Vẹn tình quân dân

18/02/2018 12:59

Bỏ lại những ồn ào, náo nhiệt sôi động nơi phố phường, những người lính ngày đêm lặng lẽ chắc tay súng giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Biết bao đơn vị đứng chân trên các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa có khí hậu đầy khắc nghiệt, nguồn nước ô nhiễm... gian khó khôn lường nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Không những thế, họ còn cùng đồng bào lao động sản xuất để tạo ra được những ruộng lúa, vườn cà phê, cao su phủ xanh khắp các thôn làng biên giới. Có người nói: Ngày xưa những người lính trồng lúa đánh giặc, ngày nay trồng lúa giúp dân xóa đói giảm nghèo. Hai hình ảnh trong một con người sao mà đẹp thế!

Những người lính đang góp sức tạo nên những làng mới, tươi đẹp cho đồng bào nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi có dịp về huyện mới Ia H'Drai, nơi giao thông đang cách trở, muốn đi vào tới huyện phải đi qua tỉnh bạn Gia Lai. Nói thế để thấy sự khó khăn của vùng đất này ra sao.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ia H'Drai cùng lực lượng dân quân và bà con thôn 4 xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai đổ bê tông tuyến đường đi qua thôn. Ảnh: T.K

 

Có mặt tại thôn 4, xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, thôn giáp biên giới với Campuchia, nơi sinh sống của 85 hộ với 289 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Thái và Nùng, được bao quanh 4 bề là rừng núi, chỉ có một con đường đất độc đạo, lại nhỏ hẹp khó vận chuyển hàng hóa, mỗi lần thu hoạch vụ mùa bà con ở đây rất vất vả để đưa sản phẩm về nhà.

Hiểu được nỗi khổ đó của người dân nơi đây, cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân đã hành quân về cùng với bà con tiến hành đổ bê tông toàn bộ tuyến đường dài hơn 2km. Con đường hoàn thành không những tạo thuận lợi trong giao thông đi lại, mà còn phục vụ sản xuất cho phần lớn diện tích cao su và lúa nước của bà con. Chị Hà Thị Xuyên, nói: Con đường hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho bà con nơi đây, chắc chắn một điều kinh tế sẽ khấm khá hơn.

Phải làm như thế nào đây để bắt những vùng đồi khô cằn cho màu xanh no ấm, cái xanh khát vọng là nỗi mơ ước khôn cùng, rời tay súng cầm tay cuốc họ lặng lẽ hiến dâng, lặng lẽ làm việc, họ làm việc hết mình, mồ hôi công sức họ đổ xuống cho màu xanh đâm lên. Chủ tịch UBND xã Xốp (huyện Đăk Glei) - A Ruổi chia sẻ: Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên cử các cán bộ có kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt về đây giúp đỡ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp ngày công lao động khai hoang phục hóa các cánh đồng đã từng bị bỏ hoang khôi phục đất sản xuất. Từ đó nhân dân thấy được hiệu quả trong canh tác. Chính từ những việc làm cụ thể thiết thực đó mà công tác tuyên truyền vận động bà con càng dễ dàng hơn. Lấy ví dụ như trong xây dựng đường giao thông, trường học… nhiều hộ đã tự nguyện cống hiến đất đai, đóng góp ngày công.

Ví như hộ gia đình ông A Rẻ, thôn Tan Đum, xã Xốp trước đây khó khăn, hoàn cảnh ngặt nghèo, được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ bò, giúp cải tạo ruộng đất hoang hóa để canh tác cây trồng đã có cuộc sống ổn định, không còn cảnh thiếu đói mùa giáp hạt. Ông A Rẻ tâm sự: Từ khi được bộ đội đến giúp gia đình khai hoang và chỉ cách trồng chăm sóc ruộng lúa và hỗ trợ cho một con bò giống để chăn nuôi. Đến nay bò đẻ được một con rồi, còn kinh tế gia đình tôi đã khá hơn rất nhiều, không còn cứu đói trong mùa giáp hạt.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm được nhiều việc tốt giúp đỡ các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Những điều đồng bào ghi nhận đối với đơn vị như tiếp thêm sức mạnh cho đơn vị tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sức mạnh lòng dân, ý chí người lính - những phên dậu bền chặt tạo nên một hệ thống phòng thủ vững chắc.

Những thôn làng nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa Kon Tum đã và đang từng ngày đổi thay. Để có được những đổi thay đáng phấn khởi ấy phải kể đến sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương và sự nỗ lực của đồng bào nơi đây, bên cạnh đó, là sự tận tâm góp sức của những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Bài, ảnh: Trung Kiên 

Chuyên mục khác