Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

28/10/2021 06:06

Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh có trang thông tin điện tử và liên kết vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hầu hết các đơn vị cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh; đăng tải danh mục thủ tục hành chính trong các lĩnh vực và cập nhật, đăng tải tin tức của ngành, địa phương trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Đến nay, tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Trong đó, phần mềm văn phòng điện tử (iOffice) được đơn vị triển khai đến hết các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các xã phường, thị trấn trong tỉnh. Theo đó, tổng số văn bản trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước đạt 5.938.683 văn bản, với tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ đạt 100% (trừ mật).

Việc triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice ở tỉnh đáp ứng việc kết nối liên thông 4 cấp, liên thông trục văn bản quốc gia giúp công tác chỉ đạo, xử lý văn bản đi và đến, kế hoạch công tác, theo dõi tiến độ công việc được giao, trao đổi công việc được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, giấy tờ và hiệu quả giải quyết công việc ngày càng cao. Đồng thời, tỉnh đã ban hành mã định danh của các cơ quan nhà nước và cập nhật vào phần mềm Quản lý văn bản và điều hành để áp dụng thống nhất, làm cơ sở cho việc kết nối trục liên thông quốc gia.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết hồ sơ thủ tục cho nhân dân. Ảnh: T.V.P

 

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hệ thống thư điện tử công vụ riêng của tỉnh. Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh cấp hơn 5.000 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng trong trao đổi công việc. Nhờ đó, việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong công tác xử lý văn bản giúp cho các đơn vị xử lý một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo vấn đề an toàn an ninh thông tin trong hoạt động trao đổi văn bản.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc trao đổi văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số, nên đến nay, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 90%. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy đạt 10% (chỉ một số loại văn bản gửi song song cả bản điện tử và bản giấy).

Đến nay, hầu hết các đơn vị, địa phương trong tỉnh ban hành quy chế an toàn thông tin tại đơn vị mình. 100% đơn vị, địa phương phân công cán bộ, lãnh đạo trực tiếp tham mưu, theo dõi và chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, triển khai hệ thống phần mềm phòng chống mã độc có bản quyền theo mô hình quản lý tập trung cho các đơn vị các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố và một số xã trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, tình hình kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh trong 9 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận 45.177 hồ sơ; trong đó, đã xử lý 41.093 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ đúng hạn đạt 97%, tăng 2% so với quý II/2020. Bên cạnh những dịch vụ công trực tuyến do tỉnh triển khai trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.kontum.gov.vn, một số sở, ban, ngành của tỉnh được bộ chủ quản triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.

Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ hoàn thiện hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp bảo đảm duy nhất một địa chỉ trên Internet, tích hợp với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mọi ý kiến của người dân, doanh nghiệp được gửi, nhận hoàn toàn trên môi trường mạng. Đồng thời, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, tích cực triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và phát triển Chính quyền điện tử tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin, lực lượng đội ứng cứu sự cố máy tính, mạng máy tính; đào tạo nâng cao các kỹ năng ứng phó với các nguy cơ mất an toàn thông tin, xử lý mã độc và khắc phục sự cố... để sử dụng các công năng của công nghệ thông tin vào cuộc sống được tốt hơn.         

Văn Phúc

Chuyên mục khác