Ứng xử với Covid

18/08/2020 06:07

Khác với “làn sóng thứ nhất”, đợt bùng phát này- có thể tạm coi là làn sóng mới- người dân Kon Tum đón nhận với tâm thái bình tĩnh hơn. Nhưng đâu đó, tôi thấy thấp thoáng những biểu hiện của sự chủ quan, của sự lơi lỏng cảnh giác. Điều này sẽ đem lại những bất lợi trong phòng, chống Covid- 19 hiện nay, vốn đang diễn biến phức tạp và khó lường.

Tôi trở thành “trọng tài” một cách bất đắc dĩ cho cuộc tranh luận giữa 2 cô gái trẻ xung quanh vấn đề “sợ hãi hay không sợ hãi là đúng” trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid- 19.

Một cô kể đón tin dịch bệnh bùng phát trở lại với sự bình tĩnh, không sợ hãi. “Sau 99 ngày không có dịch trong cộng đồng, Việt Nam xuất hiện hàng chục ca lây nhiễm chưa rõ F0 là một điều đáng lo ngại, nhưng cũng không bất ngờ vì thời gian này, dịch vẫn đang hoành hành nhiều nước”- cô phân tích.

Chính vì bình tĩnh, không sợ hãi nên cô đã làm được nhiều việc để “góp sức phòng, chống dịch hiệu quả”- như cách nói của cô.

Cô tích cực tuyên truyền, vận động những người xung quanh mình giữ bình tĩnh và cứ làm tốt việc của mình. Ai đi làm vẫn đi làm, ai đi học cứ đi học, không di chuyển nhiều nơi, không tụ tập đông người, khai báo y tế trung thực… Và nhất là không tung tin đồn hay chia sẻ tin đồn nhảm.

Khi gần nhà có người từ Đà Nẵng về, trong xóm xuất hiện tình trạng “kỳ thị”, cô đã thuyết phục đi khai báo y tế, chấp nhận đi cách ly tập trung.

Nếu như sợ hãi, em sẽ không làm được như vậy - cô kết luận.

Cô gái còn lại thì cho hay, khi nghe tin Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, sau đó xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố khác, bản thân cô đã khá sợ hãi, nếu không muốn nói là hoảng loạn.

Thực hiện nghiêm khai báo y tế góp phần phòng chống Covid-19 hiệu quả. Ảnh: HL

 

Lúc nào mình cũng có cảm giác mất an toàn. Và xung quanh mình luôn tiềm ẩn mầm bệnh, nên từ chối gặp bất cứ người nào mình không nắm bắt được lịch sử di chuyển của họ. Nỗi sợ khiến cuộc sống thật ngột ngạt.

Nhưng theo cô, cũng chính vì sợ hãi mà cô đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo rằng, cô và người thân được trang bị những kiến thức cơ bản nhất, tuân thủ nghiêm túc nhất các quy định về phòng chống Covid. Hạn chế tối đa ra khỏi nhà, không tiếp xúc với người lạ, luôn đeo khẩu trang là những quy định mà cô yêu cầu người nhà phải thực hiện đúng mỗi ngày. 

Và như thế, là góp phần phòng, chống dịch bệnh, không để Covid-19 lây lan ra cộng đồng một cách thiết thực nhất - cô khẳng định

Còn chú? chú có sợ không? Cô chợt quay sang hỏi tôi, qua lớp khẩu trang y tế và nhìn tôi chăm chú sau lớp kính mắt dày cộm.

Phải công nhận rằng, tôi đã từng sợ hãi khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát với tính chất nguy hiểm và diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Số liệu thống kê về số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong (dù nguyên nhân chính là gì đi chăng nữa) làm tôi nghẹt thở mỗi sáng.

Tôi dừng những phút  uống cà phê, tán gẫu với bạn. Lịch trình hàng ngày khá tẻ nhạt, đơn thuần là ở nhà và cơ quan, dù vậy vẫn hết sức cảnh giác với người lạ. Xung quanh tôi có rất nhiều người cũng sợ hãi như vậy. Khẩu trang y tế, gạo, mì tôm, bột ngọt, thịt, cá, dầu ăn, nước mắm, muối… lại được tích trữ.

Nhưng chính trong những ngày ấy tôi học được cách ứng xử với nỗi sợ hãi từ Bơ - cô bé hàng xóm mới tròn 4 tuổi.

Sáng hôm ấy, Bơ thức dậy rất sớm, chuẩn bị cùng mẹ đi tiêm nhắc vắcxin phòng bạch hầu. Trông cô bé có vẻ lo lắng. Tôi thấy mình có nghĩa vụ khích lệ cô bé. Sẽ không đau đâu. Như muỗi chích thôi mà- tôi nói.

Bơ lắc đầu: Bác nói sai rồi. Sẽ đau đấy. Tôi bật cười: Ừ sẽ đau. Bơ sợ không? Cô bé gật đầu: Bơ sợ, nhưng Bơ sẽ không khóc.   

Tôi chợt thấy xấu hổ. Trước “quái vật” Covid-19, là bình thường nếu ta lo sợ. Nhưng sẽ thật đáng chê cười khi ta sợ đến mức hoang mang, hoảng loạn. Từ hôm đó, tôi tự học cách kiềm chế cảm giác sợ hãi, làm chủ cảm xúc bản thân, suy nghĩ nhiều hơn về những điều tích cực.

Và tôi phát hiện ra, khác với “làn sóng thứ nhất”, đợt bùng phát này- có thể tạm coi là làn sóng mới- người dân Kon Tum đón nhận với tâm thái bình tĩnh hơn. Đây thực sự là điều đáng mừng. Bởi sự bình tĩnh ấy giúp chúng ta có cách ứng xử đúng với dịch bệnh.

Nhưng đâu đó, trong tâm thế “không sợ hãi” ấy, tôi thấy thấp thoáng những biểu hiện của sự chủ quan, của sự lơi lỏng cảnh giác.

Mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Ảnh: HL

 

Sau thời gian khá dài thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt trong phòng, chống Covid-19, như hạn chế tiếp xúc, rửa tay thường xuyên và mang khẩu trang, nhiều người mà tôi quen biết tích cực tham gia các cuộc nhậu, đám cưới, liên hoan, quên hẳn khẩu trang khi đi ra ngoài. Quán xá lại đông vui, nhộn nhịp, “hành hạ” các gia đình xung quanh bởi tiếng hò hét đầy men bia. Rất, rất nhiều gia đình xả hơi bằng những chuyến du lịch.

Khoảng thời gian xả hơi này, người mang khẩu trang trên đường phố thành số ít; nước sát khuẩn rửa tay ế chỏng chơ; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách chỉ là… lý thuyết. Khi bị nhắc nhở, tất nhiên sẽ thắc mắc "hết dịch rồi sao còn phải dùng", kèm theo những cái lườm nguýt tỏ thái độ khó chịu.

"Sự buông lỏng ý thức khiến dịch bùng phát lên mạnh mặc dù Chính phủ vẫn luôn yêu cầu phải nâng cao cảnh giác và đề phòng"- một chuyên gia y tế đã từng phải thốt lên như vậy.

Hiện nay, tình hình phức tạp hơn khi người du lịch trở về từ Đà Nẵng có thể mang theo mầm bệnh. Nhiều tỉnh, thành phố đều có ca bệnh Covid-19, đáng ngại hơn là tỉnh Kon Tum đang ở thế “lưỡng bề thọ… dịch”. Vì vậy, địa phương đang phải quyết liệt truy tìm từng người đến từ vùng dịch, người có thể mang mầm bệnh. Trong lúc này, người dân cần nhiệt tình hợp tác với chính quyền, khai báo đầy đủ, theo dõi sức khỏe bản thân và không lơ là các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế khuyến cáo.

Chúng ta đã đứng vững trước làn sóng Covid-19 thứ nhất. Và hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, với những quyết định sáng suốt và chọn lọc của tỉnh, một lần nữa chúng ta sẽ vượt qua làn sóng Covid thứ hai đang hiển hiện. Nhưng muốn như vậy, tâm thế của mỗi người trước những biến cố và ý thức công dân đóng vai trò lớn để vượt sóng thành công.

Nói cách khác, trong khi Nhà nước, các bộ ngành và tỉnh đang có những kịch bản phát triển kinh tế theo hướng chấp nhận sự tồn tại của dịch bệnh một cách có kiểm soát, biến các bất lợi - do dịch bệnh gây ra - thành động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi về ứng xử với dịch bệnh. Mà trong đó, “không hoang mang cũng không chủ quan, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch” luôn là “câu thần chú” hiệu nghiệm.

Chỉ khi ta có một cách ứng xử hợp lý thì mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững ngay cả khi dịch bệnh vẫn tồn tại. Đây còn là nền tảng đảm bảo sự ổn định ngay cả khi đối mặt các khủng hoảng khác như thiên tai.

Vậy nên, tôi đã trả lời câu hỏi của cô bạn trẻ rằng: Chú sợ, nhưng bình tĩnh và không hoảng loạn. 

Các chuyên gia y tế nhận định, dịch bệnh Covid- 19 đang có những diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, với tinh thần tập trung cao độ, cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu giai đoạn 1, chúng ta có đủ cơ sở để tự tin về chiến thắng trong cuộc “đánh giặc vi rút lần 2”, với điều kiện người dân đặt niềm tin vào Chính phủ, vào công tác chống dịch ở tiền phương, nhất là đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu... Hơn bao giờ hết, sự đồng lòng, tập trung và tuân thủ nghiêm túc các quy định về chống dịch của mỗi người và cộng đồng sẽ bịt kín những lỗ hổng có thể khiến dịch bệnh bùng phát.

Hồng Lam

Chuyên mục khác