Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó quá thấp

18/06/2018 18:39

​Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017, nhưng đến nay, tình trạng nuôi chó thả rông, không tiêm phòng bệnh dại vẫn diễn ra khắp nơi và đã có không ít người bị chó cắn phải đến các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên địa bàn tỉnh để tiêm, thậm chí có người đã tử vong.

Kon Tum đã vào hè. Thời tiết ngày nắng nóng, đêm mưa dầm rất khó chịu là cơ hội để các bệnh dại ở động vật phát triển, trong đó chủ yếu là chó mèo.

Chúng tôi đến rất nhiều vùng quê, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở đâu cũng có những đàn chó chạy rông giữa đường làng ngõ xóm, tụ tập ở nhà rông trông rất nguy hiểm cho những người qua lại.

Anh A Đrế trú tại làng Kon Vâng 1, xã Đăk Long, huyện Kon Plông cho biết: Con chó đối với bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa là rất quý. Đi làm rẫy mà không có con chó đi theo là buồn lắm, vì nó ăn ở với mình rất chung thủy. Mấy năm trước, mình nghe cán bộ thôn tuyên truyền về việc tiêm phòng cho chó để không mắc bệnh dại, mình cũng hiểu, nhưng không có tiền để tiêm. May quá, vừa qua, nhờ chính sách ưu tiên hộ nghèo của huyện, cán bộ thú y xã đã về tiêm phòng miễn phí cho chó của mình rồi.

Chó thả rông trên đường ở làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, TP Kon Tum

 

Anh A Bưn - Thôn trưởng thôn Kon Tum Kơ Pâng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum tâm sự: Mỗi lần giao ban trên phường có chủ trương tuyên truyền về phòng chống bệnh dại trên đàn chó là mình về tổ chức họp dân để phổ biến ngay. Thế nhưng, khi hỏi thì bà con ai cũng biết chó cắn rất nguy hiểm đến sức khỏe của con người, thậm chí là tử vong, nhưng vì thấy nó khỏe mạnh nên họ chủ quan không tiêm phòng.

Ông Đoàn Thanh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó có bệnh dại trên đàn chó mèo và đã có trên 320 lượt người tham gia, trong đó 300 nhân viên thú y xã, 20 công chức, viên chức, người lao động của các trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho 14.525 con chó, đạt khoảng 32,1% so với tổng đàn chó trên địa bàn, tăng 4.395 con so với năm 2017. Trong đó, số lượng chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng chủ yếu là ở các huyện: Đăk Glei 1.300 con, Kon Rẫy 1.865 con, Kon Plông 900 con, Ngọc Hồi 360 con. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó quá thấp như vậy, nguy cơ xảy ra bệnh dại trên đàn chó ở tỉnh ta là rất cao, đặc biệt là đàn chó ở các huyện: Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Plông và thành phố Kon Tum.

Đồng hành với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngành Y tế tỉnh cũng đã tổ chức truyền thông phòng chống bệnh dại trực tiếp tại hộ gia đình 19.098 lượt, tại trường học 281 lượt, qua loa công cộng 987 lượt, qua xe loa 22 lượt, qua đài truyền thanh-truyền hình huyện/thành phố 54 lượt, phát loa tại ổ dịch 3 lượt, cấp 50 tờ rơi. Đồng thời, tổ chức 27 điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và đã tiêm được 3.269 liều vắc xin phòng bệnh dại trên người, trong đó có 100 liều miễn phí.

Ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Những năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế. Trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2017, hàng năm có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh dại thường mắc ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn như các xã: Đăk Man, Đăk Choong, Đăk Môn (huyện Đăk Glei), Ngọk Bay, Đăk Rơ Wa, Ia Chim (thành phố Kon Tum). Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó các xã: Ngọk Bay, Đăk Rơ Wa, Ia Chim (thành phố Kon Tum) và Đăk Môn (huyện Đăk Glei), mỗi xã 1 trường hợp và 100% trường hợp mắc bệnh dại này tử vong do chó cắn nhưng không tiêm phòng vắc xin và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Theo ông Đoàn Thanh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời gian qua công tác tuyên truyền cho người dân về sự nguy hại của bệnh dại và các biện pháp phòng ngừa, thông báo thời gian tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Hiện nay, UBND các xã, phường, thị trấn chưa tổ chức việc lập sổ theo dõi các hộ nuôi chó mèo và số chó mèo hiện đang được nuôi của các hộ. Việc yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký nuôi, chấp hành việc nuôi chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích nhốt, rọ mõm cho chó theo quy định chưa triển khai quyết liệt. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo chưa cao một phần là do việc triển khai tiêm phòng cho chó của người đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu tiền mua vắc xin, tiền công tiêm phòng và nhận thức của người dân về việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo. Trong khi đó, các chế tài xử lý xử phạt vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm vắc xin dại theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y vẫn chưa áp dụng để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo: Để hạn chế việc chó mèo dại cắn dẫn đến tử vong, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo mọi người khi bị chó mèo cắn, cần xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn; có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Sau đó, người bị chó mèo cắn cần đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

Nhưng tốt nhất, người dân hạn chế nuôi chó, mèo và nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của ngành Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó mèo, đặc biệt là khi chúng đang ăn. Theo dõi tình trạng chó mèo sau khi cắn người như: ốm, chết, lên cơn dại…để báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương hướng xử lý tiếp theo. Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra vào vùng dịch. Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch…

                                                                        Bài và ảnh: Hà Nguyên

Chuyên mục khác