Tuổi cao - Gương sáng

06/02/2020 06:27

Miệng nói lời hay, tay làm việc tốt, các cấp Hội Người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã làm nhiều việc thiết thực, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao chất lượng công tác Hội, đồng thời góp sức, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Giúp nhau cùng phát triển

Với phương châm giúp nhau chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập và hỗ trợ cộng đồng, đầu tháng 12/2019, Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của tổ dân phố 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi được thành lập, thu hút 58 thành viên tham gia.

Như mục tiêu đề ra, hàng ngày, các thành viên cùng nhau tập dưỡng sinh, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo tình thân, đoàn kết. Ngoài ra, ngay từ khi thành lập, các thành viên còn đóng góp, huy động nguồn quỹ hơn 60 triệu đồng để hỗ trợ các hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.

Dẫn chúng tôi đến sạp hàng nằm trong chợ với đa dạng các mặt hàng từ quần áo, giày dép, cô Hoàng Thị Huyền - thành viên của Câu lạc bộ phấn khởi chia sẻ: Tôi được các hội viên bình xét, thống nhất cho vay vốn để mua thêm hàng hóa, phục vụ việc buôn bán nhỏ. Không chỉ cho vay vốn, các chị em còn động viên tôi rất nhiều. Nhờ đó, tôi vượt qua được khó khăn, chú tâm buôn bán, có tiền gởi cho các con đang theo học đại học.

Với nhiều thành viên, nhiều lứa tuổi (trong đó chủ yếu người cao tuổi), Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của tổ dân phố 3, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum cũng hoạt động hiệu quả. Với tổng số vốn 190 triệu đồng huy động từ các thành viên, giữa năm 2019, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã đầu tư mua hơn 2.000 con vịt giống siêu trứng và thả hơn 5 tạ cá các loại. Chỉ sau 1,5 tháng chăm sóc, đàn vịt bắt đầu cho thu trứng. Với giá bán từ 20.000- 25.000 đồng/1 chục trứng, mỗi tháng Câu lạc bộ thu về trên 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Mùi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tổ dân phố 3 cho biết: Ban đầu, các thành viên ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít để cùng thành lập mô hình. Bây giờ, các thành viên cũng chia lợi nhuận dựa theo số tiền đóng góp ban đầu. Nhìn chung, mô hình đã giúp các hội viên có thêm khoản thu nhập ổn định, đồng thời giúp mọi người đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Trong thời gian đến, bên cạnh việc chăn nuôi, Câu lạc bộ còn hướng đến việc trồng rau sạch để vừa sử dụng trong gia đình, vừa bán ra thị trường để tăng thu nhập.

Không riêng các câu lạc bộ, nhiều hội viên người cao tuổi cũng tích cực làm kinh tế, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Như ông Trần Văn Sơn ở thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi là một trong những tấm gương sáng. Dù đã bước sang tuổi thất thập nhưng ông luôn có tên trong danh sách những người làm kinh tế giỏi đồng thời luôn giúp đỡ các thành viên cùng phát triển. Hiện tại, ông có 2ha cà phê kinh doanh, trừ chi phí nhân công, phân bón, mỗi năm ông thu về hơn 200 triệu đồng. Nêu cao tinh thần "Tuổi cao - gương sáng", mới đây, ông tiếp tục chuyển đổi 4 sào cao su già cỗi sang trồng cà phê và xen canh các loại cây ăn trái như mít Thái, bơ, sầu riêng.

Người cao tuổi trồng rau sạch, cải thiện bữa ăn. Ảnh: HT 

 

“Dù tuổi cao nhưng tôi vẫn tham gia làm kinh tế, một phần để bản thân vận động cho khỏe khoắn, một phần để có thu nhập lo cho bản thân, không phải dựa dẫm, ỷ lại, trở thành gánh nặng cho xã hội. Tôi thường xuyên hỏi thăm, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cà phê cho nhiều người, thậm chí đến tận vườn hỗ trợ, để họ cùng phát triển” -  ông Sơn chia sẻ.

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Dẫn chúng tôi ra xem các vườn rau tại các hộ gia đình người cao tuổi trên địa bàn xã, ông Bùi Công Duyệt - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho biết: Những năm qua, Hội đã thành lập mô hình “môi trường xanh sạch đẹp” nhằm vận động hội viên chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng vào thực hiện tiêu chí số 7, các hộ gia đình người cao tuổi phải có những luống rau xanh sạch đẹp phục vụ đời sống cho gia đình và sức khỏe.

“Sau hơn 1 năm ra mắt, các cụ tham gia rất đầy đủ, nhiệt tình. Mô hình trên vừa giúp gia đình có rau sạch, vừa hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường” - ông Duyệt nhấn mạnh.

Mỗi nơi một cách làm, nếu ở xã Đăk Xú bà con chú trọng làm vườn rau sạch thì người cao tuổi tại thôn Đăk Hú, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi lại chọn cách đan làn, đan giỏ mang đi chợ để hạn chế sử dụng túi nilong; tích cực dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom rác thải nhựa; trồng, bảo vệ các con đường hoa xung quanh làng.

“Tuổi nào làm việc nấy, không làm được việc nặng thì chúng tôi cố gắng góp sức, làm những việc nhẹ mà thiết thực. Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, đem lại niềm vui cho chúng tôi và cho mọi người” - ông Kring Hồng, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Đăk Hú phấn khởi.

Không riêng tại huyện Ngọc Hồi, phát huy vai trò của mình trong cộng đồng khu dân cư, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhiều tổ chức Hội Người cao tuổi tại các huyện, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả: "Môi trường xanh, sạch, đẹp"; "Ông bà mẫu mực, con cháu hiểu thảo, ngoan hiền"; "Miệng nói lời hay, tay làm việc tốt"... Đặc biệt, trong năm 2019, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã vận động gia đình, con cháu và bản thân đóng góp 6.075 ngày công; hiến 5.422 m2 đất và 86,3 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng ở địa phương, góp sức xây dựng nông thôn mới.

“Hiện nay, có hơn 2.000 người cao tuổi là hạt nhân đoàn kết, đảm nhiệm các công việc tại khu dân cư. Sống vui, sống khỏe, sống có ích, tuổi cao, gương sáng, chúng tôi luôn cố gắng sống mẫu mực, là tấm gương để con cháu noi theo” - ông Nguyễn Huỳnh - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh nhấn mạnh.              

Hoài Tiến

Chuyên mục khác