Vài suy nghĩ về nghề Tuyên giáo

01/08/2019 06:00

Công tác Tuyên giáo đã được Đảng ta khẳng định là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống…
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giao ban báo chí hàng tháng chỉ đạo định hướng công tác tuyên truyền, thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh. Ảnh: MT

 

Với nhận thức trên, rõ ràng, công tác Tuyên giáo là một “nghề” đặc thù, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Do đó, để hành “nghề” tốt, đòi hỏi đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo của Đảng bên cạnh việc phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao mà còn phải có cả nghệ thuật trong quá trình tác nghiệp.

Trong phạm vi bài viết, dưới góc độ là người công tác trong Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gần 30 năm, xin có vài suy nghĩ làm gì để đội ngũ báo cáo viên, người làm công tác tuyên truyền miệng phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn trong tình hình mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Còn nhớ cách đây gần 30 năm, các chú, các anh trong Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đi dự họp ở Trung ương về giao cho lớp trẻ chúng tôi một xấp băng ghi âm, và nhiệm vụ của chúng tôi là “bóc băng”. Trên cơ sở nội dung được “bóc băng”, các chú, các anh đi nói chuyện thời sự, đi báo cáo viên trong một tư thế người “độc quyền thông tin”, chúng tôi rất tự hào ngồi dưới nhìn đại biểu nghiêm túc và thú vị ghi chép từng thông tin mới, hấp dẫn… Ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin; thông tin được cập nhật hàng giây và được khai thác trên internet và mạng xã hội phong phú, đa chiều… đặt ra thuận lợi lớn nhưng cũng không ít khó khăn cho người làm công tác tuyên truyền miệng. Thuận lợi là, chúng tôi bây giờ chỉ cần nhấp chuột vài lần là đã có một lượng thông tin khổng lồ phục vụ cho nhu cầu cần tuyên truyền; thậm chí, khi cần giải thích, nói rõ một vấn đề nào đó thì “nhờ” Google là xong. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thông tin chúng tôi có được không còn “độc quyền”; có chuyện, có việc còn chậm hơn mạng xã hội.

Vậy, người làm tuyên truyền cần làm gì để thu hút người nghe?

Thứ nhất, cần có con người đủ tâm và đủ tầm. Tâm thể hiện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống…; điều này thì trong hệ thống Tuyên giáo của Đảng lâu nay luôn được chú trọng. Còn cái Tầm thì phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng. Ai đó đã đúc kết, phải đọc mười mới hiểu một; phải hiểu mười mới nói được một. Nghĩa là, để nói được một, anh phải đọc một trăm, đọc rất nhiều tài liệu, kiến thức. Do đó, người làm công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên phải tự mình tích lũy kiến thức, tự nâng tri thức của mình lên để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thứ hai, người làm công tác tuyên truyền phải có năng lực tổng hợp thông tin, phân tích thông tin và dự báo thông tin hay định hướng thông tin (trên cơ sở thông tin chính thống từ cơ quan chức năng). Khi thông tin được tổng hợp (theo chiều dọc hay chiều ngang); khi thông tin được phân tích đâu là đúng, đâu là chưa đúng và được định hướng rõ ràng, thuyết phục… sẽ thu hút người nghe, khắc phục được tình trạng nhàm chán khi đưa thông tin đến với người nghe - cái mà họ đã biết rõ, thậm chí một số việc biết trước…

Thứ ba, người làm công tác tuyên truyền bên cạnh chuẩn bị tốt cho mình lối diễn đạt dễ nghe, dễ hiểu thì còn cần phải thường xuyên gắn với công việc “viết lách”. Kinh nghiệm cho thấy, người viết nhiều, viết tốt sẽ hỗ trợ đắc lực cho nói…

Nguyễn Phi Em

Chuyên mục khác