Về thăm quê Bác

19/05/2022 06:03

Thỏa niềm ao ước bấy lâu, Tết Nhâm Dần mới đây, tôi có dịp được về thăm quê Bác. Men dọc theo từng lối đi bao quanh những lũy tre xanh là đến những căn nhà nền đất, cột gỗ, vách nứa, lợp lá tranh… Hàng cau vẫn đó, nếp nhà tranh xưa vẫn đây, không gian ấm áp, thanh bình đậm chất vùng nông thôn Bắc Trung bộ được lưu giữ trọn vẹn trong những căn nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - nơi đã nuôi dưỡng Bác thời niên thiếu, căn nhà của ông nội Bác – cụ Nguyễn Sinh Nhậm, căn nhà của hàng xóm Bác…

Đứng trong căn nhà tranh nơi Bác gắn bó những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ và cũng đầy gian khó nhọc nhằn cùng những người thân yêu trong gia đình, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Những vật dụng đơn sơ của gia đình ghi dấu thời gian của  hơn một thế kỷ trước vẫn được lưu giữ: chiếc tủ gỗ, bộ phản, chiếc rương, chiếc giường… 

Căn nhà Bác sống những năm 1901-1906. Ảnh: NP

 

Lắng nghe chị hướng dẫn viên Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, tôi được biết ngôi nhà tranh này đã được dân làng Sen dựng lên từ năm 1901- là món quà của dân làng tặng cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người đầu tiên ở làng Sen đậu đạt cao trong Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901). Từ năm 1901-1906, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và 3 người con sinh sống trong ngôi nhà tranh này trước khi vào Huế. Và cũng từ đây, Bác đã được tiếp xúc với nhiều nhà nho, sĩ phu yêu nước như: Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Vương Thúc Quý… trong những lần về thăm, đàm đạo với cha mình.

Truyền thống quê hương, đất nước, sự giáo dục chu đáo, tận tình của cha mẹ, của ông bà – những nhân cách đẹp với lối sống giản dị mà thanh cao, cùng với việc được sớm tiếp xúc, lắng những câu chuyện kể, những đàm đạo của các sĩ phu, nhà nho yêu nước…. đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước thương dân, hun đúc một khát vọng lớn lao, để cậu bé Nguyễn Sinh Cung thời thơ ấu, Nguyễn Tất Thành thời niên thiếu trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Còn nhớ, thời điểm Tết nguyên đán Nhâm Dần, dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng với tấm lòng kính yêu Bác, lượng người đông đảo từ trong Nam, ngoài Bắc đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, sắp xếp thời gian để được về với Kim Liên quê Bác. Trong số họ, có người đã về thăm quê Bác một đôi lần, thậm chí rất nhiều lần, nhưng cũng có người chỉ mới đến lần đầu; có người từ miền Nam lặn lội cả ngàn cây số để một lần được về thăm quê Bác, có người ở ngay Nghệ An và về thăm quê Bác trở thành việc làm thường xuyên của họ… Cũng như tôi, họ tìm về nơi đây để được thăm viếng Bác như một lẽ thường niên mỗi dịp tết đến xuân về, để được hiểu hơn về một nhân cách vĩ đại, vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Trước khi về thăm căn nhà tranh nơi Bác sinh sống thuở niên thiếu, tôi đã đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (cũng nằm trong Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên). Dâng bó hoa cúc vàng tươi và thắp nén tâm nhang lên bàn thờ Bác trong ngày đầu năm mới mà lòng thầm bày tỏ sự kính yêu, biết ơn công lao trời biển của Bác cho đất nước, cho mỗi người dân Việt Nam hôm nay được hưởng thành quả độc lập, tự do và hạnh phúc.

Du khách tìm hiểu các hiện vật ở khu trưng bày. Ảnh: NP

 

Gần Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai nhà trưng bày các hiện vật, hình ảnh về Bác được sắp xếp theo hai chủ đề: “Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, quê hương đối với Người”. Nơi đó, lưu giữ chiếc xe U oát đưa Bác về thăm quê lần thứ nhất (ngày 16/6/1957), rồi đôi dép cao su, bộ quần áo kaki được gấp ngay ngắn… chứa đựng muôn vàn thông điệp ý nghĩa.

Số báo Nhân Dân Nghệ An đăng tải thông tin Bác về thăm quê. Ảnh: NP

 

Có lẽ vì “bệnh” nghề nghiệp nên tôi dừng lại rất lâu bên trang báo Nhân Dân Nghệ An (tiền thân của Báo Nghệ An ngày nay). Trang báo đã ố vàng đăng tải chi tiết lần Bác Hồ về thăm quê thứ hai (ngày 8/12/1961). Những bức ảnh ghi dấu khoảnh khắc Bác nói chuyện với bà con, thông tin những điểm Bác đến thăm, những lời căn dặn của Bác… sao mà ân tình, tha thiết. 

“Tôi là người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay lần đầu tiên trở lại về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là: Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” – câu nói trong lần về thăm quê sau hành trình hoạt động cách mạng, bôn ba khắp năm châu bốn bể “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, rồi lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi này đến thắng lợi khác càng hiểu hơn nỗi khắc khoải của Bác về đất nước, về quê hương xứ Nghệ.

Tôi rời quê Bác khi trời đã về chiều, khi dòng người từ muôn phương vẫn đang trong hành trình về thăm quê Bác, bên tôi vẫn văng vẳng câu hát “Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương/Gặp lại sắc hoa giữa màu cờ đỏ/Gặp lại tình người trong trang thơ Nguyễn Du/Gặp lại vị quê hương cốm mùa thu” sao mà da diết. Đã từng hai lần vào Lăng viếng Bác và nay thêm một lần được về Kim Liên quê Bác, lần nào cũng vậy đều để lại trong tôi muôn vàn cảm xúc. Đó là sự thành kính, biết ơn Người đã trọn đời hy sinh, trọn đời đau đáu “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là cảm giác thanh thản, bình yên, cảm giác được chở che trước một Nhân cách lớn - vị Cha già kính yêu của dân tộc: “Tất cả thanh niên Việt Nam đều là con tôi”, “Tôi đã hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi!”. Đó còn là cơ hội để tôi được tiếp cận gần nhất những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ, được học tập một cách trực quan nhất, sinh động nhất về nhân cách cao đẹp và đức hy sinh của Người. Để rồi, mỗi người - trong đó có tôi hiểu rằng, cần phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, góp sức xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Người hằng mong.            

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác