24/09/2018 18:05
Trung thu ngày ấy, ở làng nhỏ quê tôi không có đoàn lân nào lai vãng. Không được coi múa lân đã đành, nhưng Trung thu chẳng có đồ chơi trẻ em nào được bày bán. Mâm cỗ trông trăng cũng chỉ là dăm ba món ăn và những chiếc đèn lồng giản dị do ba mẹ, người thân tự tay làm cho chúng tôi, nhưng ở đó dường như chứa đựng những nồng ấm thương hòa vào mênh mang cả trời thu tháng Tám.
Để chúng tôi có Tết Trung thu vui tươi, ba tôi sẵn sàng bỏ một ngày làm đồng để ở nhà chế tác lồng đèn cho chúng tôi. Ba đi tìm tre, chẻ nhỏ thành sợi rồi chuốt nhẵn, vuốt mềm đem uốn, xếp thành hình ngôi sao. Chúng tôi hý hửng xoa hồ dán, tham gia công đoạn sau cùng để hoàn tất hai cái lồng đèn bằng tre thô ráp. Dù không lấp lánh, nhưng trong đêm Trung thu khi thắp nến lên ngọn đèn vẫn lung linh, huyền ảo trong đôi mắt những đứa trẻ thơ ngây và điều quan trọng chúng tôi có món đồ chơi tham gia cùng bạn bè lối xóm với sự vui sướng, xen lẫn một chút tự hào...
Ngay từ những đêm trăng thượng huyền chúng tôi đã có trò để chơi. Khi trăng lên lấp ló sau bụi tre chúng tôi trải chiếu ra giữa sân để cả gia đình vui chơi. Đêm trăng non nên trời có nhiều sao, hết trò đếm sao, đố sao thì đến tiết mục kể chuyện. Ba tôi nhâm nhi ly trà, còn mẹ tôi thủ thỉ kể những câu chuyện cổ tích bắt đầu bằng cụm từ “ngày xửa ngày xưa”… như gieo vào chúng tôi sự ly kỳ, cuốn hút. Nào là chú Cuội, chị Hằng, cây đa, con trâu, cung Quảng Hằng... đầy vẻ huyền diệu. Cứ thế từng câu chuyện miên man đưa chúng tôi vào giấc ngủ…
Rồi vào cái đêm Trung thu, trăng tròn vành vạnh, đường làng, ngõ xóm cũng dường như sáng hơn bởi ánh trăng đêm rằm. Dưới khung cảnh làng quê trăng thu dường như ảo diệu, tuyệt vời...
Ngày đó, bằng tâm hồn trẻ thơ, tôi cứ nghĩ trăng quê tôi là đẹp nhất. Trăng đẹp không vì ánh sáng lung linh, mà bởi có bóng dáng của gốc đa, lũy tre, hàng cau xanh mướt. Sau khi rước đèn, chúng tôi tụ tập lại cùng nhau bày mâm cỗ Trung thu của mình. Ai có gì góp nấy, đứa có bánh nướng, đứa có bánh dẻo, người có bưởi, người góp hồng. Có đứa chẳng có bánh trái gì thì góp vui bằng những xâu hạt bưởi phơi khô hay những dây xúc xích bằng giấy thủ công xanh đỏ hoặc cái mặt nạ, cái trống cỏn con…
Mỗi miếng bánh, quả hồng, quả bưởi… đều trở thành món quà giản dị và thơm thảo của con cái dành cho cha mẹ, của anh chị em bạn bè gửi đến nhau lời chúc tốt đẹp nhân dịp tết đoàn viên…
Năm nay, tháng Tám phố xá lại rộn ràng những tiếng trống lân, ngập tràn sắc thắm của những hàng quán bày bán lồng đèn, bánh Trung thu. Đường sá tấp nập hình ảnh các bậc phụ huynh đưa con mình đi chơi tết, mua những món đồ chơi mà các em thích.
Dưới ánh trăng lung linh đêm rằm tháng Tám, các em được chơi những trò chơi thỏa thích và mơ ước những ước mơ tươi sáng cho ngày mai. Những câu chuyện về chú Cuội và chị Hằng Nga chưa bao giờ là xưa cũ với bao thế hệ trẻ thơ.
Nhưng đâu đó trong từng góc khuất của phố thị vẫn còn những em nhỏ không được may mắn, ngày ngày vẫn lặng lẽ mưu sinh. Trung thu với các em dường như còn xa vời, dẫu đã được các cấp các ngành và toàn xã hội quan tâm sẻ chia…
Trở về với những kỷ niệm thời thơ bé, hồi tưởng những trò chơi dân gian trong khung cảnh tết Trung thu truyền thống, tôi thầm cầu chúc cho trẻ thơ có đêm Trung thu vui vẻ, biết sẻ chia tình thương cho nhau; chúc cho những ước mơ của các em sẽ trở thành hiện thực.
Và hơn hết, tôi mong có thật nhiều sự quan tâm sẻ chia của xã hội, của các mạnh thường quân và các doanh nghiệp giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn có một cái tết Trung thu vui vẻ để lại cho các em “vầng trăng yêu thương” của thời thơ ấu.
Dương Lê