Viết tiếp bài “Cầu cứu” huyện vì những khuất tất trong đóng bảo hiểm: Cơ quan BHXH huyện Đăk Hà có tiếp tay cho sai phạm?

03/07/2020 13:16

Như Báo Kon Tum đã phản ánh (trên các số báo 3633, ngày 22/6 và 3534, ngày 24/6), trong suốt nhiều năm, hàng chục công nhân của Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Đăk Hà không được đơn vị đóng đủ mức bảo hiểm dù hàng tháng vẫn bị trừ tiền theo hệ số lương thực tế được nhận. Bức xúc trước sai phạm ấy, một số người đã làm đơn “cầu cứu” huyện.

Cho đến ngày 1/7, dù đã quá hạn thời gian (ngày 25/6) mà UBND huyện Đăk Hà yêu cầu phải làm rõ và trả lời những kiến nghị trong đơn khiếu nại của công nhân, nhưng Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà vẫn chưa có câu trả lời. Ông Đặng Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm cho hay, mọi việc còn trong quá trình xác minh, đối chiếu, và dự kiến phải kéo dài do tính chất phức tạp.

Theo như hồ sơ, tài liệu mà chúng tôi thu thập được, hơn 20 công nhân rơi vào hoàn cảnh trên, người nhiều thì hơn 10 năm, người ít cũng 7-8 năm, với số tiền chênh lệch giữa thực thu và thực đóng lên đến hàng tỷ đồng. Những khuất tất ấy không chỉ gây thất thoát quỹ bảo hiểm, thiệt hại quyền lợi chính đáng của người lao động, tạo bức xúc xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về chính sách bảo hiểm vốn mang đậm tính nhân văn.

Tiếp xúc với chúng tôi, một số công nhân đặt câu hỏi rằng: Vì sao sự việc kéo dài, xảy ra với nhiều người như vậy mà cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện và các cơ quan chức năng khác lại không hề hay biết, phát hiện, dù hàng năm đều có kiểm tra, thanh tra tại đơn vị? Có hay không việc cơ quan Bảo hiểm xã hội "làm ngơ", thậm chí là "tiếp tay" cho các hành vi sai phạm này.

Quyền lợi của hàng chục công nhân Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà thiệt hại do không được đóng đủ mức bảo hiểm theo lương. Ảnh: HL

 

Ngay cả ông Đặng Hùng Cường cũng cho rằng, cơ quan Bảo hiểm cũng có trách nhiệm. Vì tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài, đến hàng chục năm như thế, không thể nói cơ quan Bảo hiểm xã hội không biết, chưa kể hàng năm đều có thanh tra, kiểm tra, có bất thường như vậy, nếu làm đúng chức năng, đúng trách nhiệm thì sẽ phát hiện ngay.

Để rộng đường dư luận, đảm bảo tính khách quan, trung thực trong nhìn nhận, đánh giá vấn đề, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đăk Hà. Sau nhiều lần khất "vì bận họp", sáng 1/7, bà Tâm đã đồng ý xếp lịch làm việc.

Theo bà Tâm, trong nhiều năm qua, UBND huyện Đăk Hà đặc biệt quan tâm chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện tốt khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Sự việc xảy ra tại Trung tâm MT&DVĐT là rất đáng tiếc và không ai mong muốn.

Chúng tôi không phải là đơn vị trực tiếp nhận được đơn thư khiếu nại của người lao động, nhưng thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các bên có liên quan kiểm tra, rà soát lại. Việc rà soát được tiến hành kỹ càng, tổng thể, chứ không riêng gì với những người lao động có đơn khiếu nại, nhằm đảm bảo không để lọt các trường hợp khác - bà Tâm thông tin.

Về việc quá thời gian mà UBND huyện quy định, bà Tâm lý giải có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do thời gian có sai phạm kéo dài, việc tìm kiếm hồ sơ lưu trữ mất khá nhiều thời gian, công sức, bởi tất cả đều đã nằm trong kho lưu trữ, phải lục tìm lại; cán bộ nghiệp vụ đã luân chuyển theo quy định của ngành (3 năm một lần), nên cán bộ mới chưa nắm bắt được tất cả công việc. Chưa kể phải đối chiếu hồ sơ từng người. 

