22/08/2017 18:13
Ngay trong ngày đầu tựu trường năm học mới 2017-2018, 95% số học sinh trên địa bàn huyện Ia H’Drai đã ra lớp ôn tập kiến thức cũ.
Nhiều phụ huynh phản ánh, vất vả hiện nay là mùa mưa năm nay kéo dài, giao thông liên thôn hầu hết chưa được đầu tư làm mới, nên mặt đường đất đỏ đặc quánh làm người lẫn phương tiện tham gia giao thông rất khó khăn, song bà con đã nỗ lực vượt qua trở ngại, đưa con em đến trường đúng thời gian học quy định.
|
Anh Ngân Văn Trường đưa cháu gái ruột Ngân Văn Vi ra học bán trú tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Ia Tơi). Anh cho biết, bố mẹ của Vi là công nhân Công ty Cao su Chư Mo Ray, ban ngày tranh thủ cạo mủ cao su theo đúng thời gian đã định. Do bận việc, gia đình anh chị nhờ anh đưa Vi ra trường sớm để nhập học.
“Đoạn đường thôn 9 đến trường chừng 20km rất lầy lội. Do đó, phụ huynh muốn đưa các cháu đến trường an toàn phải chạy xe máy đi đường vòng từ thôn 9 xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) ngược về xã Ia Khai, Ia Grai (tỉnh Gia Lai) chừng 40km” - anh Trường kể.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia H’Drai cũng nêu cái khó, đó là đời sống của đại bộ phận người dân địa phương còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao; đường sá đi lại chưa thuận lợi vào mùa mưa, dẫn tới ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp chỉ đạt khoảng 95%. Số học sinh chưa ra lớp, nguyên nhân là do phụ huynh đi làm ăn xa, thiếu phương tiện an toàn đưa các em đi học.
“Dù có nhiều khó khăn như thế, nhưng nhìn chung ý thức của các bậc cha mẹ về việc học của con em rất tốt. Ngay năm học qua, tỷ lệ chuyên cần của học sinh trên lớp đạt gần như 98%” - ông Thọ cho hay.
Mặt khác, để đáp ứng công tác dạy và học cho 1.750 học sinh trong năm học 2017-2018 này, thời gian qua, UBND huyện và Sở GD&ĐT đã quan tâm đầu tư, xây dựng 8 trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, bổ sung 300 bộ bàn ghế học sinh; tiếp nhận các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp tặng khoảng 150 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó nhân ngày tựu trường. Các trường học chủ động sắp xếp chỗ ở, tổ chức bán trú, nội trú ngay cho học sinh các cấp học được hưởng chế độ chính sách liên quan. Đồng thời, các cấp đã và đang bố trí 140 cán bộ giáo viên nhân viên thực hiện nhiệm vụ ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tuy nhiên, xét về nhu cầu thực tế năm học mới này, ngành vẫn thiếu 30 giáo viên đứng lớp, cũng như thiếu một số phòng học, chức năng tại các điểm trường lẻ và chính.
Theo ông Thọ, để khắc phục tình trạng thiếu về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, Phòng đã có báo cáo huyện thống nhất chủ trương duy trì đội ngũ giáo viên hợp đồng, tranh thủ nguồn biên chế do tỉnh cân đối nhằm đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp. Bên cạnh đó, huyện đã tranh thủ một số cơ sở vật chất của các đơn vị chức năng trên địa bàn chưa dùng đến để bố trí phòng học tạm nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vào năm học mới.
Đặc biệt, năm học 2017-2018, là năm học đầu tiên Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện Ia H’Drai đón 50 học sinh lớp 10. Ông Nguyễn Ngọc Quốc - cán bộ phụ trách Phân hiệu cho hay, Phân hiệu tạm thời sử dụng cơ sở vật chất cũ (gồm các phòng làm việc, bếp ăn tập thể..) của Đồn Biên phòng Suối Cát tại xã Ia Dom bố trí đủ phòng học, phòng nội trú và nhà ăn cho học sinh. Về lâu dài, khi số lượng học sinh tăng lên, Sở GD&ĐT có phương án tham mưu tỉnh xây dựng, thành lập trường THPT mới, đảm bảo các yêu cầu cho công tác GD&ĐT bậc trung học phổ thông trên địa bàn huyện Ia H’Drai.
|
Hy vọng rằng, với sự quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và các bậc phụ huynh dành cho học sinh ngay từ những ngày đầu tựu trường, sự nghiệp giáo dục ở vùng biên còn lắm khó khăn này sẽ có bước chuyển tích cực trong thời gian đến.
Trần Hà