Vẹn nguyên nỗi nhớ

27/07/2023 13:04

Đã gần 3 năm trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Phạm Ngọc Hải hy sinh nơi dòng sông Thanh khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tại Đồn Biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei) nhưng đồng đội, người thân vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ về anh... Ngày anh đi xa, đứa con gái út mới đang bập bẹ gọi “ba”, con gái lớn còn đang học lớp một.
Anh Hải là người rất quan tâm đến gia đình, yêu thương vợ con hết lòng. Ảnh: VT

 

Ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Đương (77 tuổi) là mẹ của liệt sĩ Phạm Ngọc Hải ở tổ 2, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô. Ở cái tuổi xế chiều, bà Đương đi lại gặp nhiều khó khăn, nếp nhăn đã xếp dày dưới mí mắt. Trong căn nhà cấp 4, 2 cô con gái nhỏ của liệt sĩ Phạm Ngọc Hải vô tư nô đùa.

Mời khách uống nước, vợ anh - chị Phan Thị Xuân nén lại nỗi buồn, nhớ lại những năm tháng khi chồng chưa đi xa. Chị Xuân kể, chị rời Hà Tĩnh vào Kon Tum từ năm 2009 làm giáo viên tại Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đăk Tô). Thông qua những người bạn giới thiệu, chị Xuân gặp anh Hải, đến năm 2011 tiến đến hôn nhân.

“Trong 2 năm quen nhau, khi ấy anh Hải đang công tác tại tỉnh Đăk Nông nên chỉ vỏn vẹn gặp nhau được 3 lần. Cưới nhau được một thời gian, anh Hải chuyển công tác về tỉnh Kon Tum, nhưng khi đó một tháng cũng chỉ gặp nhau được 1 lần”- chị Xuân tâm sự.

Suốt gần 9 năm gắn bó, dù ít gặp nhau nhưng 2 vợ chồng luôn hòa thuận, hạnh phúc. Bởi chị Xuân rất thông cảm, chia sẻ với công việc của chồng, luôn đặt hòa bình của Tổ quốc lên hàng đầu. Còn anh Hải luôn yêu thương vợ mình, lo lắng chị phải chăm lo, nuôi dạy 2 đứa con nhỏ, sắp đặt mọi chuyện gia đình khi anh vắng nhà.

“Anh Hải là một người sống đơn giản, không thích bon chen trong xã hội. Anh rất quan tâm gia đình, yêu thương vợ con, mong muốn vợ con có một cuộc sống đầy đủ. Lúc anh chưa hy sinh, có anh hứa với vợ con sẽ làm nhà và sẽ triển khai khi anh nghỉ phép vào cuối tháng. Thế nhưng, lời hứa chưa thực hiện được thì anh đột ngột đi xa”- chị Xuân bộc bạch.

Nhắc đến sự hy sinh của anh Hải, bà Đương ngậm ngùi: Nghe đồng đội của con tôi kể lại, ngày 11/10/2020, hôm ấy trời mưa như đổ trút, mưa mù mịt đất trời. Sau bữa cơm chiều ở Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Đăk Blô, Hải cứ nằng nặc đòi quay lại chốt phòng chống dịch Covid-19 dù đồng đội đã khuyên ngăn chờ ngừng mưa rồi hẳn đi cho an toàn. Nhưng không, với trách nhiệm của người lính Biên phòng, Hải vẫn quay lại chốt và gặp nạn khi qua đập tràn, bị lũ cuốn trôi trên dòng sông Thanh.

Nhận được tin báo con mình hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, bà Đương như chết lặng. Nỗi đau mất 2 người em trai ruột của bà khi tham gia kháng chiến bỗng ùa về. Lần này, bà đón nhận nỗi đau gấp bội lần khi khúc ruột của mình hy sinh trong thời bình.

Còn chị Xuân, nghe tin chồng mất chị mong đây là giấc mơ, chị cố nén lại nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong không muốn để 2 đứa con mình thấy. Chị rưng rưng nhớ lại: Ngày anh mất, đứa con gái đầu mới 7 tuổi vẫn chưa biết ba mất là gì. Cháu có hỏi tôi, ba mất là đi làm 7, 8 năm là về phải không mẹ? Tôi chỉ biết cắn răn rồi gật đầu. Còn đứa bé thì vẫn vui vẻ, vì cháu nghĩ rằng ba vẫn đang ngủ. Đến bây giờ, đứa lớn đã biết ba nó mất, còn đứa nhỏ thì vẫn nghĩ ba đi làm xa chưa về. Thỉnh thoảng cháu đòi gọi điện, tôi lại mở các đoạn nghi âm cũ mà ngày anh sống hai vợ chồng nói chuyện rồi lưu lại cho cháu nghe.

“Từ ngày anh đi xa, gia đình vắng đi trụ cột nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng được người thân, chính quyền địa phương quan tâm, cùng sự hỗ trợ của những đồng đội cũ, gia đình tôi vẫn sống ổn, 2 đứa nhỏ được chăm sóc, học tập đầy đủ”- chị Xuân bộc bạch.

Đại tá Lê Minh Chính - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Liệt sĩ Phạm Ngọc Hải sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng. Bố liệt sĩ Hải là cán bộ Quân đội lão thành. Mẹ liệt sĩ Hải là cựu cán bộ Quân y, là thương, bệnh binh. Sự việc của đồng chí Hải là mất mát quá lớn đối với gia đình người thân và những người đồng chí đồng đội. Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kịp thời thăm hỏi động viên gia đình, vợ con của đồng chí và tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu và an táng đồng chí trang trọng nhất theo nghi thức, quy định của quân đội. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng gia đình làm tốt chính sách hậu phương quân đội.

Với công lao cống hiến phục vụ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới khó khăn, gian khổ ngày càng vững mạnh, ngày 4/1/2023, Thủ tưởng Chính phủ đã ký Quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Phạm Ngọc Hải.

Văn Tùng

 

Chuyên mục khác