Vì môi trường không khí trong lành: Hãy hành động

05/06/2019 06:45

“Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” là chủ đề của ngày Môi trường thế giới năm 2019, mang ý nghĩa thúc giục chúng ta có những hành động cụ thể như trồng cây, cải thiện không gian xanh trong môi trường sống; sử dụng các thiết bị ít phát thải; không đốt rác, chất thải tùy tiện nhằm giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí...

1 . Ngôi nhà lụp xụp của Vinh nằm dưới chân một ngọn đồi, trước đây vốn được phủ kín màu xanh cao su, nhưng vài năm gần đây đã bị đào xới tung lên, sườn đồi lộ ra những hố sâu lở loét.

Đó là do người ta đào đất làm nguyên liệu cho mấy lò gạch thủ công kia kìa - Vinh chỉ tay chếch sang khu đồi phía trước, nơi những lò gạch thủ công đang nhả khói đen sì như những con quái vật.

Từ khi sinh ra, Vinh đã ở trong một môi trường đầy khói bụi. Bố mẹ, anh chị của Vinh đều làm công cho những lò gạch ấy. Suốt những tháng ngày tuổi thơ, Vinh vô tư chơi đùa, ăn ngủ trong khí trời nồng nặc khói, mùi than và bụi bặm.

Cậu không biết gì về ô nhiễm không khí và tác hại của nó đến sức khỏe con người, nhưng cha mẹ cậu thì biết. Sau một ngày lao động cực nhọc, đêm về cha của Vinh lại bị những cơn ho hành hạ. Vừa vuốt ngực cho cha, mẹ Vinh vừa than: Tôi lo cho mấy đứa nhỏ quá ông ạ. Sống trong môi trường này... Cha Vinh dứt đợt ho, ngồi nhìn lên mái nhà bám đầy muội than, nói nhát gừng: Chớ biết làm sao bây giờ!

Lớn lên, Vinh học nghề cắt tóc và ra phố thuê nhà mở một cửa hiệu nho nhỏ, cậu tạm thời xa được khu lò gạch đầy khói bụi. Nhưng mỗi lần về nhà, đi ngang qua những lò gạch đang đua nhau phun khói, cậu lại thấy lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ và các anh chị mình.

Em luôn có một mong ước là, một ngày nào đó, những lò gạch thủ công này sẽ ngừng hoạt động để môi trường sống trong lành hơn, không khí bớt ô nhiễm bởi khói, bụi và mùi than đá. Anh không biết đâu, cái mùi than đá cháy dở khó chịu lắm. Người không quen, ngửi qua một tý là tức ngực, hoa mắt luôn à- một lần Vinh thổ lộ.

Nhưng những người trong xóm lại không nghĩ như vậy.

Một lần Vinh về nhà, hào hứng kể chuyện chính quyền đang lập kế hoạch chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công. Cha mẹ cậu cấm không được bàn tán về chuyện này với những người xung quanh. Vì lò gạch chính là nơi mưu sinh, là nguồn sống của hàng trăm gia đình, nếu bị buộc dừng lại thì biết bấu víu vào đâu.

Lúc này thì Vinh hiểu, giữa vấn đề ô nhiễm không khí khá "xa vời" và miếng cơm manh áo hàng ngày, những người ở xóm lò gạch này sẽ chọn (hoặc buộc phải chọn) cái thứ 2. Có rất nhiều thứ trong cuộc sống cần phải chi tiêu, và tất cả đều trông vào cái lò gạch đang phì phò thở ra luồng khói đen đặc kia. Nhưng Vinh không buông xuôi. Cậu tìm đến với những nhóm bạn trẻ có chung suy nghĩ, và họ bắt tay vào thực hiện những hoạt động nhằm kêu gọi, vận động mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

2. Chính Vinh là người giới thiệu cho tôi làm quen với nhóm bạn trẻ ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng. Mấy ngày qua họ đang bận rộn lên kế hoạch tuyên truyền cho ngày Môi trường thế giới năm 2019 với chủ đề "Ô nhiễm không khí".

Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền được chuẩn bị xong rồi, chúng em sẽ xin phép treo ở một số vị trí trên đường phố. Nội dung tuyên truyền tập trung kêu gọi mọi người hãy hành động vì môi trường không khí trong lành, ví dụ như tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20 giây để giảm lượng khói xe thải ra môi trường; trồng cây, cải thiện không gian xanh trong môi trường sống; tắt đèn và thiết bị điện tử không sử dụng, sử dụng các thiết bị ít phát thải; không đốt rác, chất thải tùy tiện nhằm giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí- Trưởng nhóm cho biết.

Còn Vinh chia sẻ: Thông qua hoạt động của mình, tụi em muốn gửi đến mọi người thông điệp rất cấp bách đang đặt ra hiện nay: ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng và mọi người dân cần chung tay bảo vệ môi trường, bắt đầu từ hành động nhỏ nhất.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta (Ảnh: nguồn internet)

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Huỳnh Thúc Viên, những hành động của nhóm bạn trẻ rất đáng biểu dương và cần được nhân rộng, bởi có tác động rất trực quan đến ý thức cộng đồng.

"Ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề nóng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân chính là do tốc độ đô thị hóa nhanh, gắn liền với sự gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp… Ô nhiễm không khí đang từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như làm cay mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè, giảm chức năng của phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản" - ông Huỳnh Thúc Viên nhận định.

Đối với Kon Tum, mặc dù kết quả quan trắc môi trường mới đây (đợt 1/2019) cho thấy, hầu hết các thông số đều có giá trị ổn định và nằm trong giới hạn cho phép, môi trường không khí chủ yếu bị tác động bởi tiếng ồn, nhưng UBND tỉnh và các cấp, các ngành vẫn đặc biệt quan tâm triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Theo đó, chính quyền địa phương chỉ đạo ngành chức năng thực hiện thường xuyên hoạt động quan trắc môi trường không khí, với 18 vị trí trên địa bàn tỉnh, để kịp thời ghi nhận sự biến đổi về chất lượng không khí qua từng ngày. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe tải đang lưu thông; khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông như xăng sinh học...

Đồng thời, các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong sản xuất công nghiệp cũng được triển khai đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ, như đánh giá tác động môi trường; ứng dụng các giải pháp bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp; phát triển công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ sản xuất sạch trong chăn nuôi; kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp...

Theo ông Huỳnh Thúc Viên, cộng đồng dân cư là đối tượng chính tham gia các hoạt động phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí và cũng chính họ là những người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả. Vì vậy, bảo vệ môi trường không khí không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Bài học kinh nghiệm từ nhiều địa phương mà chúng ta có thể áp dụng là đưa cộng đồng tham gia trực tiếp vào hệ thống quản lý môi trường. Công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí và các nguồn chính gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng có nhận thức đúng về ô nhiễm không khí và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường không khí; xây dựng các cơ chế cụ thể để thu hút sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường không khí- ông Huỳnh Thúc Viên kiến nghị.

 

Ở nước ta, “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng ngày Môi trường thế giới được tổ chức đồng loạt trên phạm vi cả nước, với các hoạt động thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng... TH

Thành Hưng

 

 

 

 

Chuyên mục khác