Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào

20/07/2017 18:00

9h30 buổi gặp mặt mới bắt đầu nhưng gần chục cán bộ, giáo viên từng gắn bó với Trường lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ đã có mặt từ rất sớm. Mọi người tay bắt mặt mừng; có người còn mang theo những kỷ vật, những tấm ảnh lưu niệm dưới mái trường xưa…

Ngày cuối tuần, ông Phan Đức Luận – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh Kon Tum (nay là Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch) mời chúng tôi đến tham dự một buổi gặp mặt những người từng công tác, giảng dạy ở ngôi trường lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai – Kon Tum cũ. Nghe ông nói, tôi đã liên tưởng đến một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa, bởi những ngày này cả nước đang có nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Lào.

9h30 buổi gặp mặt mới bắt đầu nhưng gần chục cán bộ, giáo viên từng gắn bó với Trường lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ đã có mặt từ rất sớm. Mọi người tay bắt mặt mừng; có người còn mang theo những kỷ vật, những tấm ảnh lưu niệm dưới mái trường xưa…

Nguyên cán bộ, giáo viên Trường lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai - Kon Tum trò chuyện trong buổi gặp mặt

 

Nguyên là cán bộ lãnh đạo nhà trường, ông Phan Đức Luận cho biết, năm 1979, Trường lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai - Kon Tum được thành lập (thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ) với 60 cán bộ, giáo viên, viên chức. Đặc thù của trường là vừa nuôi dưỡng và dạy học tiếng Việt, kiến thức phổ thông cho các em lưu học sinh Lào. Qua 10 năm đi vào hoạt động (1979-1989), nhà trường đã tổ chức đào tạo được 6 khóa học với gần 1.000 học sinh người Lào.

Ông Phan Đức Luận từng là bộ đội tình nguyện tham gia chiến đấu giải phóng đất nước bạn Lào. Tháng 6/1985, ông được điều động, bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng Trường lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Nhận nhiệm vụ mới, ông Phan Đức Luận nhận thức đây vừa là niềm vinh dự nhưng vừa là trách nhiệm hết sức lớn lao, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị giữa 2 đất nước Việt Nam - Lào.

Theo thời gian, cán bộ, giáo viên nhà trường bây giờ nhiều người đã không còn, số còn lại cũng là cán bộ hưu trí, sinh sống cùng con cháu ở khắp nơi; trong đó có 30 người đang sinh sống trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Quán dạt dào cảm xúc: Năm 1979, thành lập trường, cô được phân công về trường giảng dạy môn Văn. Thời gian đầu công việc giảng dạy cho lưu học sinh Lào rất khó khăn vì các em đều chưa biết tiếng Việt nên giáo viên vừa phải giảng dạy tiếng Việt vừa giảng dạy kiến thức phổ thông cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải tích cực học tiếng Lào để trong quá trình giảng dạy gặp những chỗ khó có thể tự phiên dịch để giúp các em dễ tiếp thu bài hơn.

Đối với các lưu học sinh Lào còn nhỏ tuổi, cô Quán còn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, chăm lo cho các em từ cái ăn cái mặc đến sắp xếp thời gian học tập, vui chơi.

Có lẽ từ những tình cảm sâu sắc ấy mà sau này nhiều lưu học sinh Lào tiếp tục theo học tại Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum… đã tìm đến cô Quán để được hướng dẫn, giúp đỡ thực tập. Nhiều học sinh của cô sau này về nước trở thành cán bộ của tỉnh Attapư, Sê Kông khi sang Kon Tum công tác cũng đã tìm đến thăm hỏi sức khỏe cô.

Với thầy giáo Hoàng Văn Phúc, 6 năm công tác tại Trường lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai - Kon Tum là khoảng thời gian lưu dấu nhiều kỷ niệm sâu sắc. Năm 1983, thầy Phúc được phân công về trường giảng dạy môn tiếng Việt kiêm giáo vụ, trực tiếp quản lý nơi ăn chốn ở đến việc học hành nội trú của học sinh.

Thầy Phúc chia sẻ: Với các em học sinh, chúng tôi không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người mẹ, người bạn để giúp các em chia sẻ vui buồn trong thời gian xa quê hương, gia đình. Nhờ vậy, các em học sinh Lào đã nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, biết sắp xếp thời gian sinh hoạt, học tập khoa học.

Những bức ảnh lưu niệm cùng lưu học sinh Lào được thầy cô giáo lưu giữ

 

Thầy giáo Hoàng Văn Phúc khoe với chúng tôi về những bức ảnh kỷ niệm với những học trò Lào mà thầy cất giữ rất cẩn thận. Thầy chỉ tay vào từng người trong bức ảnh rồi đọc tên vanh vách. Thầy bảo, nhiều học sinh trở về nước bây giờ đã là lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành nhưng thật đáng quý là khi có dịp sang Việt Nam nhiều em vẫn không quên ghé đến thăm thầy giáo cũ của mình...

Theo ông Phan Đức Luận, góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị, hợp tác Việt - Lào, trong thời gian tới sẽ đề xuất với lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho thành lập Ban liên lạc hoặc chi hội (trực thuộc Hội hữu nghị Việt –Lào của tỉnh) kết nối những cán bộ, giáo viên, lưu học sinh Lào từng giảng dạy và học tập dưới mái trường này để có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu hơn.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác