Ươm mầm tài năng

20/02/2018 07:43

​Thầy giáo Hồ Hữu Sơn ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Kon Tum) là người ươm mầm cho những tài năng lứa tuổi thanh thiếu niên say mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật được tỏa sáng. Nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học của các thế hệ học sinh nhà trường được Bộ GD&ĐT, Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nghiệm thu đánh giá cao về giá trị, mang tính ứng dụng thực tiễn và được trao các giải cao cấp quốc gia.

Truyền lửa đam mê

“Thành công sẽ có trong tầm tay vào ngày mai hoặc ngày kia thôi, nếu chúng ta kiên trì làm việc, cố gắng hơn nữa nghiên cứu, nắm bắt ý tưởng để sáng tạo nhé. Còn những gì của ngày hôm qua, mỗi bạn vẫn làm dang dở, ngập ngừng chưa bằng lòng với sự sáng tạo đạt được thì nên gạt bỏ và bắt đầu bằng cái mới trên nền tảng cao hơn” - mở đầu ngày làm việc mới cùng nhóm học sinh đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, thầy giáo Hồ Hữu Sơn đã động viên như thế.

Sau câu nói của thầy giáo, các em bắt đầu đưa ra đề xuất: “Thầy ơi, em vẫn thiếu phần mềm công nghệ này chưa tìm được trên Google. Thầy cho nợ nhé, em bắt tay vào việc khác nhé?!”. “Thầy ơi, con chíp (vi mạch điện tử - PV) này, em đã tạo phần mềm hệ thống xử lý định vị hỗ trợ lái xe an toàn, nhưng chưa hiệu quả lắm. Em đã nghĩ ra ý tưởng khác hay hơn, thầy cho làm lại nhé, nhưng phải delete (xóa) phiên bản cũ. Thầy đồng ý nhé…”.

Em Nguyễn Anh Khoa (mặc áo trắng) đạt giải nhì cấp quốc gia cuộc thi sáng tạo KHKT năm 2017, đang giúp đỡ tân binh Khuê lắp ráp sản phẩm sẽ đưa đi dự thi năm 2018. Ảnh: M.T

 

Đứng trên bục giảng, lắng nghe học trò ý kiến, thầy Sơn liên tục Ok…Ok và Ok, các em cứ làm đi, thầy đang nhìn đây này.

Cứ thế, không gian phòng thí nghiệm bất chợt như ong vỡ tổ, rồi cũng bất chợt im ắng, mỗi cá nhân bắt tay vào việc, khởi động máy vi tính cá nhân, bắt đầu lôi những ốc vít, kềm, kẹp, máy hàn điện tử siêu nhỏ bày biện lên bàn làm việc.

Hơn 30 năm làm nghề giáo, từ năm 2010 trở lại đây, thầy Hữu Sơn được giao nhiệm vụ dạy môn Toán tin ứng dụng ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Ở đây, thầy đã miệt mài ở những phòng thí nghiệm, phòng lab, động viên nhiều thế hệ học trò đến với nghiên cứu, say mê sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Kỷ niệm của thầy trò còn đọng lại là những đêm khuya, lẫn ngày nghỉ, học trò loay hoay thí nghiệm mô hình này, chỉnh sửa bản thiết kế phần mềm tin học kia để thầy quan sát, làm giám khảo đánh giá bản hoàn thiện sản phẩm ban đầu.

“Các em có sản phẩm hoàn thiện, nhưng khi đưa ra kết quả chưa thật sự xuất sắc theo đúng ý tưởng các em xây dựng ban đầu. Có học sinh đã đề nghị với thầy phá bỏ, nghiên cứu lại từ đầu. Tôi sẵn sàng cho các em lời khuyên, sẵn sàng đồng ý chờ mong sự hoàn thiện cao hơn của sản phẩm cuối cùng” - thầy Sơn tâm sự.

