Ước mơ “mùa” Covid

10/04/2020 06:06

Kể từ khi đọc được dòng tâm trạng của người bạn đang làm nhiệm vụ chống dịch ở huyện biên giới Ia H’Drai trên zalo, tôi đã luôn tự dằn vặt mình về việc từng phàn nàn rằng “những ngày thực hiện cách ly xã hội là khoảng thời gian chán ngắt và buồn tẻ”.

Đã không ít lần tôi phàn nàn với bạn bè trong nhóm zalo rằng, những ngày thực hiện cách ly xã hội sao mà dài đằng đẵng, chán ngắt và buồn tẻ.

Cũng không ít buổi sáng, khi thong dong thức dậy, ăn sáng, uống cà phê trong sân nhà, tôi lại ước nhanh đến ngày được “sổ lồng”, tha hồ tung tẩy trên phố. Sáng ra ghé vào ăn ở những quán quen thuộc, rồi tán gẫu với bạn bè trong quán cà phê góc phố nào đó.

Tất nhiên, cũng như bao người, kể từ khi dịch bệnh Covid- 19 bùng phát, tôi thường sống trong sự thay đổi tâm trạng thất thường. Có khi lo lắng, rồi hồi hộp mỗi lần đọc tin tức về số ca nhiễm bệnh; có lúc tiêu cực khi số lượng ca bệnh tăng, và bực bội khi đọc những thông tin về các hành vi vi phạm, nhất là khai báo không trung thực, trốn cách ly, không đeo khẩu trang nơi công cộng hay tụ tập đông người trong thời gian cách ly xã hội…

Nhưng tựu trung lại, những ngày cách ly luôn dài đằng đẵng khiến tôi thường có những ước mơ mà trước kia không có.

Còn bạn tôi, một trong những người đang căng mình ngăn dịch bệnh nơi biên giới đầy khó khăn, gian khổ, lại có một ước mơ hết sức đơn giản.

 “Ước mơ của mình bây giờ chỉ là được ngủ một giấc thật sâu” - đêm qua, 8/4, anh viết trên trang cá nhân. Suốt từ giữa tháng 3 đến nay, anh bám trụ ở huyện biên giới Ia H’Drai để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chưa một lần về nhà.

Các đồng nghiệp của tôi cũng vậy, nhiều ngày qua không có một giấc ngủ cho ra ngủ. Chúng tôi không được về nhà, chỉ có thể "gặp" vợ, chồng, con và người thân qua màn hình điện thoại - anh chia sẻ. 

Kể từ khi đọc được dòng tâm trạng của anh, tôi đã luôn tự dằn vặt mình. Rõ ràng ước mơ của tôi đã cho thấy sự ích kỷ cá nhân. Và dù không biết có bao nhiêu người xung quanh có những ước mơ ích kỷ như tôi, nhưng chắc rằng không ít.  

Lần anh bạn về nhà gần đây nhất cũng đã gần 1 tháng. “Tôi định sẽ rào lại mảnh đất bên hông nhà để vợ trồng rau ông ạ” - anh nói. Nhưng ít phút sau lại thấy chiếc xe phủ đầy bụi đỏ đỗ xịch trước cổng và anh tất tả xách túi đi ra.

Từ hôm ấy đến nay, chưa thấy anh về lại.

Sau đó, trên trang cá nhân của mình, anh viết “Tôi đã nói với gia đình rằng, có thể chúng tôi sẽ khó có thể gặp nhau trong nhiều tuần tới, thậm chí có thể vài tháng tới. Dù mọi người đều mỉm cười nói “không sao, chỉ cần chiến thắng dịch bệnh, an toàn về nhà là được”, nhưng tôi đọc được sự kìm nén nỗi buồn trong ánh mắt mỗi người”.

Huyện Ia H’Drai có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, đường biên giới với nước bạn Campuchia dài nên công tác phòng dịch gặp rất nhiều khó khăn. Có những khu dân cư cách trung tâm 40-50km đường rừng, hoặc lênh đênh giữa lòng hồ thủy điện. Dù khó khăn đến mấy các anh cũng phải vào tận nơi, gõ từng nhà.

Đặc biệt, có 2 yếu tố dịch tễ rất đáng quan ngại, một là số lượng người dân, công nhân của các doanh nghiệp trồng cao su về quê trở lại làm việc khá đông; hai là có nhiều đường ngang, lối tắt tự phát ở khu vực biên giới, trong khi Campuchia cũng là nước có dịch bệnh. Nếu không kiểm soát tốt 2 yếu tố dịch tễ này thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập địa bàn là rất cao.

Cán bộ, nhân viên y tế huyện Ia H'Drai lặn lội đến từng khu dân cư tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid- 19. Ảnh: HL

 

Giám sát công tác phòng chống dịch bệnh ở các cơ quan, đơn vị. Ảnh: HL

 

Công tác y tế dự phòng luôn phải đi trước. Người ta chưa động, mình đã phải chạy - không ít lần anh tự trào về nghề của mình như thế. Vì vậy công việc cứ cuốn anh đi.

Và hơn ai hết, anh cũng hiểu, do đặc thù công việc, những người ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh có khả năng nhiễm bệnh cao nhất. Để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, họ phải chấp nhận làm việc trong điều kiện “cô đơn” - cách nói hình tượng nhất, kể cả khi chưa thực hiện cách ly xã hội.

Khi nghe nói tôi chuẩn bị đi công tác ở huyện biên giới Ia H’Drai, chị vợ của anh thập thò đứng trước cổng, tay dắt con, tay lỉnh kỉnh xách túi lớn, túi nhỏ. Cô ngập ngừng nói: Anh lên huyện, cho em gửi ít đồ lên cho anh ấy. Cả tháng nay không về, quần áo chỉ có vài bộ mặc đi mặc lại. Tội nghiệp.

Bé gái ngước đôi mắt đen láy nhìn tôi, chìa ra bức vẽ với những nét chì dù nghệch ngoạc nhưng vẫn nhìn ra bữa cơm gia đình với bố, mẹ và bé. “Con gửi cho bố. Ước gì bố được về nhà với con cuối tuần này”. Mẹ bé cười như mếu: Cuối tuần này là sinh nhật cháu anh ạ.

Tôi lặng lẽ xách mấy túi đồ vào nhà, trong đầu cồn lên ý nghĩ: Có thể anh ấy sẽ buồn khi không thể mừng sinh nhật với con gái, nhưng tôi tin anh ấy sẽ tự hào vì đang góp sức để bảo vệ gia đình mình khỏe mạnh.

Ngày đêm trực kiểm tra y tế đối với người ra vào địa bàn. Ảnh: HL

 

Ngành Y tế với những chiến sỹ tuyến đầu cùng lực lượng vũ trang đang ngày đêm căng mình ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào tỉnh. Nhờ họ, tôi tin dù dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, nhưng sẽ được kiểm soát hiệu quả và chúng ta sẽ an toàn. Khó khăn rồi sẽ đi qua, lúc này, hạn chế tiếp xúc xã hội, tuân thủ triệt để các quy định về phòng chống dịch bệnh của chính quyền là điều chúng ta có thể làm để bảo vệ những người thân yêu.

Và cũng là để nhanh đến ngày các anh có được giấc ngủ thật sâu!

Hồng Lam

 

Chuyên mục khác