Tuổi thanh xuân gieo chữ nơi vùng cao

24/11/2020 06:03

Vượt đỉnh Măng Rơi trong làn mây mù giăng phủ kín đỉnh núi, tôi đến thăm Trường Tiểu học Đăk Hà (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) khi Ngày Nhà giáo Việt Nam đã cận kề. Gặp chúng tôi, câu chuyện đầu tiên mà các thầy cô giáo nơi đây tự hào kể là cô hiệu trưởng Hồ Thị Thùy Vân vừa được dự Lễ Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Cũng chính vì trải qua bao đắng cay ngọt bùi, nên hiện tại với vai trò là một hiệu trưởng, cô Vân luôn thấu hiểu và sẻ chia với  những khó khăn của các cô giáo trẻ khi vừa mới ra trường phải đến vùng cao công tác. Cô Vân cho biết, hiện tại trong trường có gần nửa số giáo viên thuộc thế hệ 9x.

Chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, cô Hồ Thị Thùy Vân tâm sự: Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 22 tuổi, mảnh đất đầu tiên tôi đặt chân đến là xã Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông). Thuở ấy ở đây còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại nhọc nhằn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Sau thời gian dài, tôi được luân chuyển ra xã Tu Mơ Rông công tác 10 năm rồi mới về xã Đăk Hà năm vừa rồi. Dù làm việc ở đâu, có khó khăn đến mấy thì sự thấu hiểu đời sống của các em học sinh Tu Mơ Rông, lòng yêu nghề, nhiệt huyết vẫn luôn rực cháy trong con người tôi.

Thầy cô giáo đến nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: V.T

 

Nhỏ tuổi nhất trong đội ngũ giáo viên của trường, ở tuổi 22, độ tuổi mà những đồng nghiệp hay đùa là “tuổi ăn tuổi ngủ”, cô Dương Thị Quí vẫn tỏ ra lạc quan khi làm việc ở mảnh đất còn nhiều thiếu thốn. “Nhà em ở xã Diên Bình (huyện Đăk Tô). Em vừa tốt nghiệp năm ngoái, định ở lại nơi thuận lợi làm việc, nhưng xem trên truyền hình thấy các em nhỏ vùng cao đi học khó khăn thấy thương quá nên em quyết định trở về Kon Tum, rồi bén duyên với mảnh đất Tu Mơ Rông. Thời gian đầu lên đây, em không quen với khí hậu nắng mưa thất thường, hắt hơi sổ mũi suốt. Nhưng giờ cũng quen rồi, chỉ mỗi tội, thỉnh thoảng vẫn thèm… trà sữa đến mức ngủ mơ thấy được uống luôn đấy” – cô Dương Thị Quí vô tư chia sẻ.

Nhắc đến trà sữa, các cô đều “ồ” lên, tiếng cười nói rộn rã hẳn lên. Cô Đào Thị Thanh Tâm (23 tuổi) nối tiếp câu chuyện: Hồi em mới lên làm, vừa thèm trà sữa vừa nhớ người yêu. Có lần, em bắt người yêu em mua trà sữa đem lên Tu Mơ Rông mà anh ấy không chịu, thế là em giận 3 ngày luôn. Cuối tuần về phải qua nhà chở em đi uống trà sữa cho đã “cơn thèm”.

Bữa cơm đầm ấm của các giáo viên trẻ. Ảnh: VT

 

Vừa cười đấy, giọng cô Tâm đã hơi chùng xuống: “Nhà em ở Kon Rẫy, em ngại nhất là quãng đường đi lại, không thể tin được là hơn 3 năm rồi em vẫn một mình đi xe máy vượt đường đèo, quanh co khúc khuỷu; nhiều đoạn đường đất trời mưa thì sình lầy, trời nắng thì bụi bay mù mịt, mặc sơ mi trắng đi qua thấy bụi bám vàng cả áo”.

Thấy tôi tỏ vẻ bất ngờ về chuyện đi lại, cô Cao Thị Hoài (27 tuổi) lắc đầu nói: “Đường đấy ấy vậy mà còn dễ đi nhiều so với mấy con đường trong thôn mà tụi em đi vận động học sinh ra lớp”.

“Thời gian đầu mới nhận lớp làm chủ nhiệm, có nhiều học sinh không chịu đến lớp. Vắng trên hai buổi là cô giáo chủ nhiệm phải tìm đến nhà vận động; thường thì đi buổi tối phụ huynh mới có nhà, đường trong thôn thì toàn dốc đứng trơn trượt, không có điện đường; ngã xe là chuyện thường, dựng được xe lên khắp chân tay đầy vết bầm tím, mấy ngày không phai. Thú thật với anh, nhiều lúc ớn quá, em cũng muốn nghỉ việc, nhưng nghĩ tới học trò, lại thấy thương, lại tiếp tục bám trường” – cô Hoài kể lại.

Là đấng mày râu trong trường, thầy Phó hiệu trưởng Phạm Văn Hùng (40 tuổi) tâm sự, 18 năm từ ngày ra trường đến nay thầy đều dành tình yêu cho các em học sinh vùng cao Tu Mơ Rông. Các em học sinh ở đây rất ham học nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thường nghỉ học để theo bố mẹ lên rẫy. Hiểu được điều này, mỗi lần đến nhà vận động các em, thầy đều mang theo quần áo cũ, bánh kẹo cho các em. Lâu dần, các em trong trường quý trọng thầy như người anh, người chú trong nhà.

Nghe các thầy cô kể chuyện, cô hiệu trưởng Hồ Thị Thùy Vân tếu táo: Các cô cứ nhìn chị đi này, thời buổi này là sướng quá rồi. Tối nhớ gia đình thì có internet để gọi về, đi lại có xe máy để đi. Hồi chị phải đi xe đạp, tối đến nhớ người yêu chỉ biết úp mặt vào gối mà khóc, chỉ mong sao cho đến ngày mai đi dạy để hết nhớ. Chuyện gì chị cũng trải qua rồi, cứ tâm huyết sống với nghề rồi sẽ được đền đáp.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng phần lớn các thầy, cô ở Trường Tiểu học Đăk Hà đều có tuổi đời còn rất trẻ, vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp giáo dục, vì thế hệ tương lai của đất nước, họ tình nguyện sống xa gia đình, chấp nhận gian khổ để bám làng gieo chữ mang tương lai tươi sáng đến vùng đất Tu Mơ Rông còn nhiều gian khó này.

Văn Tùng

Chuyên mục khác