Vừa ăn vừa… lo

27/05/2024 13:16

Không ngoa đâu, đấy là cảm giác thật, nếu chúng ta chịu khó để ý một chút khi đi ăn tại nhiều quán bán trên vỉa hè các tuyến phố hiện nay.

Thấy tôi suốt mấy ngày trời la cà ở các tuyến phố, rồi cọc cạch ngồi gõ trên bàn phím vi tính, anh bạn tò mò ghé mắt nhìn. Ôi dào, tưởng gì- anh bĩu môi- ông viết làm gì cái chuyện “biết rồi, khổ lắm” ấy. Thời buổi này, nếu sợ mất an toàn thực phẩm thì chỉ có nước… nhịn đói.

Kể ra, anh bạn nói cũng có lý. Nhưng dù vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm- nhất là đối với thức ăn đường phố- cũng chưa bao giờ cũ. Và như vậy, vẫn phải nói, nói nữa, nói mãi.

Như đã “khai” ở trên, tôi bỏ ra đúng 3 ngày để lân la ở các quán ăn vỉa hè để tìm hiểu về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là cái việc mà anh bạn cho là “không giống ai”. Và chẳng cần mất thời gian đi thực tế vẫn có thể viết được vì “rõ như ban ngày”.

Ấy vậy mà đi mới thấy. Buổi sáng ngày đầu tiên, tôi vào quán bán bún trên đường T.P. Gọi là quán cho oai, chứ thực chất chỉ là những tấm tôn gác lên mấy trụ gỗ tạp. Khi tôi bước vào, quán có khá đông khách, trên nền xi măng mốc xì rác vương vãi đủ loại, từ giấy lau, rau tới sợi bún, xương.

Chủ quán không có bất cứ biện pháp giữ vệ sinh an toàn thực phẩm nào. Ảnh: HL

 

Anh chủ dùng đôi tay trần, bóng lên vì dầu mỡ, thoăn thoắt bốc bún cho vào tô; thoăn thoắt múc nước, múc thịt, bốc rau. Rồi cũng chính đôi tay ấy thoăn thoắt bốc than bỏ vào lò.

Những chiếc tô ướt rượt vì mới rửa xong được anh lau vội bằng một chiếc khăn không còn nhận ra màu gì. Nhìn cảnh ấy mà tôi vừa ăn vừa lo cho bụng dạ mình.

Buổi chiều ngày thứ hai, tôi rong ruổi trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Lê Lợi… Đồ ăn, thức uống được bày bán nhan nhản trên vỉa hè, với bún, phở, bánh xèo, bánh canh, ốc, cháo. Chỗ nào cũng tấp nập thực khách. Chen chúc. Ồn ào. Nóng nực!

Ở một ngã tư, mấy chậu ốc um to tướng, vun đầy, điểm những miếng ớt đỏ tươi, không che đậy. Gần đấy là công trường nâng cấp vỉa hè tuyến phố, mỗi khi có gió thổi qua là mù mịt bụi.

Tôi rẽ vào quán bún ở đường H.H.T. Quán lụp xụp, tuềnh toàng với 4-5 bộ bàn ghế nhựa nhưng khá đông khách.

“Vây” xung quanh bà chủ quán là bếp, than, nồi niêu, tô, dĩa và… 3 chậu nước nổi váng dầu, lềnh bềnh rau. Nhìn một loáng là tôi nhận ra công dụng của 3 chậu nước này: Vừa để rửa tay, vừa để… rửa tô. Nhìn nước trong chậu thì chắc là đã rửa được khá nhiều tô rồi.

Ngồi xuống ghế, người phục vụ mau mắn tới, gạt phắt tất cả rau, giấy ăn trên mặt bàn xuống đất. Đĩa rau của khách ăn trước còn một ít, dính mấy cọng bún được đổ ụp vào rổ rau. Người phục vụ xới rổ rau lên, rồi lại bốc vào đĩa đem tới cho tôi.

“Choáng” quá, tôi cự nự: sao không bỏ đi? Như thế này làm sao mà ăn được. Và câu trả lời khá… lạnh lùng làm tôi “choáng” thêm: Không ăn thì để người khác ăn.

10 giờ, ngày thứ ba. Tôi và anh bạn đồng nghiệp quyết định ghé quán cơm tấm ở đường N.H. Ngay trên vỉa hè là lò than to đùng nghi ngút khói, một người đàn ông mồ hôi nhễ nhại đang hì hụi nướng thịt.

Bên trong, bà chủ cầm quạt phe phẩy đuổi ruồi cho tủ đựng đồ ăn. Tờ cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũ mèm dính trên tủ kính bay lất phất. Chắc chẳng ai thèm nhìn đến nó.

Một người đàn ông vác bao than đi xuống bếp; lát sau đi lên, xách xô nước (sau này tôi mới biết là nước canh) đổ vào một cái nồi to; bàn tay của người này đen nhẻm vì bụi than.

Vài nhân viên phục vụ khác đang lăng xăng chuẩn bị cho buổi bán trưa. Không găng tay, không tạp dề, họ hối hả xếp những dĩa cá chiên vàng rộm, những chậu thịt, chảo rau xào lên bàn. Xung quanh đặc quánh mùi dầu mỡ, mùi hành tỏi, mùi khói.

Tôi thật sự “choáng” về những gì đã thấy. Người bán- vì mưu sinh, vì lợi nhuận- mà “phớt lờ” vấn đề an toàn thực phẩm.

Còn người ăn, họ nghĩ gì? Hãy nghe một khách hàng chia sẻ: Mình thường chọn thức ăn đường phố vì vừa rẻ vừa tiện, đỡ mất thời gian. Còn chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm thì ở đâu cũng vậy, tùy thuộc vào lương tâm của người bán thôi.

Cần tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm quán ăn đường phố. Ảnh: H.L

 

Theo ngành Y tế, trong năm 2023, đã có 13 đoàn kiểm tra về ATTP được thành lập, và đã tiến hành kiểm tra 603 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, có 3 cơ sở có vi phạm, bị xử phạt.

Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra độc lập 102 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã xử lý 88 cơ sở có vi phạm. UBND các huyện và UBND các xã thành lập 290 đoàn kiểm tra tuyến huyện và tuyến xã kiểm tra được 4.402 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 cơ sở.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy, công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền về an toàn vệ sinh vẫn chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả, thậm chí “chưa với tới” quán xá vỉa hè.

An toàn vệ sinh thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe mỗi người. Vì vậy không chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán hay công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, mà người tiêu dùng phải tự nâng cao ý thức để  bảo vệ sức khỏe của mình.

Vậy còn người bán thì sao? Họ cũng phải được  tập huấn, trang bị kiến thức cho người bán thức ăn đường phố; hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh dụng cụ nấu nướng; mang găng tay, khẩu trang khi chế biến.

Và đã đến lúc ngành chức năng cần kiểm tra và “thổi còi”, chứ không chỉ dừng lại ở mức cảnh báo, vận động vì lý do “bán vỉa hè ấy mà”.

Hồng Lam

Chuyên mục khác