Viết tiếp ước mơ còn dang dở

27/07/2024 13:04

Sau khi liệt sĩ Phạm Ngọc Hải hi sinh nơi dòng sông Thanh khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Đồn Biên phòng Sông Thanh tháng 10/2020 (xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei), ước mơ xây dựng căn nhà khang trang cho vợ con của anh đã được đồng đội, các mạnh thường quân chung tay thực hiện.

Trước khi đến thăm nhà chị Phan Thị Xuân (42 tuổi, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) là vợ liệt sĩ Phạm Ngọc Hải, chúng tôi đã đọc bài viết cũ và được biết anh hi sinh khi đang làm nhiệm vụ chống dịch nơi biên giới năm 2020. Vì cũng nhân dịp 27/7 – Ngày Thương binh - Liệt sĩ nên chúng tôi đến nhà để thắp nén hương tri ân và hỏi thăm tình hình của chị.

Gần một tiếng đồng hồ di chuyển từ thành phố Kon Tum, chúng tôi đến Đăk Tô trong một buổi chiều mưa. Bầu trời xám xịt, có lúc mưa lất phất, có lúc lại mưa to nhạt nhòa trời đất làm chúng tôi cũng cảm thấy có chút bùi ngùi. Anh đã hi sinh ở tuổi 39 – độ tuổi đầy ước mơ và hoài bão để lại mẹ già, vợ và hai con gái còn quá nhỏ (cháu lớn 7 tuổi và cháu nhỏ 2 tuổi).

Chị Xuân thắp hương trước bàn thờ anh Hải trong ngôi nhà mới. Ảnh: NB

 

Trong căn nhà cấp 4 khang trang còn bay mùi nhà mới trên đường A Tua, thị trấn Đăk Tô, chị Xuân kể lại: Anh Hải là người hiền lành, rất có trách nhiệm với công việc và gia đình. Gần 5 năm khi anh chuyển về công tác tại Đồn Biên phòng Sông Thanh nhưng vì đường sá đi lại vùng biên giới còn khó khăn, sợ mấy mẹ con vất vả nên đã nhiều lần tôi ngỏ lời muốn dắt con lên thăm nhưng anh không đồng ý. Mỗi tháng anh Hải chỉ về được vài hôm, ăn với vợ con được bữa cơm rồi lại đi.

“Lập gia đình hơn 10 năm nhưng vợ chồng tôi vẫn sống trong căn nhà của ông bà nội (mẹ anh Hải). Xây dựng ngôi nhà riêng cho gia đình là nguyện vọng lớn lao mà anh chưa làm được. Ấp ủ ước mơ làm một ngôi nhà mới trên mảnh đất được hai vợ chồng tích góp mua trước đó, anh dành dụm tiền làm trước phần khung và cửa, sau này đồng đội mang về tôi mới biết. Anh dự định sau đợt dịch sẽ vay mượn thêm anh em bạn bè để dựng lại căn nhà khang trang hơn cho cả gia đình sinh sống. Thế nhưng, những dự định ấy đã mãi nằm lại với sông Thanh” - chị Xuân nghẹn ngào chia sẻ.

Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống của gia đình, đặc biệt là hai cháu nhỏ khi không còn anh Hải bên cạnh, chị cho biết: Thời gian đầu tôi đã rất hụt hẫng, tuy nhiên, nhìn hai đứa trẻ và mẹ già tôi cũng phải nén lại nỗi đau để bước tiếp. Đặc biệt là theo dõi, quan tâm trò chuyện và động viên đứa con gái đầu vì cháu cũng hiểu chuyện nên sợ cháu bị sốc tâm lý mà sinh bệnh. Còn về chi phí trong gia đình, bản thân tôi là giáo viên nên cũng có nguồn thu nhập từ lương, mẹ con gói gém cũng đủ, không khó khăn gì.

Điều trân quý nhất mà chị Xuân thấy được sau thời gian anh Hải mất đó là tình đồng chí, đồng đội của anh. Chị tâm sự: Trước đây khi nghe hai từ “đồng chí” tôi nghĩ đó như là cách gọi để chỉ những người có cùng chung lý tưởng, mục tiêu hay cùng chung một đơn vị nhưng từ khi anh mất tôi mới thấy hai từ “đồng chí” còn thiêng liêng, ngọt ngào và cao quý biết bao.

“Tôi thấy không có cái tình nào bằng cái tình trong quân đội, từ khi anh Hải mất, gia đình nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ đồng đội. Các anh thường xuyên đến chơi, mua quà cho mấy đứa để lũ trẻ bớt tủi thân; để giúp anh Hải thực hiện ước nguyện cuối cùng, cả đơn vị đã chung tay, gom góp lại chút kinh phí giúp gia đình sửa sang lại mái nhà sập xệ của bà nội. Các anh còn vận động, quyên góp trong đơn vị, mở sổ tiết kiệm để lo cho lũ trẻ; những dịp sinh nhật, ngày 27/7 hay lễ tết được về phép các anh đều ghé thắp hương cho anh Hải và động viên giúp gia đình cảm thấy ấm áp, vượt qua nỗi đau” - chị Xuân chia sẻ.

Ngoài việc hỗ trợ sửa chữa nhà cho mẹ liệt sĩ Hải, đồng đội, cơ quan, đơn vị và các mạnh thường quân đã chung tay giúp đỡ chị Xuân xây dựng được ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 80m2 khang trang để cho các cháu thuận tiện học hành và có chỗ thờ cúng anh Hải.

Vợ và 2 con gái của liệt sĩ Phạm Ngọc Hải trước ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: NB

 

Không những thế, sự hi sinh của thượng úy Hải đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận; nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (lúc đương nhiệm) cũng đã đến chia sẻ, động viên gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; UBND tỉnh Kon Tum cũng đã truy tặng Bằng khen cho thượng úy Phạm Ngọc Hải. Ngoài ra, anh Hải cũng được truy thăng quân hàm lên đại úy và được công nhận là liệt sĩ và thân nhân của anh được hưởng tuất liệt sĩ từ ngày 4/1/2023.

Trước lúc chia tay, chị Xuân nắm tay chúng tôi bịn rịn: Trong hoàn cảnh này mới thấy tình đồng chí, đồng đội nó lớn lao, ấm áp đến nhường nào! Dịp này tôi cũng mong muốn gửi lời cảm ơn đến những đồng đội của anh Hải, các cơ quan ban ngành và đơn vị đã động viên, lo lắng và giúp đỡ gia đình trong thời gian qua. Nhờ đó và ước mơ của anh đã được viết tiếp và đã hoàn thành – điều mà tôi nghĩ rằng rất lâu sau tôi mới có thể làm được.

Đại tá Lê Minh Chính - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum chia sẻ, sự hy sinh của liệt sĩ Phạm Ngọc Hải là mất mát to lớn của lực lượng. Hiểu được hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng của chị Xuân, đơn vị cũng đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu V xét hỗ trợ xuất nhà tình nghĩa 80 triệu đồng; ngoài ra, đơn vị cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm, cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình đã hoàn thành ước nguyện của anh Hải và mong muốn của gia đình.

“Đối với đơn vị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hàng năm đều có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, chăm lo đời sống cho các trường hợp thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công khu vực biên giới để gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm công tác” - Đại tá Lê Minh Chính cho biết thêm.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác