Vỉa hè - quản sao cho vẹn đôi đường?

05/03/2023 06:39

Vỉa hè ở đô thị, dù công năng chính là lối đi dành cho người đi bộ, nhưng nếu không còn hoạt động khác, rõ ràng đô thị sẽ thiếu sức sống và sự thân thiện. Quản lý vỉa hè sao cho vẹn đôi đường là một bài toán rất khó.

Tôi từng có thời gian khá dài ở trọ trên đường Trần Nhân Tông (thành phố Kon Tum). Đó là một gian phòng rộng khoảng 10m2, đủ kê chiếc giường đơn, cái tủ quần áo bằng vải, một bàn và một ghế nhựa nhỏ.

Được cái nó nằm ngay mặt tiền ngôi nhà, sát đường nên tiện đi lại và sinh hoạt khá tự do, vì chủ nhà ở tít phía sau.

Nhưng cũng vì ở mặt tiền nên cũng có nhiều phiền phức. Đó là vỉa hè phía trước biến thành nơi buôn bán. Buổi sáng là tủ bánh mì, quầy bánh xèo, sau đó cả ngày là nước dừa, nước mía, cà phê; buổi tối tủ bánh mì lại được kéo ra, cùng với nồi xôi đêm.

Tất cả đều chắn trước cửa, nên mỗi lần dắt xe ra, vào đều khá vất vả. Lắm lúc cũng bực mình, nhưng vì đó là… vỉa hè, nghĩa là không gian công cộng nên đành chịu.

Nói với người bán hàng ư? “Ăn” chửi như chơi. Phàn nàn với chủ nhà ư? Cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Cũng trên vỉa hè, cuộc giằng co giữa chính quyền, ngành chức năng và người buôn bán thường diễn ra và dai dẳng. 

Lực lượng chức năng phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) trong một đợt ra quân giải tỏa nạn lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: HL

 

Tôi vẫn nhớ cảnh người buôn bán trên vỉa hè, các chủ tiệm hối hả chạy ra cất biển hiệu khi thấy bóng xe trật tự đô thị. Nhớ chị bán cà phê trước nhà, tay xách ghế, chân giữ bàn, miệng năn nỉ khi lực lượng chức năng thu mấy cái bàn nhựa và dăm ba cái ghế bày trên vỉa hè.

Năn nỉ không được, thế là chị chửi, rồi hô chồng con chở bàn ghế về nhà. Được vài hôm, tôi lại thấy mấy cái bàn, mấy cái ghế nhựa của chị nhoi ra vỉa hè. Chị lại cười khi tôi ghé vào: “Mình thấy mình sai, nhưng không bán lấy gì ăn”.

Mười mấy năm qua đi, khu nhà trọ ấy đã bị dỡ bỏ, thay vào đó là một ngôi biệt thự đẹp. Nhưng vỉa hè phía trước vẫn vậy, thậm chí sôi động hơn nhiều, với tủ bánh mì, quầy bánh xèo, bánh canh sáng sớm; cà phê, nước dừa, nước mía kéo dài đến tối, đêm về là bánh mì, xôi.

Và cuộc giằng co trên vỉa hè vẫn tiếp diễn, khi bất chợt xe ô tô của lực lượng trật tự đô thị trờ tới, những người buôn bán trên vỉa hè lại vội vàng dọn dẹp bàn ghế, cất biển hiệu.

Thật khó thống kê được chính xác số lần ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các cấp chính quyền thành phố Kon Tum. Dù lớn hay nhỏ thì tất cả đều được triển khai với tinh thần quyết tâm cao, huy động sự tham gia của nhiều lực lượng.

Nhưng sau đó, các đợt ra quân đều có chung một đáp số: Vỉa hè lại thất thủ. Những người có liên quan lại lắc đầu phàn nàn: Giải tỏa vỉa hè ấy à, phức tạp lắm.

Sáng nay,  một ngày đầu tháng 3/2023, tôi tà tà dạo vòng quanh một vài tuyến đường và nhận ra, vỉa hè ở nhiều tuyến đường chính, như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Bà Triệu, Lê Hồng Phong vẫn lộn xộn như ngày nào.

Chúng gần như không còn vỉa hè, bởi người dân đã ngang nhiên lấn chiếm, sử dụng vào mục đích cá nhân, chủ yếu là kinh doanh, buôn bán. Một số tuyến đường có vạch sơn trắng, hoặc vàng, đánh dấu mốc “không thể lấn chiếm”. Nhưng có vẻ người ta phớt lờ chúng.

Cần có giải pháp hài hòa giữa chống lấn chiếm vỉa hè và ‘’kinh tế vỉa hè’’. Ảnh: H.L

 

Là công dân thành phố, tôi đồng tình rằng, việc chấn chỉnh, lập lại trật tự vỉa hè là để xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Không một đô thị nào trở nên đẹp và văn minh khi người đi bộ phải xuống lòng đường, còn trên vỉa hè ngổn ngang xe cộ, hàng quán, vật liệu xây dựng.

Những vỉa hè nhếch nhác, lộn xộn và bị biến thành nơi buôn bán cần được thay thế bằng một không gian trật tự hơn. Đó là yêu cầu tất yếu đối với bất cứ một đô thị văn minh nào.

Nhưng nếu vỉa hè chỉ có người đi bộ mà không còn hoạt động khác, thành phố của chúng ta sẽ thiếu đi hơi thở của cuộc sống và sự thân thiện.

Bởi ngoài công năng chính là lối đi dành cho người đi bộ, vỉa hè còn là một không gian hoạt động của “kinh tế vỉa hè”, vốn đã tồn tại như một điều khó có thể chối bỏ bao nhiêu năm nay.

Vì vậy, quản lý vỉa hè sao cho vẹn đôi đường là một bài toán khó. Nó đòi hỏi các nhóm giải pháp phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần kiên trì thực hiện tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân, nhất là các hộ gia đình có mặt tiền đường phố, không vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ, mua bán, lắp đặt biển quảng cáo, mái che che khuất tầm nhìn.

Đồng thời tăng cường quản lý và kiểm tra, kiên quyết giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đô thị trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm, không xuê xoa, cả nể cho qua bất cứ trường hợp cố tình tái lấn chiếm vỉa hè ở những nơi đã giải tỏa.

Đó là những giải pháp đúng, nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng, nếu sắp xếp tốt, chúng ta vừa có được mỹ quan đô thị, lối cho người đi bộ, vừa giữ được sinh kế cho người bán hàng.

Cho nên, cần quy hoạch những tuyến đường có vỉa hè rộng, kẻ vạch giới hạn và cho phép bán hàng kèm theo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Quan điểm là vỉa hè dù hẹp hay rộng vẫn ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Có thể nghiên cứu đến việc thu phí vỉa hè như một số đô thị khác. Để được sử dụng vỉa hè và bán rong tại các thành phố lớn như New York, London và Paris, người bán hàng phải trả phí cho chính quyền và tuân thủ nhiều quy định.

Tất nhiên, mỗi địa phương, mỗi đô thị sẽ có cách làm riêng, nhưng thiết nghĩ, đó cũng là cách làm đáng để tham khảo.

Việc xây dựng trật tự và văn minh đô thị là quá trình lâu dài, không nôn nóng. Trong đó, vỉa hè cần được quản lý tốt, vẹn đôi đường. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác