24/06/2020 13:05
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, tại Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà hiện có hơn 20 người lao động bị trừ đóng bảo hiểm hàng tháng theo hệ số lương thực tế được nhận, nhưng trong sổ bảo hiểm lại không thể hiện.
Điều đáng nói là, tình trạng này kéo dài trong hàng chục năm trời, quyền lợi chính đáng của không ít công nhân bị ảnh hưởng, nhưng vẫn không được phát hiện, xử lý kịp thời, dù hàng năm đều có các cuộc kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng huyện và ngành Bảo hiểm xã hội.
Sự việc chỉ vỡ lở khi cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện thực hiện quy định trả sổ bảo hiểm cho người lao động tự quản lý (theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014). Qua kiểm tra sổ bảo hiểm, phát hiện có những khuất tất trong việc đóng bảo hiểm của Trung tâm, một số người lao động viết đơn lên UBND huyện đề nghị làm rõ.
Sáng 22/6, ông Nguyễn Văn An - Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Hà xác nhận, ngày 28/5, UBND huyện đã nhận được đơn thư của một số người lao động thuộc Trung tâm MT&DVĐT huyện kiến nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc đóng bảo hiểm không đủ mức cho người lao động theo thực tế trích nộp trong thời gian dài.
Căn cứ quy định của pháp luật, UBND huyện đã chuyển đơn khiếu nại nói trên cho Giám đốc Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà để giải quyết lần đầu và trả lời cho người lao động, chậm nhất là ngày 25/6 - ông Nguyễn Văn An cho biết.
|
Tuy nhiên, chiều 22/6, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Kon Tum (qua điện thoại, do bận họp 2 ngày), ông Đặng Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà thông tin vụ việc vẫn đang trong quá trình kiểm tra, xác minh.
Ngay sau khi nhận được đơn thư do UBND huyện chuyển về, tôi đã yêu cầu bộ phận kế toán đối chiếu trực tiếp với kho bạc, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện để có số liệu cụ thể. Nội dung làm việc tập trung vào các kiến nghị của người lao động, như việc trích trừ lương thực nhận như thế nào, thực tế nộp cho cơ quan bảo hiểm ra sao…, từ đó mới có cơ sở để trả lời đảm bảo chính xác - ông Đặng Hùng Cường cho hay.
Theo ông Cường, đây là vấn đề phức tạp, kéo dài, do "lịch sử để lại". Trên thực tế, rải rác trong các năm 2015 đến nay, khi lãnh đạo Trung tâm có sự thay đổi, do làm chế độ nghỉ thai sản, ốm đau hay nghỉ hưu, một số người lao động có phát hiện ra việc này, kiến nghị lên Trung tâm và đã được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Nhưng lần này, số lượng người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng do đơn vị đóng không đủ mức bảo hiểm quá nhiều nên phải làm kỹ và đòi hỏi có thời gian, chứ không thể trả lời trong ngày một ngày hai được.
Khi được hỏi về vai trò của Ban Giám đốc và Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động như thế nào, khi để sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn không phát hiện và đấu tranh, ông Đặng Hùng Cường cho hay, ngay bản thân ông cũng không hề hay biết. "Bản thân tôi cũng có 2-3 đứa em làm tại Trung tâm, cũng rơi vào hoàn cảnh này. Nếu cơ quan bảo hiểm không trả sổ cho người lao động thì tôi dám chắc rằng đến giờ này cũng không ai biết, chứ không phải là có sự bao che, đồng lõa gì đâu"- ông Cường giãi bày.
Ông Đặng Hùng Cường cho rằng, trong việc này cơ quan bảo hiểm cũng không thể né trách nhiệm, vì tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài, đến hàng chục năm như thế, không thể nói cơ quan bảo hiểm xã hội không biết. Chưa kể hàng năm đều có thanh tra, kiểm tra, có bất thường như vậy, nếu làm đúng chức năng, đúng trách nhiệm thì sẽ phát hiện ngay.
Bản thân tôi không né tránh hay sợ sệt gì, cũng muốn giải quyết quyền lợi cho anh chị em, nhưng đến nước này đúng là lực bất tòng tâm, vì liên quan đến quá nhiều người, số tiền cũng không hề nhỏ, lên đến hàng tỷ đồng, chưa kể các mức phạt của cơ quan bảo hiểm. Nên tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc, cứ làm rõ ra, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật - ông Cường kiến nghị.
Ông Đặng Hùng Cường cam kết khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo huyện và thông tin với báo chí rõ ràng, không giấu diếm, bao che.
Theo một cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội (đề nghị được giấu tên), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ngoài việc người sử dụng lao động, vì lý do nào đó, đã cố tình gian dối trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động, thì còn do người lao động chưa thật sự quan tâm đến chế độ bảo hiểm, không nắm bắt thông tin của việc đóng - nộp bảo hiểm của bản thân nên không có thông tin về việc chủ sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, hoạt động của tổ chức công đoàn chưa thật sự hiệu quả; chưa làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; chưa thực hiện tốt chức năng đại diện cho người lao động, đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Theo quy định hiện hành (Nghị định 28/2020 NĐ - CP), trường hợp hàng tháng đơn vị sử dụng lao động đều trích đóng bảo hiểm từ tiền lương, nhưng không nộp hoặc chưa nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội là vi phạm. Trong trường hợp này, ngoài việc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động còn phải nộp số tiền lãi bảo hiểm xã hội bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nộp số tiền lãi bảo hiểm y tế bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Mặt khác, theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Rõ ràng việc không đóng đủ mức bảo hiểm xã hội cho người lao động theo thực tế ở Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà đã gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm cũng như quyền lợi của người lao động. Dư luận đặt câu hỏi tại sao những vi phạm này diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời?
Câu trả lời xin chờ chính quyền và ngành chức năng huyện Đăk Hà.
Hồng Lam