Vì môi trường nông thôn trong lành

22/11/2017 18:01

Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí “khó nhằn”, dù ở vùng thuận lợi hay vùng khó khăn. Vấn đề đặt ra là, trong cái khó ấy có “ló cái khôn” được hay không? Hãy cùng chúng tôi nhìn về cơ sở...

“Cái khó ló cái khôn”

Chiều muộn ở làng Kon Pao Kram (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà). Khi mặt trời gác núi, anh Đỗ Văn Thái - Bí thư Chi bộ làng Kon Pao Kram bắt đầu hành trình quen thuộc của mình: kiểm tra các bể chứa rác thải của làng.

Đã hơn 1 năm nay, kể từ khi mô hình bể thu gom rác thải được triển khai, anh Thái làm việc này đều đặn mỗi chiều, dù không phải là nhiệm vụ bắt buộc. “Phải đi như thế mới nắm được tình hình, để còn nhắc nhở, vận động đảng viên, nhân dân thực hiện cho tốt”- anh Thái chia sẻ.

Rác sinh hoạt được dân làng Kon Pao Kram thu gom, bỏ vào bể chứa rác. Ảnh: T.H

 

Ấy là anh Thái đang nói về chuyện mấy cái bể chứa rác thải ở thôn mình, mà anh đánh giá là bước chuyển biến đáng ghi nhận trong thực hiện tiêu chí 17, một tiêu chí khó khi xây dựng nông thôn mới ở xã vùng sâu như Đăk Psi.

Dạo qua một vòng, anh Thái hể hả nói: Tất cả các bể đều có nhiều rác. Như vậy là ổn. Nghe sao lạ quá, bể nhiều rác mà ổn? Anh Thái giải thích: Rác trong bể nhiều có nghĩa là bà con có thu gom rác rồi bỏ vào bể, không vứt lung tung.

Toàn làng Kon Pao Kram có 4 bể thu gom rác thải, và bà con cũng đã quen với việc gom rác đem đến bể hàng ngày rồi - anh Thái nói nhẹ tênh, nhưng tôi hiểu, để đạt được điều đó không hề dễ dàng. Làng, xã phải ra sức tuyên truyền, vận động người dân, bản thân cán bộ phải gương mẫu đi đầu nên dần dần người dân mới tham gia.

Chủ tịch UBND xã Đăk Psi - Nguyễn Phúc Đoan nhìn nhận, thu gom, xử lý rác thải luôn là một trong những bài toán khó đối với bất cứ địa phương nào. Có vùng nông thôn nào mà không gặp phải tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trong vườn, ngoài đường; ngay cả bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật cũng vương vãi trên đồng ruộng hoặc dọc các kênh mương, gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, muốn giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, đạt tiêu chí số 17, cần giải được bài toán này, nhưng không phải cứ hô hào lên là xong. Nghị quyết có rồi, kế hoạch, mục tiêu cũng có luôn, ấy vậy mà khi đụng đến thực tế mới thấy khó vô cùng- anh bộc bạch.

Theo anh Đoan, rào cản lớn nhất là thói quen vứt rác bừa bãi của người dân, vậy thì phải chọn việc thay đổi thói quen làm hướng đột phá. Thế là mô hình bể thu gom rác ra đời, bể được đúc bằng bê tông, hình tròn, đặt dọc trục đường các thôn, làng và đường dẫn ra các khu sản xuất, rất thuận lợi cho người dân trong việc bỏ rác.

Đến nay, toàn xã Đăk Psi đã có 34 bể thu gom rác như vậy. Thông thường sau vài ngày, thôn sẽ cử người dọn bể, đem rác đi đốt, vừa sạch đường sạch ngõ, vừa giữ gìn môi trường trong lành. Đây cũng bước đột phá để địa phương tiến tới hoàn thành tiêu chí số 17 trong năm nay - anh Đoan cho biết.  

Đâu là lời giải cho bài toán khó?

Đem câu chuyện về bể thu gom rác thải ở xã Đăk Psi kể cho ông Huỳnh Thúc Viên - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), anh cũng đồng tình rằng, đây là một cách làm hay, cụ thể nên đạt hiệu quả trong thực hiện chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Huỳnh Thúc Viên, không thể cho rằng, chỉ cần làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải là đã đạt tiêu chí số 17. Bởi tiêu chí này có tới 5 nội dung là: tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Nhưng làm tốt việc thu gom rác thải có vai trò quan trọng, bởi khác với các nội dung khác đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền, kinh phí đầu tư lớn, chế tài xử lý đủ sức răn đe..., nội dung này đạt mức độ nào lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức, thói quen của người dân, mà thông thường, thay đổi thói quen cố hữu không dễ.

Kết quả kiểm tra, rà soát mới đây cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình, thể hiện qua việc lập các thủ tục về môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Các trang trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi...

Tuy nhiên, tại nhiều nơi, người dân nông thôn vẫn không có thói quen gom rác lại để xử lý mà tiện đâu vứt đấy. Chưa kể chất thải chăn nuôi bị đẩy ra cống rãnh, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi không chỉ riêng xã Đăk Psi, mà ở bất cứ xã nào trên địa bàn tỉnh cũng đều chọn đây là khâu đột phá để cải thiện, tiến tới đạt được tiêu chí về môi trường - ông Huỳnh Thúc Viên nhận định.

Cũng theo Chi cục Bảo vệ Môi trường, các địa phương có thể tổ chức các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, làng, có sự tham gia của người dân và các đoàn thể, để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và trực tiếp thu gom rác thải tại các khu dân cư; quy hoạch nơi tập kết, xử lý rác tập trung phù hợp với thực tế và quy hoạch chung của địa phương...

Bên cạnh đó, cần lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" hay xây dựng hương ước, quy ước để đạt hiệu quả cao hơn trong việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh; phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; tham gia tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho đường làng ngõ xóm...

Làm được như vậy, hẳn là bài toàn khó sẽ được giải. Và môi trường nông thôn sẽ trong lành hơn!

Thành Hưng

Chuyên mục khác