Về đất Mũi Cà Mau

26/09/2023 06:20

Mũi Cà Mau (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là một trong những địa danh mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Và chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng mong một lần đến với mảnh đất này để được chạm tay vào cột mốc chủ quyền cuối trời Nam của Tổ quốc.

Đã mấy lần lỡ hẹn, mới đây vào những ngày đầu tháng 9, tôi đã thỏa lòng mong ước được cùng người thân đi tham quan đất Mũi Cà Mau. Ngồi trên xe khách ngắm cảnh thanh bình của miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, lắng nghe giai điệu ngọt ngào, da diết trong bài hát “Áo mới Cà Mau” của tác giả Thanh Sơn: “Nghe nói Cà Mau xa lắm. Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới. Về để nói với nhau mấy lời…”, tôi thấy lòng mình xao xuyến, bâng khuâng…

Cà Mau xa lắm! Đó là câu chuyện của những năm về trước khi giao thông đi lại khó khăn, đò ngang cách trở. Còn giờ đây, đất Mũi Cà Mau không còn xa nữa. Tuyến đường Hồ Chí Minh đã nối thông điểm đầu đến điểm cuối của đất nước – bắt đầu từ Pắc Bó (Cao Bằng) đi qua 28 tỉnh, thành phố đến Mũi Cà Mau. Bởi vậy, nếu đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng cách gần 300 km, chỉ mất hơn 6 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe ô tô, chúng ta đã có mặt ở thành phố Cà Mau.

Từ trung tâm thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau còn khoảng 110 km. Sau hơn 2 giờ chạy xe trên tuyến đường dài thẳng tắp nằm giữa những tán rừng ngập mặn xanh mướt, gia đình tôi đã tới đất Mũi - điểm cuối trên dải đất hình chữ S, dạo bước trong không gian Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau (tọa lạc trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau), thỏa sức ngắm nhìn biển trời bao la của Tổ Quốc.

Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 – cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên đất liền tại đất Mũi Cà Mau. Ảnh: HT

 

 Cảm xúc trong tôi như vỡ òa khi chạm tay vào mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (cây số 0). Đây là một trong bốn điểm cực đánh dấu lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Cực Bắc là Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là đất Mũi Cà Mau.

Biểu tượng Mũi Cà Mau được thiết kế hình con tàu hướng ra biển Đông. Ảnh: HT

 

Từ mốc tọa độ Quốc gia, đi bộ khoảng 700m theo đường đê chắn sóng là tới biểu tượng Mũi Cà Mau, được thiết kế với tiểu cảnh Pano hình con tàu và cánh buồm căng gió. Thật xúc động và tự hào khi được đứng đây ngắm nhìn biểu tượng thân thương của Tổ quốc: “…Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau/…Tổ quốc tôi như một con tàu/ Đêm ngày tôi nhớ Mũi Cà Mau…” (thơ Xuân Diệu). 

Trong Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, ngoài mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 và biểu tượng Mũi Cà Mau, còn có cột mốc đánh dấu điểm cuối đường Hồ Chí Minh – Km 2436; cột cờ Hà Nội – biểu tượng của Thủ đô trong lòng đất Mũi, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, nam bắc một nhà. Đặc biệt, ở đây có cụm công trình đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ Âu Cơ đang bồng con trên tay hướng về biển Đông. Cụm công trình này góp phần quy tụ các giá trị văn hóa thuộc thời đại Hùng Vương về mảnh đất này, nhắc nhớ chúng ta về cội nguồn dân tộc.

Một ngày ở đất Mũi Cà Mau, gia đình tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ với nhiều điểm đến ý nghĩa, mang đậm giá trị tinh thần, lịch sử, cũng như những nét đặc trưng của vùng đất nơi đầu tàu ngọn sóng. Cảnh sắc và sự thân thiện, mộc mạc của người dân nơi đây đã làm tôi thêm yêu mảnh đất này.

Hãy về đất Mũi Cà Mau để cảm nhận trọn vẹn sự hùng vĩ, bao la, tươi đẹp của non sông gấm vóc Việt Nam.

Hoàng Thúy

Chuyên mục khác