Viết nhân Ngày thế giới không thuốc lá

31/05/2021 16:50

Sáng 31/5, một anh đồng nghiệp chia sẻ lên trang facebook cá nhân rằng, hôm nay tròn 18 năm anh bỏ thuốc lá. Năm 2003, đúng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5, cùng với người anh rể của mình, anh quyết định đoạn tuyệt với thuốc lá.

Tôi nửa đùa nửa thật với anh rằng, mới bỏ một lần thì “nhằm nhò gì”, có người bỏ nhiều lần, thích thì bỏ, không thích thì… hút lại mới “siêu”. Thật tình, trong thâm tâm, tôi chúc mừng và khâm phục anh đã dễ dàng (tôi nghĩ là thế) chiến thắng được chứng nghiện thuốc lá.

Một người anh khác của tôi có “thâm niên” hơn 30 năm hút thuốc lá. Anh hút từ khi chưa đủ tuổi thành niên, cho đến nay vẫn hút, dù chị vợ đã kiếm đủ cách để khuyên ngăn, cấm cản. Mỗi lần đến chơi, thấy anh luôn phải hút thuốc một cách lén lút, tôi càng không thể hiểu nổi như vậy thì sung sướng nỗi gì?

Anh cũng từng tuyên bố bỏ thuốc khá nhiều lần, nhưng lần nào cũng chỉ được ít ngày, rồi đâu lại vào đấy. Lâu dần thành quen, mọi người thường đùa nhau: Bỏ một lần thì có gì giỏi, bỏ nhiều lần như ông mới khó chứ. 

Bạn bè, người thân đều biết, tôi cũng từng nghiện thuốc lá! Nhưng rất ít người biết tôi bỏ thuốc lá như thế nào.

Từ thời sinh viên, có tiền thì hút thuốc lá đầu lọc hiệu Sông Cầu, Du Lịch hay Vinataba, hết tiền thì hút thuốc không đầu lọc như Sapa hay Tam Đảo, thậm chí thuốc lào. Vào Kon Tum làm báo, hút Eagle (hay Con Ó), rồi Hero, Jet, sau này là White Horse (hay Ngựa trắng). Khi đi ngủ, gói thuốc và bật lửa luôn để trên đầu giường, cứ mở mắt ra, việc đầu tiên là quờ tay tìm điếu thuốc, hút xong mới đi vệ sinh cá nhân.

Đến năm 2006, trong một lần đi uống cà phê, hôm ấy, ở bàn bên cạnh có một phụ nữ đang mang bầu và 2 cháu nhỏ, nhưng những người đàn ông ở bàn tôi lại nhả khói thuốc mờ mịt. Người phụ nữ mang bầu tiến lại, đề nghị chúng tôi dừng hút thuốc, hoặc ra ngoài hút. Đặc biệt, không biết vô tình hay vì khói thuốc lá thật, mà 2 cháu bé ho sặc sụa. Tim tôi như thắt lại, sau đó quyết định “cai thuốc ngay và luôn”.  

15 năm qua, tôi không còn đụng đến điếu thuốc nào.

Để cai thuốc lá thành công, nói dễ cũng đúng mà khó cũng chẳng sai. Quan trọng là sự quyết tâm. Trong tuần đầu tiên cai thuốc, tôi cố gắng không uống rượu bia; luôn kiếm việc để làm; ăn xong thì đi đánh răng hoặc ăn đồ tráng miệng. Đặc biệt, kiên trì tránh được 3 thời điểm thèm thuốc lá nhất (là lúc mới ngủ dậy, lúc ăn cơm xong và lúc uống rượu bia) trong một tuần đầu sẽ ổn. Cảm giác thèm thuốc giảm dần.

Cách đây mười lăm, hai mươi năm, phần lớn đàn ông cơ quan tôi nghiện thuốc lá, hoặc ít nhất, có hút thuốc lá. Mỗi khi có dịp ngồi với nhau là cả đám thi nhau nhả khói. Phòng tập thể vứt lăn lóc đầu thuốc, tàn thuốc, hôi mù mịt. Ai cũng “khoác” cho mình một “tấm vải thưa” nhưng rất màu mè: Nghề nghiệp nó vậy, thức đêm thức hôm suốt, không có thuốc lá thì không làm việc được (?).

