13/07/2020 06:01
Ngày 28/5, chúng tôi nộp đơn khiếu nại lên UBND huyện, sau đó, ngày 3/6 nhận được văn bản 1151/UBND-NC của UBND huyện Đăk Hà do ông Ka Ba Thành (lúc ấy là Chủ tịch UBND huyện) ký thông báo về việc đã chuyển đơn cho đơn vị sử dụng lao động xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời - chị Ngân bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, ngày 26/6, ông Đặng Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà ký văn bản số 14/TB-TTMT gửi những người có đơn khiếu nại thông báo về việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại.
Trong đó có nêu: Trung tâm đã nhận được đơn và thông tin của 4 công nhân do UBND huyện chuyển đến. Hiện, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo bộ phận tài chính kế toán của đơn vị phối hợp với tổ chức Công đoàn, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp một cách chính xác nhất về thời gian, hệ số lương, mức tiền của từng người. Đồng thời đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện giải thích rõ về những vướng mắc của các trường hợp khiếu nại.
Sau khi có số liệu chính xác mới có cơ sở để giải quyết thấu đáo, khách quan, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ kết quả để giải quyết đơn, mong "các ông, bà bình tĩnh, yên tâm công tác" - văn bản viết.
|
Theo những công nhân làm đơn khiếu nại, trong thời gian qua họ đã rất "bình tĩnh và yên tâm công tác", bằng chứng là những nhiệm vụ được tổ, đơn vị giao vẫn hoàn thành tốt, không có ai xuống tinh thần, làm việc bê trễ hay bỏ việc cả. Quá sốt ruột, những công nhân làm đơn đã nhiều lần hỏi về tiến độ giải quyết, nhưng luôn nhận được câu trả lời như nhau: Đang trong quá trình kiểm tra, đối chiếu.
Bản thân ông Đặng Hùng Cường, trong lần trao đổi nhanh với phóng viên Báo Kon Tum ngày 22/6 đã cho biết, ngay sau khi nhận được đơn thư đã yêu cầu bộ phận kế toán đối chiếu trực tiếp với Kho bạc, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện để có số liệu cụ thể về việc trích trừ lương như thế nào, thực tế nộp cho cơ quan Bảo hiểm ra sao, từ đó mới có cơ sở để trả lời đảm bảo chính xác.
Nhưng sáng 11/7, liên hệ qua điện thoại, ông Đặng Hùng Cường vẫn trả lời ngắn gọn "đang đối chiếu, xác minh".
Chị Nguyễn Thị Ngân cho rằng, việc chậm chạp trong giải quyết khiếu nại khiến những người làm đơn khiếu nại phải sống trong lo lắng, không biết vụ việc đến bao giờ mới được xử lý. "Chúng tôi luôn băn khoăn, lo lắng rằng: Có hay không việc cố tình kéo dài nhằm gây áp lực cho người làm đơn khiếu nại? Liệu quyền lợi chính đáng của mình có được bảo vệ hay không" - chị Ngân bày tỏ.
Lo lắng của chị Ngân và những công nhân khác là hoàn toàn có cơ sở. Vì theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đăk Hà, việc đơn vị sử dụng lao động không đóng đủ bảo hiểm cho người lao động không chỉ gây rắc rối về mặt thủ tục, hồ sơ sau này mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của họ.
Ví dụ như trường hợp vụ việc không được phát hiện và giải quyết triệt để, khi trong số công nhân này có người nghỉ hưu, cơ quan Bảo hiểm sẽ rà soát hồ sơ, và tất nhiên là phát hiện ra khoảng thời gian đóng bảo hiểm không đủ theo lương thực nhận. Khi này bắt buộc phải điều chỉnh theo thực tế đóng, đương nhiên là mức lương hưu sẽ giảm.
Chưa kể đến việc thất thoát quỹ bảo hiểm của Nhà nước. Trong vụ việc này, theo tìm hiểu sơ bộ của phóng viên Báo Kon Tum, đã có hàng tỷ đồng trích lương công nhân đóng bảo hiểm nhưng không được nộp lên cơ quan Bảo hiểm. Số tiền này giờ đang ở đâu, hay được sử dụng vào việc gì; ai quản lý, sử dụng… cũng đang nằm trong tấm "màn che bí mật".
Mặt khác, điều làm những công nhân làm đơn khiếu nại bức xúc là, lãnh đạo trung tâm luôn cho rằng, vụ việc này "rất phức tạp", đòi hỏi thời gian dài, nhưng trên thực tế, mọi vấn đề đều được thể hiện rất rõ ràng trên sổ bảo hiểm của mỗi người cũng như bảng lương hàng tháng của đơn vị. Hệ số lương bao nhiêu, tăng như thế nào, trích nộp ra sao… đều rõ ràng cả, nên việc đối chiếu, rà soát là không "quá khó khăn và phức tạp".
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người sử dụng lao động, thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của mình bị khiếu nại. Theo đó, khi người lao động nhận thấy quyết định hành chính hay hành vi hành chính của người sử dụng lao động xâm phạm đến quyền lợi của mình thì người lao động có quyền gửi đơn khiếu nại đến người sử dụng lao động yêu cầu giải quyết vụ việc của mình để đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ hợp pháp.
Cũng theo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khiếu nại năm 2011, khi người có yêu cầu nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại cùng các tài liệu, chứng cứ đính kèm thì người có thẩm quyền hoặc người được giao trách nhiệm giúp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện phân loại, xử lý đơn theo quy định để quyết định việc thụ lý hay không thụ lý đơn. Việc thụ lý đơn phải được thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại biết đến.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý đơn. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Hơn ai hết, những công nhân đã phát hiện sai phạm trong quá trình thu, nộp bảo hiểm ở Trung tâm MT&DVĐT huyện Đăk Hà và dũng cảm đứng lên khiếu nại, đòi quyền lợi chính đáng cho mình đang rất mong cấp có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt hơn để sớm có câu trả lời thỏa đáng.
Đó cũng là mong muốn của những người quan tâm theo dõi vụ việc.
Hồng Lam