Vang mãi mùa Thu Cách mạng và tinh thần Quốc khánh

19/08/2023 06:10

Không có Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, người dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung không có cuộc sống như ngày hôm nay.

Lật lại hình ảnh người dân khi đất nước ta còn chìm đắm trong nô lệ với “Mặt người vất vả in sâu/Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn” như nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng diễn tả trong bài thơ “Hắc Hải”, chúng ta càng trân quý những thành quả của ngày hôm nay.

Từ trong đói nghèo, lạc hậu, từ “một cổ hai tròng” vì phải chịu nhiều ách đô hộ của bọn thực dân đế quốc và phong kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trên phạm vi cả nước, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Đổi mới trên quê hương Kon Tum. Ảnh: HỒNG LAM 

 

Đã 78 mùa Thu trôi qua, nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh vẫn còn âm vang mãi. Trong những ngày Thu đi dưới cờ đỏ sao vàng, sống trong không khí hòa bình ấm áp, được thừa hưởng những thành quả như ngày hôm nay mà bao thế hệ người Việt Nam hy sinh xương máu, nỗ lực xây dựng mới có được, chúng ta càng thấy công lao to lớn, vĩ đại của Đảng, Bác Hồ và các lãnh đạo tiền bối, các anh hùng liệt sĩ với non sông đất nước.

Tri ân Đảng, Bác Hồ và những người con ưu tú của dân tộc, tri ân các anh hùng liệt sĩ ngã xuống trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ và xây dựng tổ quốc, đòi hỏi mỗi chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình, nỗ lực làm việc, lao động sáng tạo, tự lực vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng cuộc sống ấm no, đất nước giàu mạnh, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn.

Trong ngày Thu, bà Y Vêng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tâm tình: Không có Đảng, không có cách mạng, đồng bào các dân ở tỉnh Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên và cả nước nói chung không có cuộc sống như ngày hôm nay. Bà cho biết quê mình ở làng Vang Tó, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà. Từ là vùng đất heo hút, ít người biết đến, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn và thiếu thốn, chính nhờ được cách mạng giác ngộ, gia đình bà và nhiều người dân trong làng sớm tham gia cách mạng. 

Và từng là cô bé khi chưa đầy 10 tuổi, nhưng bà Y Vêng đã đưa cơm cho cán bộ trong rừng. Lớn lên tí nữa, bà làm văn công đi biểu diễn ở nhiều nơi, rồi tham gia du kích và là chỉ huy du kích xã mưu trí, dũng cảm, kiên cường. Sau khi đất nước thống nhất, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện đi học, bà không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn thách thức của cuộc sống, từng bước trở thành một người lãnh đạo tỉnh có năng lực, có uy tín, có những đóng góp lớn cho sự đổi mới và phát triển của tỉnh.

Thành phố Kon Tum trong những ngày tháng Tám. Ảnh: VN    

 

Viết lên những dòng này để thấy thêm rằng, không có cách mạng, không có Đảng dẫn dắt soi đường, người dân Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung không thể có cuộc sống như ngày hôm nay.

Đi giữa những ngày Thu được hít thở không khí trong lành ở thành phố Kon Tum, tôi lại nhớ cách đây 30 năm khi mới lên Kon Tum công tác. Kon Tum ngày ấy còn là tỉnh nghèo lắm. Thị xã Kon Tum nhỏ như lòng bàn tay, đi xe đạp lòng vòng một thoáng đã khắp. Còn ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa chưa có đường ô tô, có thời điểm phải đi bộ vài ngày trời mới đến nơi. 

Có thể thấy, từ là một tỉnh nghèo khó, ít người biết đến, đến nay, Kon Tum đang trở thành một tỉnh trên đường phát triển. Các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đã và đang từng bước được khai thác và phát triển hợp lý. Không tính các giai đoạn trước, trong vòng 10 năm trở lại đây (2012-2022), kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên.

Quy mô của nền kinh tế tỉnh năm 2022 đạt 30.413 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2012, bình quân giai đoạn tăng trưởng 7,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người cải thiện rõ rệt, tăng khoảng 2 lần và đạt 52,44 triệu đồng/người năm 2022; thu ngân sách tăng khoảng 2,2 lần, đạt 4.050 tỷ đồng. Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 và kinh tế suy thoái, thu ngân sách tỉnh năm 2022 đạt được con số trên là một ấn tượng.

Nếu tính riêng trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 67.857 tỷ đồng, đạt 57,51% mục tiêu; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết năm 2023 ước đạt 4.500 tỷ đồng, đạt 90% mục tiêu; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,8 triệu đồng vào cuối năm 2023, đạt 82,53% mục tiêu.

Cùng với đó, diện mạo đô thị và nông thôn ở tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc. Thành phố Kon Tum được mở rộng và phát triển về nhiều hướng, trở thành đô thị loại II; cửa khẩu Quốc tế Bờ Y tiếp tục phát huy hiệu quả giao thương; Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen ngày càng thu hút mạnh các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng lên.

Cùng với cả nước, Kon Tum đang có những đổi thay vượt bậc.

Thật lạ, cứ mỗi lần nghĩ về mùa Thu, về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tôi như thấy mình được tiếp thêm năng lượng mới. Lời Bác Hồ đọc trên Quảng trường Ba Đình “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” vang mãi trong tôi.

Năm tháng qua đi, nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh vẫn còn vang vọng mãi. Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp hơn, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.                                    

Văn Nhiên

Chuyên mục khác