Vì môi trường trong lành

03/01/2023 06:20

Tăng trưởng kinh tế có tác động tích cực và mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội, ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và mỗi người, nhưng theo chiều tiêu cực.

Trong một chuyến công tác đến xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tôi chứng kiến những con đường bê tông sạch sẽ, không rác thải, không túi nilon vương vãi. Ngay cả những bờ ruộng, mương nước cũng không có rác.

Hỏi thăm mới biết, mấy năm nay, xã Đăk Pxi triển khai mô hình bể thu gom rác thải ở các thôn, làng. Bể được đúc bằng bê tông, hình tròn, đặt dọc trục đường các thôn, làng và đường dẫn ra các khu sản xuất, rất thuận lợi cho người dân trong việc bỏ rác.

Đến nay, toàn xã Đăk Pxi đã có 34 bể thu gom rác như vậy. Sau vài ngày, thôn sẽ cử người dọn bể, đem rác đi đốt, vừa sạch đường sạch ngõ, vừa giữ gìn môi trường trong lành, khắc phục được thói quen vứt rác bừa bãi của người dân.

Bể thu gom rác thải sinh hoạt ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà. Ảnh: TH

 

Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, thì sự chung tay của người dân, như ở xã Đăk Pxi, là điều kiện quan trọng để lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngăn chặn ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đạt bước tiến đáng kể- Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá. 

Bên cạnh đó, các vấn đề môi trường, thông qua kiến nghị của người dân và phản ánh của báo chí, đều được cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý kịp thời, góp phần ngăn ngừa phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, giải quyết cơ bản tình trạng gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Kết quả quan trắc môi trường hàng năm trên địa bàn tỉnh cho thấy, chất lượng các thành phần môi trường (đất, nước, không khí) trên địa bàn tỉnh còn khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm- báo cáo cuối năm 2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo nêu trên, lĩnh vực bảo vệ môi trường của tỉnh cũng đang có những vấn đề đặt ra. Trong đó, đáng lưu ý nhất là ô nhiễm cục bộ về mùi hôi phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp đặc thù (mủ cao su, tinh bột sắn), mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi/khu chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình, cá nhân chưa được xử lý triệt để.

Nguồn lực hạn hẹp nên việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng quá tải gây ô nhiễm tại một số bãi rác trên địa bàn một số địa phương như Ngọc Hồi, Đăk Glei, Kon Rẫy, Sa Thầy, khiến dư luận bức xúc.

Ô nhiễm môi trường, ngoài việc đe dọa đến sức khỏe của người dân, còn gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, trước dự báo những thách thức về môi trường đang ngày càng phức tạp hơn mà chúng ta phải đối mặt trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc xây dựng và triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp cụ thể và đồng bộ càng trở nên cấp thiết.

Xã hội hóa đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến. Ảnh: T.H

 

Mới đây, ngày 6/12/2022, UBND tỉnh có văn bản xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2023, tái khẳng định quan điểm phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trong đó ưu tiên thực hiện đúng lộ trình xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo Kế hoạch số 1448/KH-UBND ngày 7/5/2021 của UBND tỉnh.

Mục tiêu phấn đấu là đến hết năm 2025, tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 90%; giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%; cải tạo, xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm môi trường do rác thải đạt 100%; chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh rằng, cần chủ động thực hiện xã hội hóa để đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến thay thế dần cho công nghệ chôn lấp.

Thực hiện tốt công tác lựa chọn vị trí, đảm bảo diện tích, khoảng cách đến khu dân cư, nguồn nước; quản lý, vận hành tốt các bãi chôn lấp chất thải rắn, không để người dân lấn chiếm đất làm nhà ở gần bãi rác hoặc vào lấy rác, đốt rác. Thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Muốn vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng, ban hành quy định về quản lý chất thải. Bố trí mặt bằng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu.

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu chăn nuôi tập trung, các hộ chăn nuôi trong các khu dân cư để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Chú trọng vận động nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Trở lại với câu chuyện về mô hình bể thu gom rác ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, những nông dân mà tôi trò chuyện đều thừa nhận rằng, mặc dù có mất thời gian hơn so với “quăng vèo bì rác ra ruộng”, nhưng môi trường trong lành hơn, cảnh quan làng xã sạch đẹp hơn.

Và tất nhiên sức khỏe của mọi người cũng sẽ được cải thiện, từ đó tác động đến khả năng lao động sản xuất- dù điều đó không thể thấy bằng mắt thường- một nông dân cho hay.

Đây rõ ràng là một ví dụ cụ thể cho tác động của môi trường đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế. Nhìn từng bì rác được thu gom vào bể, tôi hình dung ra hàng vạn bì rác khác cũng được phân loại và thu gom, xử lý đúng cách, đem lại niềm tin vào một môi trường sống trong lành.

Và tôi càng tin, chính quyền, ngành chức năng đang nỗ lực hết mình để biến những kế hoạch thành hành động, vì đời sống của người dân và sự tăng trưởng bền vững của tỉnh.  

Thành Hưng

Chuyên mục khác