Xác nhận sai phạm trong đóng bảo hiểm cho công nhân ở Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà là có, và người lao động sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi không nhỏ, cũng như những rắc rối không đáng có về mặt thủ tục, giấy tờ khi thanh toán chế độ bảo hiểm cho các trường hợp nghỉ đau ốm, thai sản, nghỉ hưu…, nhưng bà Nguyễn Thị Minh Tâm khẳng định trước hết trách nhiệm thuộc về đơn vị sử dụng lao động.

Trên thực tế, cơ quan Bảo hiểm chỉ quản lý, theo dõi và điều chỉnh mức nộp bảo hiểm trên cơ sở đề xuất của đơn vị sử dụng lao động. Trong trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản, nghỉ hưu, tai nạn… sẽ yêu cầu đơn vị sử dụng lao động gửi hồ sơ trước để kiểm tra, rà soát và yêu cầu điều chỉnh nếu chưa phù hợp - bà Tâm cho hay.

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi có hay không sự "làm ngơ", thậm chí là "tiếp tay" của cơ quan Bảo hiểm trong vụ việc này, bà Tâm lý giải, trong những năm qua, đơn vị đã luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng do nhân lực có hạn, khối lượng công việc nhiều, cán bộ chuyên môn luân chuyển liên tục nên không thể tránh khỏi những sai sót.

Theo quy định của ngành, hàng năm phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, nên đơn vị chủ yếu thực hiện xử lý theo hồ sơ đề nghị của đơn vị sử dụng lao động, sau đó sẽ hậu kiểm. Hạn chế của cơ quan Bảo hiểm ở đây là có sơ suất, chưa làm tốt khâu hậu kiểm ở tất cả các đơn vị nên để xảy ra sự việc đáng tiếc ở Trung tâm - bà Tâm nhìn nhận.

Bà Tâm cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về bảo hiểm có phát hiện ra những bất thường trong mức đóng bảo hiểm của Trung tâm, cũng như sự "nhảy vọt" về hệ số lương thể hiện trong sổ bảo hiểm (như trường hợp công nhân Nguyễn Thị Ngải, tháng 12/2018 đang trích đóng bảo hiểm ở hệ số lương 1,68, sang tháng 1/2019 nhảy lên 4,40). Tuy nhiên cũng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở chung chung, "nhắc nhở miệng" đối với đơn vị sử dụng lao động, thiếu sự phê bình, yêu cầu điều chỉnh kịp thời và quyết liệt.

Theo đó, năm 2014, Đoàn thanh tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra tại Trung tâm; tiếp đó, vào năm 2018, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng có đợt rà soát trước khi thực hiện trả sổ bảo hiểm cho người lao động, qua đó có thông tin cho đơn vị về số công nhân chưa được điều chỉnh mức đóng bảo hiểm theo thực tế lương và đề nghị đơn vị thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, còn lý do vì sao chưa thực hiện thì bà Tâm đề nghị "để lãnh đạo Trung tâm trả lời cụ thể, chính xác hơn".

Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định rõ: Hàng năm BHXH tỉnh, BHXH huyện tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.

Nội dung kiểm tra gồm, tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN (số lao động, tiền lương làm căn cứ đóng, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN; hồ sơ đăng ký tham gia, đóng BHXH, BHYT của đơn vị, người lao động); hồ sơ làm căn cứ điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT; truy thu BHXH, BHYT, BHTN.

Trong quá trình kiểm tra, phải giải thích, hướng dẫn đơn vị khắc phục các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp đơn vị kê khai thiếu lao động hoặc kê khai nhầm mức tiền lương của người lao động thì yêu cầu điều chỉnh và đóng đúng quy định.

Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN như trốn đóng BHXH, BHỴT, BHTN; đóng không đúng tiền lương của người lao động, thu tiền của người lao động nhưng không đóng, đóng không kịp thời, đóng không đủ số tiền phải đóng; khai man, giả mạo hồ sơ thì lập biên bản và kiến nghị thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, dù có nói gì đi nữa thì cơ quan bảo hiểm xã hội huyện Đăk Hà không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Bởi nếu làm đúng, làm tốt chức năng thanh tra, kiểm tra của mình thì những sai phạm về bảo hiểm ở Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà đã được phát hiện và khắc phục sớm, không để kéo dài trong nhiều năm, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm và quyền lợi chính đáng của người lao động.            

Hồng Lam

Chuyên mục khác