Từng bước hiện đại hóa chính quyền điện tử và chính quyền số

05/03/2022 13:01

Trong những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng, ưu tiên và dành nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước xây dựng, hiện đại hóa chính quyền điện tử, chính quyền số.

Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số của tỉnh đã huy động được sự tham gia của các ngành, địa phương và  đạt được một số kết quả tích cực.

Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục được đầu tư phát triển, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, chất lượng, đáp ứng phục vụ triển khai các giải pháp về CNTT và thông tin liên lạc các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Mạng lưới cáp quang cung cấp dịch vụ internet cáp quang tốc độ cao phát triển đến 100% các trung tâm huyện, xã, phường, thị trấn. 100% các xã, phường, thị trấn có mạng thông tin di động 3G/4G. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đã phát triển đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã. 100% cơ quan, địa phương được đầu tư trang thiết bị CNTT, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối Internet phục vụ công tác chuyên môn.

Đa số các hội nghị hiện nay đều được tổ chức trực tuyến. Ảnh: PN

 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc tỉnh ta xây dựng hạ tầng phát triển Chính quyền điện tử đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, việc triển khai đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống họp hội nghị truyền hình trực tuyến đảm bảo đã phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ của các cấp, các ngành được thông suốt, nhanh, gọn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành triển khai hệ thống họp hội nghị truyền hình trực tuyến 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện; nhiều địa phương triển khai đến xã như các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy... Bên cạnh đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I, II đã phát triển đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và hoạt động thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Tiếp xúc cử tri trực tuyến tại thành phố Kon Tum. Ảnh: PN

 

Tỉnh cũng đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các hệ thống nền tảng phát triển Chính quyền điện tử như: Xây dựng trục kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh và đã kết nối thành công với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP); triển khai Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC), qua đó đã giám sát an toàn thông tin các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh, kịp thời đưa ra các cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất an toàn thông tin.

Các cấp, các ngành đã vận hành và khai thác có hiệu quả Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice); cấp 5.553 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức của 22 đơn vị cấp tỉnh, 10 đơn vị cấp huyện/thành phố, 102 xã phường thị trấn sử dụng. Hệ thống đã triển khai kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia và đáp ứng yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp (Chính phủ - tỉnh - huyện - xã). Tính đến cuối năm 2021, tổng số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh là 3.264.993 văn bản. Tổng số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trên địa bàn tỉnh là 1979 chứng thư số. Chữ ký số được ứng dụng trong các giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước góp phần tích cực trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa hành chính công, tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh tiến hành xây dựng Chính quyền điện tử. Tỷ lệ văn bản có ký số trao đổi trên môi trường mạng đặc biệt là qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice của các đơn vị đến nay đạt tỷ lệ hơn 99%.

Hệ thống thư điện tử công vụ riêng của tỉnh với khoảng 7.000 tài khoản đã được cấp cho các cơ quan nhà nước phục vụ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong công tác xử lý văn bản đã giúp cho các đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí; công việc được xử lý nhanh chóng, đảm bảo tiến độ, đồng thời đảm bảo vấn đề an toàn an ninh thông tin trong hoạt động trao đổi văn bản.

Đặc biệt, tỉnh ta đã hoàn thành chỉ tiêu 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4. Cùng với đó, đã triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR qua Zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế -xã hội nhanh chóng, hiệu quả. Duy trì và phát huy các hợp phần của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC) đã triển khai giai đoạn 1.

Tỉnh đã triển khai thử nghiệm Hệ thống giám sát phản ánh kiến nghị của tỉnh (trên nền tảng web và thiết bị di động đối với các lĩnh vực: Phòng, chống dịch Covid-19, An ninh trật tự, Trật tự đô thị, Môi trường) và Hệ thống giám sát, điều hành an ninh trật tự của tỉnh (gồm 10 camera có chức năng thông minh và 30 camera thường).

Tuy vẫn còn những khó khăn như việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế; khả năng ứng dụng CNTT của một số cán bộ, người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế… nhưng những kết quả bước đầu mà các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của tỉnh đảm bảo nhanh, gọn, hiện đại, hiệu quả.         

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác