Vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

12/07/2019 06:07

Thực hiện Nghị quyết số 36/2011/NQ-HĐND ngày 05/12/2011 của HĐND tỉnh về “Quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân (CSBVSKND) tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025”, đến nay, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực luôn được chú trọng và đẩy mạnh; chất lượng bệnh viện và phong cách, thái độ phục vụ người bệnh được cải thiện rõ rệt...

Đến nay, UBND tỉnh giao cho Sở Y tế 2.595 chỉ tiêu biên chế, trong đó có 574 người có trình độ đại học và sau đại học chuyên môn y, dược, gồm: 1 tiến sỹ, 20 thạc sỹ, 10 chuyên khoa cấp II, 161 chuyên khoa cấp I, 382 đại học. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 874 nhân viên y tế thôn làng đang hoạt động; 192 cô đỡ thôn bản đã được đào tạo, trong đó có 165 cô đỡ thôn bản đang hoạt động.

Ngành Y tế tỉnh rất chú trọng việc giáo dục y đức, nâng cao kiến thức và kỹ năng giao tiếp của đội ngũ y bác sĩ, nâng cao sự hài lòng của người bệnh đối với các bệnh viện. Nếu năm 2017, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú là 87,8%, người bệnh ngoại trú 81,3%; thì đến năm 2018, các chỉ số tương ứng là 88,3% đối với người bệnh nội trú và 87,4% đối với người bệnh ngoại trú.

Ngành Y tế tỉnh cũng đã ứng dụng nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại trong khám chữa bệnh phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là các kỹ thuật phẫu thuật nội soi, lọc thận, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật số, chăm sóc trẻ sơ sinh, sản khoa, hồi sức cấp cứu, Laser bán dẫn công suất thấp, ứng dụng kỹ thuật phun sương trong phòng, chống dịch bệnh...

Đặc biệt, từ tháng 7/2018 đến nay, Sở Y tế đã triển khai hệ thống thông tin, dữ liệu về hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã có trên 60% dân số được tạo lập và quản lý hồ sơ sức khỏe trên phần mềm điện tử.

Các đơn vị y tế công lập đã từng bước đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để xã hội hóa một số dịch vụ y tế, nhằm giảm quá tải cho các bệnh viện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng của nhân dân. điển hình như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh liên kết triển khai Phòng tiêm chủng chất lượng cao từ tháng 5/2016; Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi liên kết triển khai hệ thống đầu đọc phim Xquang số hóa từ năm 2016; Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và liên kết lắp đặt nhiều trang thiết bị y tế như máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy xét nghiệm huyết học tự động, máy xét nghiệm đường huyết nhanh, hệ thống Xquang số hóa, hệ thống cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla và máy lọc thận nhân tạo...

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 174 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang hoạt động, tăng gấp 2 lần so với năm 2011; đa số có quy mô nhỏ, mỗi cơ sở có từ 1-3 y bác sỹ, phần lớn tập trung ở thành phố Kon Tum.

Từ năm 2011 đến nay, ngành Y tế tỉnh đã huy động được 583,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương bố trí 251,6 tỷ đồng, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu 100,1 tỷ đồng, nguồn vốn ODA huy động được 114,3 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 92 tỷ đồng, nguồn huy động khác chi cho đầu tư phát triển 25,7 tỷ đồng.

Nhờ đó, toàn ngành đã có 6/10 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thành phố được đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, 4 TTYT của các huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum được xây mới và 2 TTYT của các huyện Đăk Glei, Sa Thầy được cải tạo, mở rộng.

Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục nâng cấp lên 750 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi triển khai nâng cấp lên 250 giường bệnh; Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng đang xin chủ trương lập dự án đầu tư nâng cấp lên 165 giường bệnh...

Bên cạnh đó, mạng lưới y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về năng lực dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh; 100% cán bộ y tế đã được đào tạo, đào tạo lại thường xuyên, có chuyên môn trong công tác phòng chống dịch bệnh và mạng lưới nhân viên y tế được bố trí tại 100% thôn, làng, tổ dân phố.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei khám bệnh cho người dân. Ảnh: VP

 

Bác sỹ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, trong đó thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã được UBND tỉnh ban hành tại Kế hoạch số 991/KH-UBND ngày 13/4/2017; triển khai mở rộng hoạt động của trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; mở rộng quy mô giường bệnh; đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực y tế đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, hợp lý về cơ cấu và phù hợp với chuyên ngành, sự phát triển của khoa học, công nghệ và kỹ thuật trong y tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế, tập trung vào cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao theo yêu cầu và các mô hình hoạt động không vì lợi nhuận… 

Văn Phúc

Chuyên mục khác