Viết trong ngày 20/10

21/10/2022 06:07

Vẫn còn nhiều dạng “bắt nạt phụ nữ”, nói văn hoa thì là coi thường phụ nữ, hoặc trọng nam khinh nữ. Vì vậy, xóa bỏ bất bình đẳng giới, nên bắt đầu từ việc nghĩ đúng về… phụ nữ.

Hôm nay, trên các mặt báo, trên các trang mạng xã hội tràn ngập những lời ca ngợi dành cho phụ nữ ViệtNam. Và ngoài đời, dĩ nhiên là tràn ngập hoa và quà, tặng những người phụ nữ tuyệt vời của chúng ta.

Tôi cũng muốn viết điều gì đó ca ngợi người phụ nữ Việt Nam. Bản thân tôi, trong nhiều năm làm báo, cũng không thể nhớ hết mình đã có bao nhiêu bài viết vào ngày này.

Nhưng giữa trưa 20/10, khi đi ngang qua khu ruộng thuộc làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum), tôi thấy những người phụ nữ đang miệt mài làm việc.

Đây là khu ruộng trồng toàn cần nước, và những người phụ nữ ấy đang thu hoạch. Họ cúi gập người, dùng liềm cắt từng bụi cần nước, sau đó bó lại thành bó lớn, vác lên bờ. Sau nhiều giờ làm việc, quần áo họ ướt sũng, không thể biết vì nước trong ruộng hay mồ hôi, mà có thể là cả hai.

Vì vậy, tôi quyết định dành bài viết này để nói về bất bình đẳng giới và việc làm cho phụ nữ, những vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ.

Phụ nữ tham gia lao động tất cả các lĩnh vực, trong đó phổ biến là lao động phổ thông. Ảnh: HL

 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay toàn tỉnh có 11.436 nữ cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 63,65%); có 2 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 33,33%), 18 nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh (chiếm 35,29%), 95 nữ đại biểu HĐND cấp huyện (chiếm 30,06%) và 850 nữ đại biểu HĐND cấp xã (chiếm 39,32%).

Điều đó cho thấy, bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý nói riêng, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhưng ở khía cạnh xã hội, vẫn khá phổ biến lối tư duy nội trợ, chăm con là công việc của phụ nữ, đàn ông phải làm những việc lớn lao ngoài xã hội. Hay nam giới đảm nhận những công việc nặng nhọc, năng lực tốt, có tính độc lập cao; ngược lại, phụ nữ luôn yếu đuối, thụ động, phải dựa dẫm.

Và bản thân tôi vẫn thấy xung quanh mình nhiều dạng “bắt nạt phụ nữ”, nói văn hoa thì là coi thường phụ nữ, hoặc trọng nam khinh nữ.

Dễ thấy nhất là còn nhiều, rất nhiều gia đình muốn sinh con trai hơn con gái, vì thế phụ nữ sinh con trai sẽ được coi trọng và yêu mến hơn.

Ở xóm tôi, gia đình anh A. có 3 cô con gái, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng vẫn cố sinh thêm. Đến khi sinh được con trai đã tổ chức liên hoan linh đình.

Hay anh B. có tiếng là vũ phu, thường “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với vợ. Ngày hôm qua, cô vợ lại bị đánh chỉ vì dám cãi chồng. Của đáng tội, cô vợ cũng là người đanh đá, chua ngoa.

Trước đây, đôi khi, tôi tự hỏi rằng, mình có đối xử bất bình đẳng với phụ nữ hay không, có trọng nam khinh nữ hay không?

Nếu không quá cầu kỳ về nghĩa lý luận, tôi tự nhận rằng, hóa ra mình cũng có. Đó là khi tôi vui vẻ dự tiệc ở nhà anh A. mừng cho anh chị sinh được con trai, khi có 3 cô con gái đẹp như tranh vẽ. Hay nhiều lần đồng tình với anh chồng vũ phu rằng, do cô vợ đanh đá, chua ngoa quá.

Lẽ ra, tôi phải khuyên anh hàng xóm không nên tổ chức tiệc tùng; khuyên anh B. không được đánh vợ, dù đó là một người chua ngoa, đanh đá. Có nhiều cách để xử lý văn minh hơn.

Bên cạnh đó, bất bình đẳng trong công việc đang là vấn đề mà phụ nữ hiện nay gặp phải. Tuy không gây nhiều tổn thương bằng coi thường, nhưng vẫn rất đáng quan tâm

Thật bất công khi đọc kết quả khảo sát toàn cầu mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về công việc của mình, thậm chí còn có sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ ở nhiều quốc gia.

Đối với Việt Nam, thông tin được nêu trong báo cáo nghiên cứu mới ra mắt do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện, cho hay, phụ nữ đang phải tham gia lao động ở tất cả các lĩnh vực không khác nam giới, nhưng việc làm kém ổn định hơn, ít được bảo vệ hơn, và được trả công thấp hơn so với nam giới.

Như ở  Kon Tum, theo Cục Thống kê tỉnh, đến cuối quý III/2022 tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,22% (tương ứng 156.883 người), chênh lệch lao động có việc làm giữa nam và nữ không đáng kể, chỉ 0,35 điểm phần trăm (99,49% và 99,14%), trong khi tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm tới 61,04% tổng số người thất nghiệp. 

Trong khi đó, phụ nữ phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi so với nam giới. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái.

Bên cạnh mưu sinh, còn đi kèm gánh nặng chăm lo gia đình. Ảnh: HL

 

Còn ở nam giới? Họ chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này, gần 1/5 nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 tới nay, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động của dịch bệnh, như giảm thu nhập, bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Nhiều doanh nghiệp, khi phải giảm giờ làm, cắt giảm lương, sa thải công nhân, thì phụ nữ vẫn là lựa chọn đầu tiên và chủ yếu.

Rõ ràng là, chúng ta còn chặng đường rất dài phía trước để tiến tới đạt được bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, trong cuộc sống và trong lao động.

Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng, không thể bình đẳng tuyệt đối, dù gì thì phụ nữ vẫn là… phái yếu, nên mới cần yêu thương và che chở.

Nhưng xin thưa, bản thân việc nam giới tự nhận mình có trách nhiệm che chở phụ nữ, và phụ nữ “nghĩa vụ” tiếp nhận sự che chở ấy cũng có thể gọi là "trọng nam khinh nữ".

Trưa 20/10, khi tôi chạy xe dọc đường Trần Phú, thấy có nhiều người bày bán hoa trên vỉa hè, làm cả đoạn đường trở nên rực rỡ. Một hình ảnh quen thuộc của những tuyến đường lớn ở thành phố Kon Tum trong các dịp lễ, trong đó có ngày 20/10.

Người đứng bán hàng trong nắng gió và bụi bặm, tiếc thay, chủ yếu là phụ nữ. Ngày hôm nay, trong số họ, có bao nhiêu người có nổi một bó hoa cho riêng mình?

Và những người phụ nữ cắt cần nước giữa trưa nắng trên cánh đồng làng Kon Tum Kơ Nâm nữa. Họ không cho rằng, “nghĩa vụ” của mình là ngồi chờ nhận hoa và quà trong ngày hôm nay.

Vì vậy, xóa bỏ bất bình đẳng giới, nên bắt đầu từ việc nghĩ đúng về phụ nữ.

Hồng Lam

Chuyên mục khác