Say sưa nghiên cứu khoa học cùng học sinh, thầy Sơn không hề tiết lộ về sự nhọc nhằn của bản thân và cả công sức, trí tuệ, vật chất bảo trợ cho công tác này. Thầy chia sẻ: Mỗi sản phẩm sáng tạo khoa học, sáng tạo kỹ thuật của học sinh hoàn thành, trước hết thể hiện sự tự tin và tư duy suy nghĩ, phương pháp làm việc độc lập của cá nhân từng em. Các dự án do các em sáng tạo đều có ý tưởng, mục đích mang tính nhân văn sâu sắc, có đóng góp cho ứng dụng thực tiễn xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. Điều này là sự thành công trong giáo dục học đường, nhằm phát huy, phát triển cao nhất năng lực, tài năng sẵn có của học sinh.

Với cách nghĩ như thế, mỗi công đoạn hoàn thiện sản phẩm của các em học sinh, thầy đều đề nghị nhà trường quan tâm, lấy thành tích này làm cơ sở cộng điểm tuyên dương, ghi nhận đóng góp vào các phong trào thi đua ở trường học.

 

Tài năng tỏa sáng

“Thầy luôn động viên, khuyến khích tụi em tìm tòi, đưa ra ý tưởng mới, thử nghiệm, rồi tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm đối với từng sản phẩm sáng tạo khoa học mà cả nhóm, hoặc cá nhân đề xuất xây dựng đề cương ban đầu” - em Nguyễn Anh Khoa học sinh lớp 12 Hóa đã dành những lời ngưỡng mộ, khi nói về thầy giáo Hồ Hữu Sơn.

Khoa còn thông tin nhờ có thầy, các anh chị khóa trước đã đạt nhiều thành tích cao trong những sân chơi tranh tài lĩnh vực công nghệ thông tin, về sáng tạo khoa học kỹ thuật tầm quốc gia nên em đã đạt được những thành tích nhất định. Cụ thể, năm 2010, các anh Phan Thanh Thanh và  Nguyễn Văn Thế đạt giải Đặc biệt dự án “Phần mềm trò chơi điện tử Vua Cỏ lau”, tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 7. Năm 2017, cũng ở cuộc thi trên được tổ chức lần thứ 13, hai học sinh Lê Nguyễn Ngọc Thạnh và Nguyễn Thanh Trung được trao giải Nhất sản phẩm “Máy đọc tài liệu dành cho người khiếm thị”… Riêng Khoa được trao giải Nhì cấp quốc gia ở sản phẩm “Hệ điều hành đám mây KTOS” và có suất tuyển thẳng vào trường đại học top đầu đang chờ em chọn vào mùa tuyển sinh 2018.    

Khoa rất tâm đắc khi nói về môi trường nghiên cứu khoa học trong nhà trường, những sản phẩm sáng tạo cá nhân, hay của nhiều thế hệ học sinh đã từng làm ra, đều có sự gợi mở của thầy Sơn trong việc xây dựng ý tưởng ban đầu.

“Ở Việt Nam, tốc độ phát triển của internet ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ứng dụng các tiện ích đám mây phục vụ ứng dụng hoạt động chưa nhiều, chưa được phổ biến rộng rãi. Em đã nghiên cứu, xây dựng KTOS – một hệ điều hành điện toán đám mây thuần Việt giúp người Việt Nam tiếp xúc và sử dụng nền tảng mới mẻ đang phát triển mạnh này” - Khoa nói.

Theo Khoa, hệ điều hành đám mây thường được hiểu theo khái niệm là hệ điều hành web. Tức là những ứng dụng, tập tin, văn bản đều được lưu trữ ở một máy chủ từ xa (server) và người dùng (client) có thể truy cập chúng ở bất cứ đâu có internet. KTOS đều có thể cài đặt trên mọi thiết bị từ điện thoại đến máy tính, các thiết bị nhúng và IOT. Người dùng sử dụng nó trong nhiều lĩnh vực như học tập, điều khiển các thiết bị tự động trong ngành sản xuất, lập trình, giải trí...

