Tuổi già vui, khỏe, có ích

01/10/2024 06:02

Giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích là mục tiêu của các chủ trương, chính sách dành cho người cao tuổi mà Đảng, Nhà nước đang triển khai. Bản thân người cao tuổi cũng có mong muốn và phấn đấu cho mục tiêu này.

Bố tôi là bộ đội phục viên, mẹ là nông dân “chính hiệu”. Bao năm đằng đẵng, ông bà chăm sóc mấy mẫu ruộng, nuôi thêm lợn gà bán lấy tiền nuôi con ăn học.

Chiêm hay mùa, những đám ruộng của bố mẹ luôn được chăm bẵm kỹ nhất. Đông hay Hè, mưa hay nắng, bố mẹ đều dậy rất sớm. Hoàn thành khâu cho đàn lợn, gà vịt ăn xong rồi cùng ra đồng. Chưa bao giờ nghe bố mẹ than vãn về cuộc sống khó khăn.

Cứ vậy, ngày tháng trôi, trải qua bao nhiêu mùa lúa đẫm mồ hôi bố mẹ, bầy con cũng trưởng thành, mỗi đứa lập nghiệp một nơi. Không đứa nào muốn bố mẹ vất vả chuyện đồng áng, chăn nuôi nữa, bàn nhau vận động ông bà vào ở với con cái.

Nhưng bố luôn gạt đi: Bố mẹ còn khỏe, chưa muốn vào “ăn bám” bọn bay. Còn ít ruộng, cứ để ông bà già này làm cho vui tay vui chân. Ở không buồn, có khi lại “đi” sớm.

Có lần, bố đau nặng phải nhập viện. Từ phương xa, các cuộc gọi của con cái phập phồng nỗi lo cho sức khỏe của bố. Mỗi lần nhìn mẹ già vất vả chăm sóc bố, tôi lại đau đáu câu “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Sau nhiều lần thuyết phục không thành, mãi gần đây, trong một lần vào thăm con cháu, bố tôi đổ bệnh nặng, phải điều trị lâu dài, sức khỏe yếu hẳn, nên đành ở lại. Con cháu cũng bớt đi nỗi lo lắng. 

Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích. Ảnh: H.L

 

Nhưng dù vậy, chỉ cần sức khỏe ổn một chút là ông tiếp tục làm việc. Khu vườn nhỏ của nhà chú em luôn xanh mát bầu bí, các loại rau, mùa nào thức nấy. Nhà ăn không hết, mẹ tôi đem biếu hàng xóm mỗi nhà một ít, gọi là ăn lấy thảo.

Ông bà còn chăm sóc mấy chục con gà đẻ để lấy trứng, không chỉ đủ  cho cả nhà ăn, mà có khi còn dư, mẹ tôi đạp xe mang ra chợ bán. “Không phải là để có thêm thu nhập, mà là để duy trì sống khỏe, sống vui, sống có ích”- bố tôi nói.

Nơi tôi sống là một hẻm nhỏ thuộc phường nội thành, với hơn chục gia đình. Hầu hết cư dân trong hẻm là viên chức nhà nước, sáng đi tối về, bận bịu với cuộc mưu sinh.

Điều khá đặc biệt là trong hẻm gần như gia đình nào cũng có người già, phần lên ở giúp con chăm cháu, phần con cái làm ăn xa, ở quê nhà không có ai chăm sóc bố mẹ già nên đón vào.

Tiếng là phường nội thành nhưng cũng hiếm hoạt động dành cho người cao tuổi. Vậy nên cuộc sống của các cụ cũng khá bình lặng, dành nhiều thời gian cho việc trồng rau, dọn vườn, vừa lấy đó làm vui, vừa rèn luyện sức khỏe, rèn luyện trí óc minh mẫn,

Khi con cái bận việc thì các cụ sẵn sàng làm bao nhiêu là việc không tên nữa, như đưa đón cháu đi học, phụ con cháu nấu ăn, quét dọn nhà cửa.

Tất nhiên là mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người cao tuổi mà tôi kể trên, trong đó có bố mẹ tôi, đều là những điển hình cho lớp người già luôn hướng tới cuộc sống tuổi già vui, khỏe, có ích.

Đây cũng là mục tiêu mà các chủ trương, chính sách dành cho người già của Đảng và Nhà nước hướng tới.

Việt Nam bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011, với số người trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số. Sau 10 năm, tỷ lệ này tăng lên 8,3%, tức 8,16 triệu người.

Niềm vui tuổi già. Ảnh: HL

 

Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó có khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% tổng số người cao tuổi), 9,05 triệu người cao tuổi là nữ (chiếm 57,8%), 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%).

Cũng theo nguồn trên, cả nước có trên 7 triệu người cao tuổi vẫn trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; 733.846 người cao tuổi tham gia công tác đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở; có trên 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.

Ở tỉnh ta, hiện toàn tỉnh ta có hơn 46.344 người cao tuổi, chiếm khoảng 7,4% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi được quan tâm triển khai kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy vai trò, kinh nghiệm của mình trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đặc biệt, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 788/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 (ngày 21/3/2022).

Mục tiêu là triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội; phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ đó, người cao tuổi luôn nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, thể hiện được vai trò, vị thế là chỗ dựa vững chắc, động lực góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều người cao tuổi còn phấn đấu chiến thắng tuổi tác, bệnh tật, trở thành những điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi; tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự và các hoạt động ở địa phương.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có gần 15.000 người cao tuổi tham gia sản xuất, phát triển kinh tế trong các lĩnh vực, chiếm 35% người cao tuổi trên địa bàn, trong đó có 868 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi (cấp cơ sở 725 người, cấp huyện 127 người, cấp tỉnh 13 người, cấp trung ương 3 người).

Điều này không chỉ giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích mà còn góp phần lan tỏa tinh thần hăng say trong lao động, thi đua phát triển kinh tế, dám nghĩ dám làm cho thế hệ sau.

Hồng Lam

Chuyên mục khác