Viết tiếp giấc mơ “con chữ” nơi vùng biên Mô Rai

05/12/2019 13:23

Từ năm học 2017-2018, 100% số học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) đã được theo học chương trình THPT ngay tại địa bàn xã do Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sa Thầy mở lớp. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo xã, của ngành Giáo dục - Đào tạo huyện, cũng như Công ty Cao su 78 - đơn vị đứng chân trên địa bàn xã - đối với việc học hành của con em trên địa bàn.

Theo lời giới thiệu của thầy Nguyễn Bình - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sa Thầy - chúng tôi vượt gần 100 km từ thành phố Kon Tum đến xã biên giới Mô Rai - nơi có những lớp cấp III “nhô” mà các thầy cô của nhà trường đang giảng dạy.

Điểm lớp cấp III “nhô” tại trung tâm xã Mô Rai là dãy nhà gồm 5 phòng học, nằm sau khuôn viên của Trường THCS Nguyễn Huệ. Tại đây, cô giáo trẻ 23 tuổi Trần Thị Mỹ Tuyên cho biết, ngoài cô dạy môn Toán ra còn có 5 thầy cô giáo khác và 1 thầy hiệu phó nhà trường cùng tham gia giảng dạy. Điểm lớp “nhô” này hiện có 3 lớp học với 86 em học sinh, trong đó 2 lớp 10 và 1 lớp 11.

“Thường thì cứ sáng thứ 2, giáo viên vào đây giảng dạy và cuối tuần mới về nhà ở thị trấn Sa Thầy. Các em được học tập tại địa bàn xã là rất thuận lợi, gia đình cũng hỗ trợ cho giáo viên rất nhiều trong việc nhắc nhở con em học tập. Ban đầu mới vào giảng dạy nơi đây, em thấy vất vả vì đường sá đi lại khó khăn, nhưng giờ đã thích nghi với môi trường ở đây rồi” - cô giáo Tuyên chia sẻ.

Do đặc thù của điểm lớp này phần lớn học sinh thuộc đối tượng hưởng bán trú, nên ngoài việc dạy học, các thầy cô phải thường xuyên cận kề, theo dõi, chăm sóc việc ăn trưa, nghỉ trưa tại trường cho học sinh, giúp các em quen dần với việc học tập và sinh hoạt.

Một giờ học của cô trò vùng biên Mô Rai. Ảnh: VH

 

Em Nguyễn Văn Sơn - học sinh lớp 10B6 cho biết: Điều kiện gia đình em khó khăn, rất may ở đây có lớp dạy cấp 3 nên em có cơ hội tiếp tục học tập. Lớp học gần nhà nên thuận tiện cho em rất nhiều, lại có thời gian phụ giúp bố mẹ.

Thầy Nguyễn Bình cho biết: Năm học 2019-2020 là năm học thứ 3 nhà trường tổ chức giảng dạy và duy trì lớp “nhô” ở xã Mô Rai. Hiện nhà trường đang giảng dạy cho 120 em học sinh của xã này, trong đó 86 em khối lớp 10, 11 và 34 em khối lớp 12. Đối với các em học sinh khối lớp 12, do dặc thù phải ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nên các em phải về học nội trú tại điểm trường chính tại thị trấn Sa Thầy.

Thầy Bình cho biết thêm: Về các chế độ cho các em học sinh ở lớp “nhô”, hiện nay có 55 em được hưởng chế độ nội trú, mỗi tháng các em được hỗ trợ 80% mức lương cơ bản (khoảng 1 triệu đồng), trường sử dụng kinh phí đó để tổ chức ăn bán trú cho các em (3 bữa/ngày). Một số em học sinh còn lại được hưởng chế độ 116/CP của Chính phủ hoặc gia đình có nhu cầu thì đóng góp để các em ở lại ăn bán trú cùng với các em học sinh khác.

“Những năm trước hầu như chỉ khoảng 50% con em của xã sau khi học xong THCS được tuyển theo chế độ nội trú xuống huyện học chương trình THPT, số còn lại nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Từ khi mở lớp “nhô” này thì hầu như 100% các em học sinh sau khi học xong THCS đều tiếp tục học lên THPT. Qua ghi nhận thì các phụ huynh học sinh rất đồng tình ủng hộ và các em học sinh đi học rất chăm ngoan” - thầy Nguyễn Bình nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông H Rách Láo - Chủ tịch UBND xã Mô Rai khẳng định: Kể từ khi có lớp “nhô”, các em học sinh DTTS ở xã biên giới Mô Rai sau khi tốt nghiệp THCS đã có điều kiện học tiếp lên THPT, nhờ đó trình độ dân trí ngày càng được cải thiện. Đây là tiền đề giúp các em viết tiếp ước mơ con chữ để sau này về phục vụ quê hương mình.

Chia tay xã biên giới Mô Rai, dẫu biết rằng ở vùng biên giới vẫn còn đó những khó khăn, nhưng với tình yêu nghề, niềm yêu thương học sinh và sự nỗ lực rèn luyện của các em học sinh, tin rằng thầy và trò ở các lớp “nhô” sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra của năm học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác