“Về Đăk Tô”- bài hát đi cùng năm tháng

08/04/2022 06:12

Nhạc phẩm “Về Đăk Tô” của tác giả Phan Đức Luận gắn liền sự kiện lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã và đang đi cùng năm tháng.
Tác giả Phan Đức Luận (bên phải) và nhà báo Dương Đức Nhuận. Ảnh: DĐN

 

Một buổi sáng đầu tháng Tư lịch sử, tôi có dịp gặp lại ông Phan Đức Luận- nguyên Giám đốc Sở Văn hóa –Thông tin tỉnh Kon Tum tại một quán cà phê nhỏ ở thành phố Kon Tum. Ông Phan Đức Luận là tác giả của nhạc phẩm “Về Đăk Tô”, mà tên gọi, lời nhạc cũng như ý nghĩa của nó gắn với lịch sử hào hùng của quân và dân huyện Đăk Tô nói riêng, quân và dân trong tỉnh nói chung trong chiến thắng vang dội Đăk Tô- Tân Cảnh vào tháng 4/1972.

Năm nay, ông Phan Đức Luận 77 tuổi, nhưng khi gợi lại kỷ niệm xưa khi đặt bút sáng tác bài hát “Về Đăk Tô”, tôi như thấy ông được sống lại một thời đạn bom, một thời hào hùng. 

Vào năm 1972, lúc đó ông Phan Đức Luận là chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Lào. Nghe tin chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, ông cùng đồng đội hết sức phấn khởi. Lúc bấy giờ, ông chỉ biết ở miền Nam Việt Nam có một chiến thắng vang dội, chứ chưa hình dung rõ hết về chiến thắng này.

Mang trong lòng ngưỡng mộ về chiến thắng của quân và dân tỉnh nhà, khi nước nhà thống nhất, ông Phan Đức Luận đã tìm về địa danh xưa, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân ngụy, quyết định số phận của cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh của Mỹ - Ngụy, nơi có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng ở  phía Bắc Kon Tum. Rồi nhiều năm sau chuyển sang làm ở ngành Tuyên giáo Gia Lai- Kon Tum (cũ), ngành Văn hóa- Thông tin tỉnh Kon Tum, có dịp tiếp cận thực tế nhiều lần trên chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh khi xưa và qua tìm hiểu các tài liệu trong Bảo tàng…, ông Phan Đức Luận mới biết rõ đâu là đồi Sạc Ly (Charlie - điểm cao 1015, nằm tiếp giáp giữa 3 huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi), đâu là sân bay Phượng Hoàng, đâu là đồi 42… Càng tìm hiểu, ông càng ngưỡng mộ và tự hào về ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm để đi đến ngày thắng lợi cuối cùng của quân và dân huyện Đăk Tô nói riêng, quân và dân tỉnh nói chung. Đây cũng chính là nền tảng, là nơi khơi nguồn cảm hứng để trái tim nghệ sĩ trong ông sau này rung lên, cho ra đời nhạc phẩm “Về Đăk Tô”. 

Theo dòng hồi ức, ông Phan Đức Luận kể, vào mùa Xuân năm 2002, thời điểm quân và dân huyện Đăk Tô đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, lúc ấy ông là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin đi chúc Tết cán bộ, nhân dân huyện Đăk Tô. Khi vào UBND huyện, ông gặp ông A Ngọc Mít, bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô. Trong lúc trò chuyện, ông A Ngọc Mít mới nói: “Anh viết về Đăk Tô một bài đi”. Thế là những cảm xúc giấu kín trong lòng bấy lâu, như tiếp thêm ngọn lửa thôi thúc ông viết một nhạc phẩm về Đăk Tô thân yêu.

Từ UBND huyện Đăk Tô, ông Phan Đức Luận dạo quanh Tượng đài chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, ông bỗng thấy đàn chim én bay lượn quanh tượng đài. Bấy giờ cảm xúc trong ông vỡ òa và những ý thơ, nốt nhạc về nhạc phẩm “Về Đăk Tô” được manh nha và hình thành.

“Chiều xuân về thăm Đăk Tô, lòng buâng khuâng nhớ bao kỷ niệm về một thời trai trẻ, về một thời đạn bom, về một thời gian khó”. Đây là những lời mở đầu cho nhạc phẩm “Về Đăk Tô”, khi tác giả Phan Đức Luận hồi tưởng và cùng đồng cảm với những người lính của một thời trai trẻ, hy sinh tuổi thanh xuân, đi qua chiến tranh với sự khốc liệt của đạn bom để làm nên một chiến thắng lẫy lừng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân miền Nam để nước nhà được thống nhất.

“Kìa Sạc Ly vẫn còn đó và Phượng Hoàng vẫn còn đây, đồi 42 trong nắng cháy, trong mưa bay, bụi thời gian vẫn không phai mờ”. Những địa danh xưa kia- nơi diễn ra những trận đánh ác liệt- được tác giả đưa vào ca khúc để khẳng định, minh chứng với lịch sử một thời hào hùng, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân huyện Đăk Tô, quân và dân tỉnh Kon Tum không phai mờ cho dù qua bao năm tháng.

“Sáng xuân nay, những cánh chim bay bên tượng đài chiến thắng, tràn niềm tin yêu thương, cùng dựng xây quê hương”. Đây là khổ nhạc cuối, tác giả Phan Đức Luận đã khẳng định từ nơi tàn phá khốc liệt của chiến tranh, trên mảnh đất đầy bom đạn xưa - màu xanh sự sống đang hồi sinh; một Đăk Tô thân yêu đã và đang được xây dựng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Nhạc phẩm “Về Đăk Tô” đã được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn trong các sự kiện quan trọng như kỷ niệm 100 năm Kon Tum.Đoàn nghệ thuật của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sư đoàn 10… cũng thường biểu diễn tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng và đều được giải cao từ tác phẩm này.

Ngoài nhạc phẩm “Về Đăk Tô”, tác giả Phan Đức Luận còn có nhiều đề tài viết về chiến tranh cách mạng như: “Nhớ Chư Ta Kra”; “Hãy đến Kon Plông”; “Bài ca về Măng Đen”; “Hát ở ngã ba biên giới”; “Thắm tình Bờ Y - Phu Cưa”; “Sa Thầy niềm tin yêu”… Nhưng nhạc phẩm “Về Đăk Tô” của ông sẽ đi cùng năm tháng, bởi nó gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng – Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác