19/12/2019 13:07
Những ngày này, quân và dân cả nước đang nô nức hướng tới Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019). Trong suốt chặng đường 75 năm qua, chiến công vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX.
Đại tướng xuất thân từ một gia đình nhà nho tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - mảnh đất đầy nắng gió của khúc ruột miền Trung. Giác ngộ cách mạng rất sớm, ngày 3/5/1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Bác Hồ. Đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát - xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Đồng chí tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng. Ngày 22/12/1944, theo hướng dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ sau vài ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chiến thắng trận đầu, hạ đồn Phai Khắt và Nà Ngần của giặc Pháp.
Mặc dù trước đó chưa một ngày được mang trên mình các cấp hàm của quân đội, nhưng Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948. Đồng chí trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi bước sang tuổi 37. Sau này, khi trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Bác Hồ đã thâm thúy nói: “Người nào đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”.
|
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tài năng quân sự kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem lại chiến công to lớn cho quân và dân ta, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất sự hy sinh máu xương của cán bộ, chiến sỹ mà chiến thắng Điện Biên Phủ là một ví dụ điển hình, khi Đại tướng quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới. Những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân, xây dựng nền độc lập của riêng mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của người đảng viên Cộng sản, là người mẫu mực cho sự phấn đấu quên mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Trong thời kỳ giữ trọng trách Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến khi đảm nhiệm các chức vụ khác nhau của Đảng và Nhà nước, Đại tướng bao giờ cũng đặt việc công, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, nên không chỉ cán bộ, chiến sỹ mến phục, tôn là người “Anh Cả” của Quân đội ta, đồng chí còn được nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của nhân dân”.
Ngày 4/10/2013, Đại tướng qua đời ở tuổi 103. Tang lễ của đồng chí trở thành một “hiện tượng” hiếm hoi không chỉ ở đất nước ta mà cả trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, hàng chục vạn người không ai bảo ai, kéo về Hà Nội tự đáy lòng mình thắp nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình viếng đồng chí; hàng triệu triệu người đã nhỏ lệ xót thương “Một vĩ nhân nằm xuống/Bốn cõi người thấu nỗi bơ vơ” (thơ Vương Trọng).
Riêng căn nhà số 30, đường Hoàng Diệu (Hà Nội) là nơi tạo nhiều cảm xúc nhất về sự ra đi của Đại tướng, bởi thời gian ngôi nhà mở cửa đón nhân dân vào viếng kéo dài tới 5 ngày. Cả gia đình và Ban tổ chức tang lễ đã hết sức xúc động trước sự thành kính của nhân dân đối với Đại tướng. Mặc dù lượng người đổ về đông nhưng bộ phận hậu cần đã triển khai các công việc liên quan vô cùng nhanh chóng, cố gắng phát huy tối đa các khả năng để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Ban đầu, gia đình và Ban tổ chức dự kiến đón nhân dân vào viếng từ 8 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 ngày, kế hoạch đã buộc phải thay đổi. Giờ viếng buổi sáng đẩy lên 7 giờ. Và những ngày sau, các kế hoạch về giờ viếng liên tục được thông báo lại như cho viếng thông trưa, cho viếng đến 21 giờ… Trong đoàn người đến viếng có đủ các thành phần, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, học hàm, học vị; từ những cựu chiến binh ngực lấp lánh Huân chương, đến các cụ già chậm chạp bước chân; những thương binh nặng phải ngồi xe lăn, những nguyên thủ quốc gia, các tổ chức ngoại giao đoàn… xếp hàng ngày này qua ngày khác kiên nhẫn đợi chờ để được đến trước di ảnh Đại tướng, gửi lòng mình qua khói hương thơm tiễn đưa vị Đại tướng yêu kính lần cuối cùng. Tại lễ tang, mọi người không cầm được nước mắt xót thương khi Trưởng ban tổ chức lễ tang đọc điếu văn. Khi linh cửu Đại tướng được chuyển từ Nhà tang lễ ra sân bay Nội Bài để đưa về đất mẹ quê hương, tại tất cả các ngả đường nơi đoàn xe tang đi qua, dòng người đưa tiễn đã xếp thành hàng 5, hàng 10 suốt chiều dài 40 cây số để tiễn đưa. Hàng vạn người khác cũng xếp hàng nén đau thương chờ sẵn từ sân bay Đồng Hới ra đến Vũng Chùa để đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngày hôm ấy là ngày của những giọt nước mắt tiễn đưa người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, tiễn đưa “vị đại tướng của nhân dân” đã đi trọn cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ với tất cả niềm tiếc thương vô hạn.
Võ Năng Nhẫn