01/06/2023 06:18
Tôi từng chứng kiến một buổi dạy của cô giáo đối với trẻ em khuyết tật rối loạn phát triển và khuyết tật trí tuệ ở một trường tiểu học.
Đây không phải là một lớp học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật, ở một trường riêng cho trẻ khuyết tật, mà là một lớp học bình thường, ở một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ở lớp học này có 3 học sinh khuyết tật rối loạn phát triển và khuyết tật trí tuệ, trong đó có Phúc, hàng xóm của tôi. Người ta gọi những lớp học như vậy là lớp hòa nhập.
Trên địa bàn thành phố Kon Tum không hề ít những lớp học hòa nhập như vậy. Các lớp này hết sức quan trọng trong giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ, giúp các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn để tự lập, hòa nhập xã hội.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 1.175 học sinh khuyết tật. Trong đó, dưới 5 tuổi có 130 học sinh; 6-11 tuổi có 609 học sinh; 12-15 tuổi có 383 học sinh; 16-18 tuổi có 41 học sinh; trên 18 tuổi có 12 học sinh.
Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (cả hai loại hình công lập và tư thục) và không có cơ sở giáo dục dạy trẻ khuyết tật học chuyên biệt (cả hai loại hình công lập và tư thục).
Vì vậy, học sinh khuyết tật chủ yếu đi học tại các lớp hòa nhập với 1.056 em, chỉ có 48 học sinh học lớp chuyên biệt của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (Sở LĐ,TB&XH).
Dạy học, nhất là ở bậc tiểu học, chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Dạy học cho trẻ khuyết tật càng khó khăn gấp bội, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, và trên hết là lòng yêu thương, sẻ chia, đồng cảm.
Theo chia sẻ của các giáo viên dạy lớp hòa nhập, dạy học sinh khuyết tật có sự khác biệt cơ bản về chương trình và phương pháp. Với các em, giáo viên phải hiểu đặc điểm để áp dụng hình thức lên lớp khác nhau.
Khi dạy lớp hòa nhập, bên cạnh kiến thức, cần giúp các em hiểu: Các em tật nhưng không tàn, không mang mặc cảm khi nghĩ đến tật nguyền của mình. Luôn chú trọng tăng cường thêm các môn kỹ năng như: Kỹ năng xã hội, kỹ năng tự lực, kỹ năng giao tiếp.
Trẻ càng tập trung kém càng phải chú ý thay đổi thay đổi phương pháp phù hợp. Ví dụ như khi dạy môn Giáo dục thể chất, giáo viên phải điều chỉnh giảm bớt yêu cầu bài học, thay thế bằng trò chơi dân gian với mức độ yêu cầu đơn giản và triển khai nhiều lần giúp học sinh biết cách chơi, vận động cả thể chất và trí tuệ.
|
Ở lớp hòa nhập, không có chỗ cho những lời gay gắt, quát nạt, hình phạt lại càng không. Hơn ai hết, giáo viên phải tập yêu "những gì chưa hoàn hảo” của các em.
Trở lại với lớp học của Phúc. Tôi thật sự ấn tượng với sự kiên trì, nhẫn nại của cô giáo. Trong khi các học sinh khác đã hoàn tất bài tập, ùa ra sân khi giờ ra chơi đến, thì cô vẫn kiên nhẫn giúp Phúc và 2 bạn nữa hoàn thành một phép chia hết.
Mẹ của Phúc, một phụ nữ buôn bán nhỏ chia sẻ rằng: Tôi từng sợ những câu hỏi mang tính so sánh của người xung quanh, dù tôi đánh giá đó là những câu hỏi vô tâm chứ không ác ý. Đại loại như, sao thằng bé trông có vẻ chậm chạp vậy? Sao học đến lớp 3 rồi mà chưa biết làm phép tính chia hết đơn giản nhất.
Vì vậy, chị hạn chế tối đa đưa cháu đến nơi công cộng, đông người; tính đưa cháu đến lớp học chuyên biệt, nơi có các bạn như cháu. Nhưng rồi chị đã nhận được lời khuyên hãy để cháu tham gia lớp hòa nhập, đó là cách tốt nhất để cháu có được môi trường phát triển thuận lợi hơn, khi cháu được học, được chơi với những học sinh bình thường.
Và chị đã lựa chọn đúng!
|
Với Phúc và các bạn, những đứa trẻ “đặc biệt” ở đây, thầy cô không chỉ dạy kiến thức còn hỗ trợ, giúp đỡ để các em có thể hoà nhập với bạn bè và cộng đồng, từ đó không tự ti, mặc cảm.
Bên cạnh việc làm quen với Toán, Tiếng Việt và những môn học khác, Phúc cùng các bạn được tập quét lớp, dọn rác trong phòng học, trên hành lang và ngoài sân trường; được hướng dẫn chăm sóc chậu hoa, cây xanh trong lớp.
Và đặc biệt, được cô giáo và các bạn vận động và “rủ rê” tham gia các trò chơi tập thể thậm chí là cách thể hiện tình cảm với cô giáo và bạn bè.
Các bạn trong lớp không chỉ chơi với Phúc, mà còn giúp em làm bài tập mà không thắc mắc hay chê cười vì Phúc chậm hiểu bài, hoặc không làm được phép chia đơn giản.
Thời gian trôi qua, từ một cậu bé rụt rè, luôn tìm cách trốn học, nếu đến lớp thì ngồi trong một góc khuất nào đó, Phúc đã trở nên mạnh dạn và năng động hơn. Em thích đi học, đòi mẹ chở đi sớm để quét lớp, tưới cây.
Có thể bây giờ, Phúc vẫn chưa biết làm phép chia có dư, nhưng mỗi giờ ra chơi, em đã hớn hở chạy ra ngoài sân chơi cùng các bạn, hoặc cười thật tươi và nói cảm ơn khi được cô giáo, hay một bạn nào đó, tặng cây bút mới. Và đã biết khóc rồi chạy vào kể với cô khi bị ngã.
Với những đứa trẻ cùng tuổi, điều này chẳng có gì đặc biệt để kể ra. Nhưng với Phúc thì đó là cả một sự tiến bộ phi thường. Và với cha mẹ Phúc, mỗi thay đổi tích cực của em đều đem lại cho họ hạnh phúc.
Bởi trẻ em khuyết tật đi học đã là một nỗ lực lớn lao, nên càng cần nhiều thời gian và nỗ lực của người xung quanh hơn bình thường trong chặng đường phía trước.
Mỗi trẻ khuyết tật, tùy mức độ, sẽ phù hợp với một "giáo trình riêng" nhưng trước hết và trên hết, yêu thương là thứ đáng giá nhất để bù đắp cho những điều các cháu bị thiệt thòi.
Yêu thương và đủ kiên nhẫn, không chỉ cha mẹ, mà chúng ta- những người xung quanh trẻ em khuyết tật- sẽ nhận được tình cảm từ các em. Để đến một ngày, chính chúng ta sẽ thấy hạnh phúc trước thành quả mà các em đạt được, sau hành trình nhọc nhằn mà đầy yêu thương.
Ngày Quốc tế thiếu nhi, xin được kể lại câu chuyện của Phúc, như một lời nhắn gửi, trẻ em luôn là “búp trên cành”, cần được yêu thương, cần được chăm bẵm để vươn lên.
Hồng Lam