Năm học này, trường có 348 học sinh với 18 lớp học tại 6 điểm trường. Các điểm trường nằm rất xa trung tâm, số lượng học sinh ít nên hầu hết các em lớp 1 – 2 đều phải học ghép, đây vừa là khó khăn cho giáo viên, vừa là thiệt thòi cho học sinh. Năm nay, trường có 98 em từ lớp 3 đến lớp 5 ăn ở bán trú, nói là bán trú nhưng thực chất hầu như các em ở nội trú từ thứ 2 đến thứ 6. Trong khi đó, hiện tại, nhà trường chỉ có 2 phòng ở được cải tạo lại từ các lớp học; nhà ăn cũng chưa có, công trình vệ sinh chỉ mới làm tạm. Các em ở độ tuổi còn rất nhỏ, việc ở xa gia đình trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn như vậy là trăn trở lớn nhất của nhà trường.
Với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, năm học này, trường có 179 em của 6 lớp. Đến thời điểm này, gần như toàn bộ học sinh đã ra lớp và học chương trình mới. Điều đặc biệt, năm nay tại trường có 2 lớp 10 nhô mới được thành lập với tổng số 51 học sinh, nên thời điểm này nhà trường phải khẩn trương bố trí phòng học, phòng ở; huy động các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn và học sinh làm nhà ăn, bếp nấu, chỗ vệ sinh tạm để kịp đưa vào sử dụng khi năm học mới chính thức.
Thầy Nguyễn Trọng Trữ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã bố trí 1 phòng ăn của học sinh bán trú cấp II và 1 phòng thư viện để làm phòng học cho 2 lớp 10 nhô; sắp xếp chỗ ở phù hợp cho các em. Hiện tại, trường vẫn còn thiếu một phòng học dành cho học sinh cấp II, nhưng đã mượn tạm được của trường cấp I ở bên cạnh. Dù trước mắt đã tạm ổn, nhưng thực sự vẫn còn ngổn ngang, khó khăn lắm vì nhiều thứ đều tạm bợ, sơ sài, chỉ đến khi nào dãy nhà mới xây dựng xong và đưa vào sử dụng thì may ra mới ổn định được.
|
Đối với bậc học Mầm non, trên địa bàn xã Mô Rai hiện có 2 trường là Trường Mầm non xã Mô Rai và Trường Mầm non Công ty 78. Nếu như 443 học sinh Trường Mầm non Công ty 78 được tổ chức bán trú khá bài bản, thì 211 học sinh ở 7 điểm trường của Trường Mầm non xã Mô Rai lại khá vất vả. Hiện tại, do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên nhà trường không thể tổ chức bán trú tập trung cho học sinh mà phải thực hiện theo mô hình bán trú dân nuôi.
Cô Đinh Thị Thành – Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Dù còn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải tổ chức cho các em ở bán trú, bởi chỉ có như vậy thì phụ huynh mới yên tâm đưa con đến lớp, đây chính là cách để trường giữ chân học sinh ở lại lớp nhằm đảm bảo duy trì sĩ số và chuyên cần. Tuy nhiên, điều mà nhà trường lo lắng nhất chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi các em tự mang cơm thì trường không thể kiểm soát được nguồn thức ăn, chưa kể thời gian các em để cơm và thức ăn quá dài suốt từ sáng đến trưa rất dễ ôi thiu. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng thêm phần vất vả vì không có chế độ hỗ trợ bán trú nhưng các cô vẫn phải đảm nhiệm phần việc này.
Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng trong những năm qua, thầy và trò các trường trên địa bàn xã Mô Rai vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học. Tỷ lệ duy trì sĩ số của các trường luôn đạt trên 90%, tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi của bậc Trung học cơ sở tăng dần theo từng năm, hiện đạt trên 30%; tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng gần như không còn; ở bậc học Mầm non và Tiểu học, các em đều đảm bảo hoàn thành chương trình học... Trước lễ khai giảng năm học mới, các trường tất bật cho học sinh tập nghi thức, văn nghệ, các trò chơi dân gian… để các em có một ngày khai giảng thật ý nghĩa.
Trong cái hanh hao của tiết trời thu ở xã biên giới Mô Rai, chúng tôi vẫn cảm nhận rõ không khí hồ hởi, phấn chấn và tâm thế vững vàng bước vào năm học mới của thầy và trò nơi đây. Một mùa gieo chữ lại bắt đầu nơi miền biên giới này với bao niềm tin và hy vọng ở phía trước.
Thuỳ Hương - Lê Nga