Uống chung dòng nước Mê Kông

02/11/2018 13:21

​Việt Nam, Lào và Campuchia có vị thế địa lý, chính trị hết sức quan trọng, là điểm giao thoa, cầu nối của lục địa Châu Á. Ba nước anh em cùng uống chung dòng nước Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử truyền thống; đặc biệt là tình đoàn kết trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trong hợp tác hữu nghị xây dựng và phát triển kinh tế…

Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp từ lâu đời, những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam - Lào không ngừng được hai Đảng, hai Nhà nước vun đắp, phát triển và đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt, trong sáng, thủy chung; xứng đáng với niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phom-Vi-Hẳn từng căn dặn: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. 

Việt Nam và Campuchia cũng đã từng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử. Trong những thời khắc khó khăn nhất, chính phủ và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, đoàn kết cùng nhau chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình. Đến hôm nay, mối quan hệ gắn bó keo sơn tiếp tục được khẳng định bền vững trên lĩnh vực hợp tác an ninh cũng như phát triển kinh tế, Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tặng tiền, hàng cứu trợ cho chính quyền tỉnh Attapư-Lào trong đợt vỡ đập thủy điện vừa qua. Ảnh: D.Đ.N

 

Sự gắn bó keo sơn, hữu nghị ấy còn thể hiện qua những minh chứng lịch sử không thể phai mờ trong ký ức của những người dân Campuchia trong thời kỳ đất nước Ăng Ko tươi đẹp bỗng chốc chìm trong khói lửa bởi bàn tay diệt chủng của bè lũ phản động Pôn Pốt, Ieng Sary…

Vào thời điểm đó, khắp nơi trên đất nước chùa tháp chỉ có đau thương, máu và nước mắt. Dưới bàn tay tàn bạo của bọn diệt chủng Pôn Pốt, trên tuyến biên giới Rattanakiri và Kon Tum có 2.000 người dân của 12 làng thuộc huyện Vơn Say và Tà Ven (tỉnh Rattanakiri) chạy sang Kon Tum lánh nạn và đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện bố trí tạm cư tại địa bàn Ya Poóc (thuộc hai xã Rờ Kơi - Mô Rai, huyện Sa Thầy).

Tại đây, người dân Campuchia sống trong sự cưu mang, đùm bọc đầy nghĩa tình của chính quyền và người dân tỉnh Kon Tum… cho đến ngày chế độ diệt chủng bị các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam kề vai sát cánh với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiêu diệt vào năm 1979…

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, tình đoàn kết, hữu nghị chính là tài sản vô giá của ba đất nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Điều này, đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam vào tháng 3/2018: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Ba Thủ tướng đều quyết tâm chụm lại, đoàn kết, thương yêu và làm hết sức mình để xây dựng tình cảm đoàn kết, xương máu của ba dân tộc Campuchia - Lào - Việt Nam đã vun đắp.”

Tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia chính là tài sản quý báu để chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân ba nước nói chung, các tỉnh Kon Tum, Attapư, Sê Kông, Rattanakiri nói riêng tăng cường mối quan hệ hợp tác, đoàn kết cùng phát triển.

Tỉnh Kon Tum có tuyến biên giới dài trên 150km tiếp giáp với tỉnh Sê Kông, tỉnh Attapư (Lào) và gần 140km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia) nên càng có mối quan hệ hữu nghị bền chặt lâu đời, gắn bó, keo sơn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum cùng các tỉnh Sê Kông, Attapư và Rattanakiri luôn đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Những năm tháng đồng cam cộng khổ, đối mặt với bao mất mát, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng ấy không thể nào nhạt phai trong ký ức của nhân dân 4 tỉnh.

Bước vào thời kỳ hòa bình, hợp tác và phát triển, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang 4 tỉnh bên ngã ba biên giới tiếp tục thể hiện nguyện vọng đoàn kết, hữu nghị thông qua nhiều hoạt động thiết thực, như trao đổi đoàn cấp cao thường niên; gặp gỡ, hội đàm, ký kết các văn bản hợp tác bảo vệ an ninh biên giới, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch; lấy hiệu quả từ hợp tác phát triển khu vực cửa khẩu và khu vực biên giới làm điểm nhấn để phát triển ra các vùng phụ cận.

Trong gần 10 năm qua, từ năm 2008 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người là nhân dân các tỉnh Sê Kông, Attapư và Rattanakiri với kinh phí hàng trăm triệu đồng…

Các tỉnh bạn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư phát triển kinh tế, thương mại…, góp phần làm cho tình đoàn kết anh em, mối quan hệ hữu nghị truyền thống láng giềng ngày càng trở nên thân thiết.

Tình đoàn kết, hữu nghị giữa các tỉnh Sê Kông, Attapư và Rattanakiri với tỉnh Kon Tum còn được thể hiện rõ nét trong hành trình tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn trong kháng chiến chống Mỹ và trong thực hiện nhiệm vụ Quốc tế.

Với sự giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của các tỉnh bạn, đến nay, Đội K53 tỉnh Kon Tum đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 1.259 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 872 hài cốt liệt sĩ ở Lào và 387 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia.

Và vẫn còn rất nhiều những câu chuyện lay động lòng người vẫn chưa được kể hết. Mỗi khi nhắc tới mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa giữa ba nước Đông Dương, bất cứ ai trong chúng ta đều cảm nhận sự sâu sắc và đậm chất nhân văn của mối tình đoàn kết láng giềng được vun đắp từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Hôm nay đây, những câu chuyện đó đang thực sự tạo sức lan tỏa rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của ba nước ngày càng hiểu đúng đắn về mối quan hệ đặc biệt này, góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác