05/02/2018 14:04
Nhận thức vai trò hết sức quan trọng của công tác tư tưởng trong việc tổng động viên sức mạnh tinh thần, quyết tâm của quân và dân trong tỉnh, ngày 14/12/1967, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 46/VP về công tác tư tưởng phục vụ phương hướng chiến lược Xuân 1968.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành Tuyên huấn (nay là Tuyên giáo) gấp rút tiến hành công tác tuyên truyền, vận động cho cuộc tổng tiến công quy mô mang tên chiến dịch "2T" (tổng công kích, tổng khởi nghĩa), với tinh thần phấn khởi, quyết tâm cao nhất.
Ngành tổ chức các lớp học tập nghị quyết của Khu ủy V và Tỉnh ủy, nhất là tuyên truyền phát huy thắng lợi của chiến dịch Đăk Tô I (tháng 11/1967), tạo sự phấn khởi, tin tưởng của quân, dân trong tỉnh vào quyết tâm chiến lược của Đảng, thừa thắng xông lên với khí thế sôi nổi nhất.
Tờ báo “Giải phóng” của tỉnh (dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) đăng tải tin chiến thắng trên chiến trường, cổ vũ động viên các phong trào thi đua lao động sản xuất, gương người tốt, việc tốt nhằm động viên tinh thần, khí thế các lực lượng chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công.
Hoạt động tuyên truyền bằng panô áp phích, truyền đơn, biểu ngữ được đẩy mạnh ở khắp vùng căn cứ, hành lang nhằm động viên quân, dân dồn sức cho cuộc tổng tiến công với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”. Nhờ đó, tinh thần quần chúng ở vùng căn cứ phấn khởi chưa từng có, hăng hái dốc sức người, sức của phục vụ tiền tuyến; lực lượng vũ trang bám sát chiến trường, tiến sâu vào lòng địch, sẵn sàng xả thân hy sinh để làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt và thiếu thốn.
Đêm 29, rạng sáng 30/1/1968 (mồng Một Tết Mậu Thân), quân và dân Kon Tum đã cùng với quân và dân toàn miền Nam đồng loạt nổ súng, tấn công vào các trung tâm đầu não của địch tại thị xã Kon Tum và Đăk Tô -Tân Cảnh. Sau 30 phút chiến đấu quyết liệt, ngoại trừ Biệt khu 24 và cầu Đăk Bla, các lực lượng của tỉnh đã đánh chiếm và làm chủ hai phần ba thị xã Kon Tum, tiêu diệt 1.800 tên địch, phá hủy 250 xe quân sự, 26 máy bay và nhiều kho tàng đạn dược.
Do tương quan lực lượng và do ta không đánh chiếm được Biệt khu 24 nên địch đã dựa vào đây để củng cố lại lực lượng tiến hành phản kích. Sau gần một tuần làm chủ tình hình, ngày 6/2/1968, tất cả các lực lượng tham gia cuộc tổng tiến công rút khỏi thị xã Kon Tum về vùng căn cứ để củng cố lại lực lượng và chuẩn bị cho đợt tấn công mới.
Đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân chưa giành được thắng lợi quyết định; các cơ sở cách mạng trong nội thị bị địch khủng bố, truy bóc gần hết. Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, cho ngành Tuyên huấn lúc này là củng cố niềm tin, quyết tâm chiến đấu trước sự khủng bố của địch.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, ngành đã tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng; triển khai các đợt chỉnh huấn, tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, phương châm, đường lối của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước, học tập các nhiệm vụ, tiêu chuẩn của người đảng viên, của chi bộ đảng… nhằm nâng cao giác ngộ giai cấp vô sản, kiên định lập trường, tinh thần triệt để cách mạng, kiên định với đường lối, phương châm của Đảng.
Ban Tuyên huấn các cấp tổ chức học tập, quán triệt và triển khai sâu rộng các nghị quyết đầu năm 1968 của Tỉnh uỷ trong cán bộ, đảng viên. Trong đó, nhấn mạnh chủ trương, đường lối đúng đắn và sáng suốt của Đảng; tổng kết và làm rõ ý nghĩa thắng lợi của ta, thất bại của địch; quán triệt về tính chất, nhiệm vụ, phương châm, mục tiêu và công tác cụ thể trong giai đoạn tổng tiến công và nổi dậy, xác định quyết tâm chống Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Kon Tum đã giành được thắng lợi to lớn, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân tỉnh Kon Tum mở một cuộc tổng tiến công với quy mô lớn, đánh vào trung tâm đầu não của địch trên địa bàn tỉnh. Trên cục diện chiến trường chung của cả nước, đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở ra bước ngoặt mới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi đó có một phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên huấn. Bởi trước, trong và sau cuộc Tổng tiến công, công tác tuyên huấn luôn giữ vai trò “truyền lửa, giữ lửa” - góp phần giữ vững niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân vào đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng; giữ vững nhiệt huyết cách mạng để từ đó dốc sức chiến đấu đến ngày toàn thắng.
Trần Thị Sáu