Vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

07/01/2019 06:15

​Trong những ngày cuối năm 2018, nhiều địa phương đã diễn ra các hoạt động sôi nổi, đầy ý nghĩa hướng đến chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019).

Là địa phương có đường biên giáp ranh dài hơn 138km với tỉnh Rattanakiri (Campuchia), huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (Việt Nam) là địa điểm cư ngụ, nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 2.500 người dân Campuchia chạy sang lánh nạn, tránh họa diệt chủng cách đây hơn 40 năm.

Ông Nguyễn Đăng Sao - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Sa Thầy vẫn chưa quên những tháng ngày gian khổ nhưng đầy yêu thương. Năm 1977, nhằm tránh khỏi chế độ diệt chủng, 2.500 người dân ở 6 làng của huyện Tà Veng (tỉnh Rattanakiri) đã qua khu vực đèo Ngọc Vin đến làng Rẻ, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy để lánh nạn.

“Khi các bạn qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quần áo cho mọi người. Tôi cùng ba đồng chí khác được cử lên sống cùng bà con. Tại đây, chúng tôi tham gia dạy chương trình tiểu học cho mọi người có nhu cầu. Chúng tôi đã mở được 6 lớp với khoảng 200 học viên. Ngày đó, dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn chỉ đạo không để các cư dân nước bạn bị đói, rét. Một thời gian sau, người dân dần ổn định, tự sản xuất nhưng đến mùa giáp hạt, chúng ta đều hỗ trợ. Sau năm 1981, khi tình hình Campuchia ổn định, Chính phủ Campuchia đã đưa công dân về nước. Chúng ta đã hỗ trợ phương tiện, lương thực để giúp nước bạn thực hiện công tác này” - ông Nguyễn Đăng Sao nhớ lại.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân 2 huyện Sa Thầy và Tà Veng ngày một phát triển bền vững. Chính quyền các cấp hỗ trợ, giúp nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cùng bảo vệ an ninh trật tự vùng biên. Cùng với đó, các bạn Campuchia phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum trong việc tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước.

Những năm qua, ngoài việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh chính trị vùng biên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn tăng cường quan hệ đối ngoại với lực lượng bảo vệ của Campuchia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum định kỳ tổ chức hội đàm với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh khám bệnh cho người dân xã Nhang, huyện Angdongmias, tỉnh Rattanakiri. Ảnh: TẤT THÀNH

 

Theo đại tá Lê Minh Chính - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum: Thực hiện chương trình nâng bước em tới trường, không những giúp các học sinh ở địa bàn 13 xã biên giới của Việt Nam, chúng tôi còn nhận giúp đỡ 6 cháu ở ngoại biên, trong đó có 3 cháu học sinh Campuchia. Việc hỗ trợ kéo dài đến khi các cháu học hết cấp 3. Sau này, nếu các cháu có nguyện vọng học cao hơn, căn cứ vào tình hình thực tế chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm để các cháu có điều kiện ăn học... Cùng đó, vào các ngày lễ, tết truyền thống và ngày thành lập lực lượng, hai bên đều có kế hoạch tổ chức đoàn thăm, trao quà, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Chính thông qua hoạt động này đã góp phần cho hai bên tăng hiểu biết, tin cậy, gắn kết hơn. Đặc biệt là trong các cuộc đi thăm hai bên đã cùng ôn lại truyền thống lịch sử. Bạn rất cảm ơn nhân dân, cán bộ Việt Nam đã đùm bọc, cưu mang trong thời kỳ vô cùng khó khăn, nguy hiểm...

Phát huy những tình cảm tốt đẹp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum luôn trân trọng, vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ phát triển ngày càng tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cao Nguyên

Chuyên mục khác