Em cũng cho biết, vào tháng 8/2016, máy chủ KTOS đã được mở để cho cộng đồng Việt Nam sử dụng thử nghiệm. Các kết quả, nhận xét phản hồi tốc độ truy cập rất nhanh, khá thú vị với hơn 10.000 lượt truy cập vào máy chủ KTOS. Đa số người dùng đều sử dụng dịch vụ đám mây và các tiện ích giải trí và học tập.

Ngoài sản phẩm ưu việt của Khoa, dự án “máy đọc tài liệu dành cho người khiếm thị” của hai học sinh Trung và Thạnh cũng xuất phát từ những suy nghĩ tích cực sẽ giúp người khiếm thị dễ dàng tiếp xúc hơn với các văn bản điện tử rất phổ biến hiện nay. Sản phẩm này được xây dựng trên board mạch xử lí ardunio, lập trình với ngôn ngữ C và C++.  Với công dụng đọc các văn bản trên máy tính và xuất ra dưới dạng bảng chữ Brallie, người sử dụng lưu trữ các văn bản trong USB và đọc bằng cách cảm nhận bằng tay trên bề mặt máy.

Nhóm học sinh đnag nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm Kem trị bỏng từ thân và lá cây mả đề. Ảnh: M.T

 

Ở sản phẩm này, thầy Sơn cho biết, các em đã lấy ý tưởng xuất phát từ thực tế khoảng 285 triệu người khiếm thị trên thế giới vẫn thiếu rất nhiều nhu cầu về học tập và phát triển. Trong đó, sách báo, audio dành riêng cho người khiếm thị khó tìm kiếm và hạn chế, các em muốn làm một chiếc máy đọc sách điện tử cho người khiếm thị. Máy tài liệu hoàn thành có các chức năng cơ bản như nhận dạng và hiển thị văn bản, số trang, lưu trữ được thông tin từ lần đọc trước. Thiết kế có thể cầm trên tay và di chuyển gọn nhẹ.

Tiếp nối những sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật mang tính ứng dụng cao và đạt giải vang dội các năm qua, những “tân binh” tự hào cho biết, với sự giám sát, thẩm định tận tình của thầy Sơn, các em đang gấp rút hoàn thiện một số dự án, sản phẩm để kịp tham dự các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở GD&ĐT, Liên hiệp các Hội Khoa học tỉnh tổ chức vào đầu năm 2018.

Cụ thể, sản phẩm “Máy hỗ trợ đọc sách ký tự quang học” của học sinh Trần Quốc Khuê lớp 12 Hóa, mục tiêu dự án cũng chọn đối tượng người khiếm thị để hướng đến, tạo cơ hội cho họ hội nhập trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0; nhóm học sinh Tô Thanh Xuân - Đinh Thị Thảo Nhi lớp 11 Hóa, với sản phẩm: “Kem bôi bỏng từ lá cây mã đề”; nhóm Chu Thanh Tùng - Bùi Đình Nguyên Khoa lớp 11 Lý, có dự án: “Hệ thống lái xe an toàn”…  

Nhà giáo ưu tú Phan Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nhận xét: Giáo viên Hồ Hữu Sơn phụ trách môn Tin học ứng dụng đã  giúp các em học sinh yêu thích nghiên cứu, sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Giai đoạn 2010 - 2017, nhà trường đã có hơn 20 sản phẩm của học sinh đạt các giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia về sáng tạo khoa học kỹ thuật. Không chỉ tìm kiếm, phát huy tài năng học sinh, thầy Sơn còn tự nghiên cứu, đạt giải “Ấn tượng hội nhập” tại cuộc thi Nhân tài đất Việt vào năm 2005 với sản phẩm “Phần mềm hệ thống chấm thi trắc nghiệm bằng scanner”.

Mai Trâm

Chuyên mục khác