“Vì chúng tôi là lá chắn cho nhân dân”

16/06/2021 13:13

Trong bối cảnh cả nước đang đồng lòng, chung sức đẩy lùi đại dịch Covid-19, chúng tôi đã lên khu vực biên giới để gặp gỡ các chiến sĩ Biên phòng và lực lượng tăng cường túc trực tại các chốt, qua đó, hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả, cũng như tinh thần vượt khó của những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Xuất phát từ thành phố Kon Tum, vượt 80 cây số lên Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, rồi men theo đường tuần tra biên giới len lỏi giữa những cánh rừng, chênh vênh bên sườn núi thêm tầm 20 cây số nữa, chúng tôi mới đến được Đồn Biên phòng Đăk Xú (đứng chân trên địa bàn xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi). Khi đến nơi, trời cũng đã nhá nhem tối. Nhờ chủ động liên lạc từ trước, nên vừa tới nơi chúng tôi nhanh chóng được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi và cùng dùng cơm tối với các chiến sĩ.

Trong bữa cơm đơn giản mà ấm cúng, Thượng tá Đinh Văn Định - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Xú nói với tôi: Là tối Chủ nhật nên một số anh em tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn trở về để chuẩn bị giao ban, báo cáo tình hình phòng, chống dịch vào sáng thứ 2 đầu tuần. Nhờ vậy, bữa cơm tối nay mới khá đông đủ, ấm cúng thế này. Hi vọng thời gian tới, dịch mau kết thúc để anh em chiến sĩ trong Đồn lại có thể trở về, sinh hoạt bình thường như trước đây!

Lực lượng chiến sĩ tại các chốt phòng, chống Covid-19 đi tuần tra biên giới. Ảnh: T.T

 

Qua cuộc trò chuyện với Thượng tá Đinh Văn Định, chúng tôi được biết, Đồn Biên phòng Đăk Xú quản lý 11,5km đường biên giới. Để góp sức phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, Đồn đã tổ chức duy trì 4 chốt với 8 điểm trên tuyến biên giới. Thực hiện nhiệm vụ cùng với lực lượng của Đồn là 32 chiến sĩ tăng cường từ các đơn vị khác. Các chốt hoạt động xuyên suốt 24/7, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện đi lại, hạn chế nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh Covid-19; đồng thời các chiến sĩ tổ chức tuần tra khép kín tại các tuyến đường biên, siết chặt an ninh, không để xảy ra bất kỳ trường hợp nào về xuất nhập cảnh trái phép trong khu vực Đồn quản lý. 

Cùng với việc phân bố lực lượng tại các chốt biên giới, Đồn thường xuyên lên kế hoạch để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng đấu tranh, tố cáo, cung cấp thông tin đối với những trường hợp vi phạm quy định, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Nhờ vậy, dù địa bàn biên giới Đồn quản lý là “cánh gà” của Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, có lưu lượng người qua lại tương đối nhiều, tình hình phức tạp…, nhưng chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép.

Dẫn chúng tôi ra khu sân trước của Đồn Biên phòng Đăk Xú, nơi có một nhóm nhỏ chiến sĩ đang ngồi quây quần bên nhau đàn ca, Thượng tá Đinh Văn Định vui vẻ: Dù điều kiện về vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, tuy nhiên anh em ở đây luôn lạc quan yêu đời.

Đã hơn 1 tháng nay, hầu như tất cả các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đăk Xú cùng lực lượng tăng cường đều bám chốt, ăn ngủ tại chốt, để thực hiện nhiệm vụ của mình. Thậm chí có những trường hợp chiến sĩ có người thân mất, cũng đành bấm bụng kìm nén đau buồn, để hoàn thành sứ mệnh Tổ quốc giao phó.

Để tiếp cận thực tế, sáng hôm sau, theo hướng dẫn của Thượng tá Đinh Văn Định, chúng tôi đến với chốt phòng, chống Covid-19 xa nhất - chốt Ngã ba Bằng Lăng. Chốt này cách Đồn Biên phòng Đăk Xú khoảng 90 phút di chuyển bằng xe máy. Đón chúng tôi là cái bắt tay niềm nở của Thượng úy Chu Văn Đức, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đăk Xú.

Phun thuốc khử khuẩn tại Đồn Biên phòng Đăk Xú. Ảnh: TT

 

Sau khi giới thiệu chúng tôi với các thành viên tại chốt, Thượng úy Chu Văn Đức tâm sự về câu chuyện của mình: Ngày 28/4, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có lệnh yêu cầu duy trì 100% quân số làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại các tổ, chốt trên khu vực tuyến biên giới, thì sau đó 2 ngày (30/4) tôi đón nhận tin bố vợ tôi mất. Trong hoàn cảnh như vậy, đơn vị cũng đã báo cáo cấp trên, tạo điều kiện để tôi có thể về thăm nhà. Trong thời gian gói gọn nửa ngày, tôi chỉ kịp thắp cho bố nén nhang, rồi nhờ vợ và cùng gia đình thay phần mình lo hậu sự cho bố. Ngay sau đó, tôi lên đường trở về chốt Ngã ba Bằng Lăng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy thực sự rất buồn, nhưng tôi hiểu rằng, đó là trách nhiệm của người lính, phải biết gác lại tâm tư, tình cảm của mình, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Điều kiện thực hiện nhiệm vụ của các chiến sĩ tại chốt Ngã ba Bằng Lăng thật lắm vất vả, gian truân. Do đặc thù địa thế và khí hậu khu vực biên giới, chịu ảnh hưởng của gió Lào, nên khu vực này đã biến thành một “lòng chảo” tự nhiên, với nhiệt độ trong ngày luôn ở mức trên 35oC, thậm chí có những thời điểm vượt ngưỡng 40oC. Dưới thời tiết khắc nghiệt như vậy, làn da của các chiến sĩ ai nấy đều sạm đen, người lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi, khó có một giấc ngủ ngon. Bên cạnh đó, trong quá trình tuần tra, thực hiện nhiệm vụ, các anh thường xuyên phải chịu sự tấn công của muỗi và ruồi vàng, gây ngứa ngáy, khó chịu, không ít trường hợp đã bị sốt…

Nguồn nước cũng là một trong những khó khăn của các chiến sĩ nơi đây. Hàng ngày, các anh chủ yếu sử dụng nước suối để sinh hoạt. Tuy nhiên đối với loại nước này, các anh chỉ sử dụng để tắm rửa, giặt giũ chứ không dám dùng để ăn uống, bởi đầu nguồn con suối là khu sản xuất của bà con, nước dễ bị ô nhiễm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Vậy nên hàng ngày, bên cạnh việc tiếp tế thức ăn, Đồn Biên phòng Đăk Xú còn phải cung cấp nước uống cho các chiến sĩ tại chốt để thực hiện nhiệm vụ.

Thượng úy Chu Văn Đức chia sẻ: Không chỉ riêng đối với chốt phòng dịch Ngã ba Bằng Lăng, mà tại 3 chốt còn lại của Đồn Biên phòng Đăk Xú đều đối mặt với những khó khăn tương tự. Tuy nhiên, không vì thế mà anh em chiến sĩ nhụt chí, bởi chúng tôi hiểu rằng, nếu so với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng đang nỗ lực tại các địa bàn “nóng”, thì những khó khăn, thử thách này chỉ là rất nhỏ. Hơn nữa, trách nhiệm cao cả của mỗi chiến sĩ Biên phòng chúng tôi chính là lá chắn nơi tuyến đầu, cho cuộc sống bình yên của nhân dân.    

Tất Thành

Chuyên mục khác