Điều đáng mừng là số người hút thuốc ở cơ quan tôi đã giảm đáng kể. Nếu như ở lứa chúng tôi, người không hút thuốc lá là “hàng hiếm”, thì bây giờ ngược lại, người còn hút thuốc lá đếm không hết một bàn tay. Các bạn phóng viên trẻ thì hoàn toàn “không biết thuốc lá là gì”.

Tín hiệu vui là không chỉ ở công sở, mà nơi công cộng, quán xá, khói thuốc cũng đã bớt… lảng vảng. Một hôm đi uống cà phê cùng vài bạn đồng nghiệp từ nơi khác đến, tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy tấm biển “quý khách vui lòng không hút thuốc ở trong quán”.

Cô bạn làm việc cho một tờ báo lớn phía Nam cũng tỏ ra ngạc nhiên, hào hứng khen: Thật là lạ khi ở quán cà phê- vốn được coi là “thiên đường” của… thuốc lá lại nói “không” với thứ độc hại này. Đã đi nhiều nơi, công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga dán biển “Cấm hút thuốc lá” cũng là bình thường, nhưng mình chưa thấy quán cà phê nào có biển này.

Tôi bất chợt thấy vui, dù biết rằng, ở Kon Tum, không phải quán cà phê nào cũng “dũng cảm” đưa ra quy định này. Vì đã thành một thực tế không thể phủ nhận rằng: người ta có thể hút thuốc tại bất kỳ đâu họ muốn mà chẳng có chút áy náy nào, nói gì đến quán cà phê?. Và tôi đã bắt đầu mơ màng hy vọng về sự thay đổi một thói quen khó bỏ, có thể bắt đầu từ một hành động thiết thực như thế.Nhưng một tín hiệu, dù có vui, cũng vẫn là… tín hiệu, nghĩa là chưa thể tạo nên sự đổi thay căn bản mà tôi và nhiều người muốn thấy. Bởi vẫn rất dễ thấy người ta phì phèo thuốc lá ở nhiều nơi. Và tiếc thay, những người xung quanh cũng cho đó là chuyện bình thường.

 
Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này ở nơi công cộng. Ảnh: TH

 

Hẳn trong những người đang đọc bài này, ai cũng từng nghe nói về tác hại của thuốc lá với sức khỏe. Trong khói thuốc lá có tới 7.000 hợp chất hóa học, phần lớn là các chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất liên quan đến ung thư, nguy hiểm nhất là nicotine. Nicotine rất dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, thậm chí qua da.

Có tới 30% các bệnh ung thư liên quan đến thuốc lá. Không chỉ có ung thư phổi mà còn có ung thư mũi, miệng, lưỡi, họng, tuyến nước bọt, thanh quản, thực quản... Thuốc lá còn gây rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, tắc nghẽn phổi mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, tinh trùng biến dạng dẫn đến vô sinh... Những người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ, trẻ em, người già.

Bên cạnh đó, hút thuốc lá khá tốn kém tiền bạc. Một con số thống kê Ít ai biết là, mỗi năm, người Việt Nam chi hết khoảng 22.000 tỷ đồng cho việc tiêu thụ thuốc lá.

Vậy làm thế nào để nói không với thuốc lá? Chưa nói đến các chế tài do Nhà nước quy định, mà có nhiều ý kiến cho rằng ít hiệu quả trên thực tế, thì yếu tố giáo dục của gia đình có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu trong một gia đình, bố và chú hút thuốc lá thì khó mà ngăn cấm con cháu tiếp cận với thuốc lá. Ngược lại, người lớn không hút thuốc thì cơ hội tiếp xúc gần với thuốc lá của trẻ em sẽ giảm đi nhiều; những lời răn dạy mới có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, chính việc người lớn “nói không với thuốc lá” đã là tấm gương cho con trẻ noi theo.

Một thực tế cho thấy, từ cơ quan tôi, lớp phóng viên trẻ, hều hết là 9x, đều “nói không với thuốc lá” một cách tự nhiên, chính là vì được giáo dục từ nhỏ rằng, thuốc lá không chỉ chẳng đem lại ích lợi gì, mà chỉ có phiền toại, như hôi miệng (thanh niên rất sợ), tốn tiền (càng sợ), xa hơn nữa là bệnh tật.

Khi tôi đang viết bài này thì nhận được tin dữ, chú rể tôi bị ung thư phổi. Và chú là người đã hút thuốc lào, thuốc lá suốt 60 năm qua.

Chú muốn bỏ thuốc. Nhưng liệu có quá muộn?

Thành Hưng

 

Chuyên mục khác