15/08/2019 06:02
Trong đời, ai cũng có cha mẹ. Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cho ta khôn lớn như núi cao, biển cả. Tháng 7 (âm lịch) - mùa Vu Lan là dịp để phận làm con chúng ta phải có trách nhiệm báo hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên, với những bậc tiền nhân có công lao với đất nước, với dân tộc.
Trong Kinh Vu Lan Bồn, lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Đại đức Mục Kiền Liên cứu mẹ. Gốc của từ Vu Lan là từ chữ Phạn Ullambana, dịch theo ngôn ngữ của người Trung Hoa là Giải Đảo Huyền, có nghĩa cứu khỏi tội treo ngược. Chuyện kể rằng, Đại đức Mục Kiền Liên, một trong những đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi tu chứng được nhiều phép thần thông, trong đó có phép thiên nhãn thông (thấy được sự lưu chuyển của chúng sinh trong các cõi giới luân hồi), ngài dùng thiên nhãn tìm mẹ mình trong các cõi.
Cuối cùng, ngài thấy mẹ mình bị đày làm ngạ quỷ ở cảnh giới địa ngục, thân thể tiều tuỵ và đói khát. Thương mẹ, ngài dùng phép thần thông đem cơm cho mẹ ăn. Tuy nhiên, do mẹ ngài bị đói lâu ngày, lại còn quá sân tham, khi ăn dùng một tay che bát cơm vì sợ quỷ đói khác đến cướp đoạt. Vì vậy, bát cơm bà đưa lên miệng thì bị hoá thành lửa đỏ, không thể nào ăn được.
Đau xót và bất lực vì không thể giúp gì được cho mẹ, ngài về hỏi Đức Phật. Đức Phật khuyên ngài: Cho dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Duy chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Đó là ngày rằm tháng 7 (sau ba tháng an cư kiết hạ) là ngày thích hợp sắm sửa lễ vật cung thỉnh chư tăng, lấy phước gia hộ cứu mẹ.
Làm theo lời Đức Phật dạy, Mục Kiền Liên giải thoát cho mẹ khỏi cảnh ngạ quỷ. Đức Phật cũng dạy rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn). Và từ đó, lễ Vu Lan ra đời.
|
Một mùa Vu Lan nữa lại đến. Thật may mắn cho những ai còn cha mẹ khoẻ mạnh. Ngày rằm tháng 7 thành tâm thắp hương cầu siêu cho ông bà, tổ tiên, cho các bậc tiền nhân đã có công ơn với non sông gấm vóc hay hỏi han, chăm sóc cho cha mẹ. Nếu cha mẹ già yếu, chúng ta cầu cho cha mẹ khoẻ mạnh, chăm lo cho cha mẹ miếng ăn, giấc ngủ.
Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta sống chậm lại trong cuộc sống xô bồ, tự nhìn lại thân tâm, gột rửa thân tâm thanh tịnh, có những hành động báo hiếu với cha mẹ; sống đẹp và hữu ích hơn với mọi người trong cõi nhân sinh này.
Trong thời đại ngày nay, khi xã hội đang phải đối mặt với đạo đức xuống cấp, không ít người chạy theo tiền tài, danh vọng, sắc dục... mà thường quên mất việc gột rửa thân tâm, vì vậy tự làm khổ mình, làm khổ đấng sinh thành và người thân trong gia đình. Xem lại thân tâm là cách để chúng ta tự hoàn thiện mình, sống có hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và làm tròn trách nhiệm với xã hội.
Với ý nghĩa ấy, ngày lễ Vu Lan còn là dịp để chúng ta tự thức tỉnh.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nhưng mùa Vu Lan, ngày lễ Vu Lan vẫn không mất đi ý nghĩa. Từ xưa đến nay, lễ Vu Lan luôn trở thành một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta thể hiện tấm lòng với cha mẹ, với ông bà, tổ tiên, với những người có công với nước.
Hãy báo hiếu với cha mẹ khi cha mẹ còn sống. Mùa Vu Lan còn là dịp để mỗi người chúng ta tự răn mình không làm việc ác, không làm việc gì trái với đạo đức; năng làm việc thiện; tu dưỡng, rèn luyện để sống có ích cho xã hội, để ông bà, cha mẹ yên vui.
Mỗi người biết tự răn mình sống tốt, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Mùa Vu Lan, ngày Vu Lan không chỉ để báo hiếu mà còn là dịp để mỗi người chúng ta tự thức tỉnh.
Văn Nhiên