18/10/2017 13:00
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai nội dung công việc được ủy thác cũng như đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, như: Tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đưa chỉ tiêu giúp hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững thành một tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên rà soát đối tượng hội viên, phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn ưu đãi từ nguồn tín dụng chính sách, hướng dẫn chị em sử dụng vốn đúng mục đích gắn với nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp chính quyền và ban, ngành chức năng trong tuyên truyền, tập huấn và định hướng sử dụng vốn vay có mục đích gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, tìm đầu ra cho sản phẩm ...
|
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách hoạt động uỷ thác và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (tổ TK&VV) về kiến thức, kỹ năng về quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả và bảo toàn nguồn vốn. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng, quản lý vốn vay; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích, xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Bên cạnh đó, cơ chế ủy thác còn tạo điều kiện cho cán bộ Hội tham gia quản lý tốt nguồn vốn, tạo nguồn kinh phí để các cấp Hội thực hiện kiểm tra, giám sát, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý tín dụng và lồng ghép triển khai các chương trình, kế hoạch của Hội như: phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hoạt động tiết kiệm, thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới….
Đến nay, tại 102/102 xã, phường, thị trấn đều có hoạt động ủy thác qua Hội, với 661 tổ TK&VV (trong đó có trên 70% tổ TK &VV xếp loại tốt). Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại 100% cơ sở Hội, tổ TK&VV và hộ vay; 7.560 lượt cán bộ Hội và tổ trưởng tổ TK&VV được tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng quản lý vốn. Từ ủy thác 01 chương trình tín dụng hộ nghèo năm 2004 với hơn 55 tỷ đồng, đến nay các cấp Hội đã ủy thác 15/15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ hơn 884,197 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 2004, cho 26.936 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn (bình quân mỗi hộ dư nợ gần 33 triệu đồng); tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 2,8% (năm 2011) xuống còn 0,31%; tỷ lệ thu lãi qua từng năm tăng từ 95% (năm 2005) lên 98%; huy động tiết kiệm từ 23.533 thành viên tại 659 tổ TK&VV với số dư tiết kiệm đạt trên 40 tỷ đồng. Hội LHPN luôn là đoàn thể đảm nhận nguồn vốn ủy thác lớn nhất qua các tổ chức chính trị -xã hội, hiện nay chiếm gần 50% tổng dư nợ ủy thác.
Với phương thức ủy thác, sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội LHPN các cấp trên địa bàn, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn nhanh chóng để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ. Từ số vốn được vay của Ngân hàng thông qua ủy thác và hỗ trợ của Hội, phụ nữ được vay vốn đã tích cực cùng các thành viên trong gia đình lao động sản xuất, học tập và ứng dụng kiến thức mới, giảm nghèo có hiệu quả. Qua đó, đã giúp được hơn 2.269 hộ phụ nữ thoát nghèo, tạo cơ sở cho nhiều chị em phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, điển hình như: chị Y Bắp -Hội LHPN xã Tê Xăng- huyện Tu Mơ Rông; chị Y Ró- Hội LHPN xã Măng Cành, huyện Kon Plông; chị Trương Thị Năm- hội viên phụ nữ xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà; chị Trần Hoàng Ngọc Tuyết - hội viên xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei; chị Y Trung- hội viên xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô…
Thông qua hoạt động ủy thác, các cấp Hội đã phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em nâng cao tính tự chủ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, gắn hội viên với Hội, với chính quyền. Đồng thời, đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chỉ tiêu thoát nghèo của địa phương. Ghi nhận kết quả 15 năm thực hiện hoạt động ủy thác của các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở, đã có 3 tập thể và 7 cá nhân được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Kon Tum khen thưởng.
Phong Lan