Tuổi trẻ huyện Kon Rẫy xung kích trong phát triển kinh tế

25/11/2023 13:01

Phát huy vai trò tiên phong, xung kích của tuổi trẻ, lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Kon Rẫy nỗ lực thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh.

Để thu hút thanh niên tham gia phát triển kinh tế, Huyện đoàn Kon Rẫy đã phối hợp cùng với các ngành chức năng của huyện và các tổ chức xã hội khác tổ chức triển khai đề xuất ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ ĐVTN vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Cùng đó, thực hiện chỉ đạo của Huyện đoàn, các TCCS đoàn tích cực triển khai phong trào “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế giỏi” bằng các hoạt động xây dựng tổ, nhóm góp vốn, góp công lao động, hỗ trợ cây, con giống cùng giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, tạo việc làm tại địa phương. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi heo làng tại xã Đăk Ruồng, mô hình  trồng chuối cấy mô tại xã Đăk Kôi hay mô hình sản xuất nấm bào ngư xám tại xã Đăk Pne.

Mô hình nuôi heo gia đình ĐVTN A Thạch ở thôn 12, xã Đăk Ruồng. Ảnh: N.B

 

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi heo sọc dưa của ĐVTN thôn 12, xã Đăk Ruồng và được anh Hoàng Văn Bình – Bí thư Đoàn xã Đăk Ruồng cho biết: Xuất phát từ thực tiễn thôn 12 có nhiều thanh niên khó khăn nên Đoàn xã đã nắm bắt được nhu cầu, đề xuất với Huyện đoàn xây dựng mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi heo. Mô hình được triển khai từ tháng 3/2022, ban đầu có 10 hộ là ĐVTN tham gia. Mỗi hộ nhận 2 con về nuôi (tổng 20 con/10 hộ thanh niên); được hướng dẫn tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương như lá mì, thân chuối, bắp, rau để chăn nuôi. Đến nay, ngoài một số heo đã được bán để trang trải cuộc sống, mô hình đã nhân đàn được hơn 40 con heo lớn, nhỏ. Đoàn xã cũng đã lấy từ 1-2 heo con giống được sinh ra ở mỗi gia đình được hỗ trợ trước chuyển cho các hộ khác để nhân rộng mô hình, nâng tổng số hộ ĐVTN nuôi heo lên 15 hộ. Có 7/10 hộ nuôi ban đầu có heo con lứa 1 và 2, qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình ĐVTN ở địa phương.

Tại xã Đăk Kôi, căn cứ vào điều kiện thời tiết, đất đai ở địa phương, tháng 4/2022, Đoàn xã đã lựa chọn, xây dựng mô hình trồng chuối cấy mô tại thôn Trăng Nó-Kon Blo trên diện tích 2ha, thu hút 14 thành viên tham gia. Trong quá trình triển khai mô hình, Huyện đoàn đã phối hợp với Dự án Plan hỗ trợ kinh phí 80 triệu đồng mua phân bón, ống nước và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối. Đến nay, sau 18 tháng triển khai, mô hình đã cho thu hoạch trung bình 300 buồng/tháng và tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Để tăng diện tích và mở rộng mô hình trong thời gian tới, Đoàn xã phối hợp với các ban ngành tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, ký hợp đồng lâu dài với thương lái.

Ở xã Đăk Pne, xuất phát nguyện vọng của ĐVTN xã cùng với sự quan tâm của Huyện đoàn và Dự án Plan hỗ trợ 70 triệu đồng, Đoàn xã đã thành lập mô hình khởi nghiệp trồng nấm bào ngư xám với 12 thành viên. Mục tiêu là giúp đỡ các bạn ĐVTN có việc làm, phụ giúp gia đình, phát triển kinh tế hộ và vươn lên thoát nghèo. Đến nay, mô hình đã cho thu nhập ổn định với mỗi đợt sản xuất 100 bịch meo nấm, thu hoạch mỗi đợt được 50kg. Số tiền thu từ bán nấm là hơn 10 triệu đồng được dùng để gây quỹ triển khai đợt tiếp theo.

Huyện đoàn Kon Rẫy thăm mô hình trồng nấm bào ngư xàm của ĐVTN xã Đăk Pne. Ảnh: NB

 

“Mặc dù sản lượng sản xuất của mô hình chưa nhiều nhưng đây là một trong những mô hình hiệu quả của ĐVTN xã vì đã giải quyết được nhu cầu thực phẩm tại chỗ, tăng thêm thu nhập và trên hết là giúp ĐVTN có hướng đi mới trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng kênh tiêu thụ, có ý chí vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi thêm thành viên, nhân rộng mô hình, tăng quy mô sản xuất trong thời gian tới” - anh Đinh Hoàng Đức, Bí thư Đoàn xã Đăk Pne chia sẻ.

Nhằm tạo điều kiện cho các thanh niên có thêm động lực để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, Huyện đoàn còn tích cực phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn cho các thanh niên để giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp. Đến tháng 11/2023, dư nợ của ĐVTN qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội là 57,93 tỷ đồng; quản lý 22 tổ TK&VV với 961 khách hàng, 100% số tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 1,254 tỷ đồng.

Anh Trần Đồng - Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy cho biết: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục kết nối với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên Tỉnh đoàn triển khai các lớp tập huấn về khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên; bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên vay vốn uỷ thác thông qua tổ chức đoàn nhằm hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, qua đó tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế, từng bước tự tạo được việc làm cho bản thân và gia đình.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác