23/01/2019 13:17
Trước khi triển khai Kế hoạch số 223, từ nhiều năm trước, Công an tỉnh đã thực hiện việc bố trí Công an chính quy đảm nhận các chức danh Công an xã ở 32 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh với 40 cán bộ, chiến sĩ theo Thông tư số 15/TT-BCA ngày 24/5/2010 của Bộ Công an.
Trung tá Lê Xuân Thủy - Trưởng Phòng Tham mưu (Công an tỉnh) cho biết: Khi được bố trí về đảm nhận các chức danh Công an xã, về cơ bản 40 Công an chính quy đã phát huy được năng lực, kịp thời nắm bắt được tình hình và xử lý hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở. Đặc biệt, ở các xã bố trí toàn bộ Công an chính quy đảm nhận các chức danh Công an xã thì hiệu quả, chất lượng hoạt động rất tốt. Đây chính là cơ sở thực tiễn để đảm bảo cho việc triển khai thí điểm bố trí Công an chính quy đảm nhận các chức danh Công an xã trên toàn tỉnh Kon Tum theo Kế hoạch số 223 của Bộ Công an.
Bởi vậy, ngay sau khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 223, cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum đã kịp thời ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai thí điểm bố trí Công an xã chính quy ở địa phương.
Đảng ủy Công an tỉnh cũng ra Nghị quyết riêng để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an; triển khai phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ về chủ trương này.
Cùng với đó, Công an tỉnh đã chủ động thực hiện công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực ủng hộ chủ trương và tình nguyện sẵn sàng đảm nhận các chức danh Công an xã khi có yêu cầu; tiến hành rà soát, lập danh sách cán bộ, chiến sĩ hiện đang công tác có đủ điều kiện về trình độ nghiệp vụ, pháp luật, có phẩm chất đạo đức và đủ khả năng để đảm nhận các chức danh Công an xã.
|
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện về tình hình lực lượng Công an xã hiện nay và phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, các kỹ năng dân vận cho lực lượng Công an chính quy được lựa chọn để bố trí xuống xã.
Đến nay, Công an tỉnh đã bố trí 348 đồng chí Công an chính quy tại 86/86 xã trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt cho lực lượng Công an xã, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp và đề nghị cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố quan tâm, bố trí nơi làm việc, sinh hoạt tạm thời cho Công an chính quy tại xã, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc riêng khi có kinh phí.
Về trang thiết bị và phương tiện, Bộ Công an đã duyệt cấp bổ sung kinh phí năm 2018 với số tiền 20 tỷ đồng và trang bị cho Công an tỉnh Kon Tum 13 danh mục quân trang, thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ để phục vụ triển khai thực hiện thí điểm bố trí Công an xã chính quy trên toàn tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 223 của Bộ Công an, ngày 18/12/2018, Công an xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) được bố trí thêm 3 đồng chí Công an chính quy về đảm nhận các chức danh Công an xã (trước đó đã có đồng chí Trưởng Công an xã là Công an chính quy). Theo đó, tổng số Công an xã Ia Chim hiện nay là 4 đồng chí, trong đó có 1 Trưởng Công an xã, 1 Phó Trưởng Công an xã và 2 Công an viên.
Thiếu tá Cao Thanh Phong – Trưởng Công an xã Ia Chim chia sẻ, việc bố trí thêm 3 đồng chí Công an chính quy về đảm nhận các chức danh Công an xã Ia Chim đã mang lại rất nhiều thuận lợi trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Cũng theo Thiếu tá Cao Thanh Phong, xã Ia Chim có diện tích 6.678ha, gồm 11 thôn với 2.855 hộ, 12.591 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã trong thời gian qua tương đối phức tạp, đặc biệt là tình hình an ninh nông thôn. Thời gian đầu nhận công tác, lực lượng Công an chính quy được bố trí về xã còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động còn nhiều thiếu thốn, trụ sở làm việc, chỗ ăn, ngủ đang phải mượn tạm hội trường của UBND xã.
“Trong thời gian tới, Ban Công an xã Ia Chim rất mong cấp ủy, lãnh đạo cấp trên bố trí thêm lực lượng Công an chính quy để đảm bảo thực hiện tốt công tác được giao. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác; quan tâm, tạo điều kiện về chế độ chính sách đối với lực lượng Công an chính quy khi về công tác tại xã” - Thiếu tá Cao Thanh Phong nói.
Nhắc đến khó khăn khi triển khai Kế hoạch số 223 của Bộ Công an, Trung tá Lê Xuân Thủy cho hay, việc huy động một số lượng lớn Công an chính quy xuống xã sẽ gây nên những biến động, xáo trộn nhất định về biên chế của Công an huyện, thành phố và toàn lực lượng Công an tỉnh trong thời gian tới. Hơn nữa, đa số cán bộ, chiến sĩ còn trẻ nên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở, chưa thông thạo về địa bàn, một số cán bộ chiến sĩ người Kinh còn chưa biết tiếng và am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đường sá đi lại vất vả, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho lực lượng Công an xã còn rất thiếu thốn, không đảm bảo điều kiện làm việc và sinh hoạt.
Từng bước khắc phục những khó khăn, phấn đấu hết quý I/2019, Công an tỉnh sẽ tiếp tục bố trí Công an chính quy đảm nhận các chức danh Công an xã đảm bảo đủ số lượng từ 5 – 7 đồng chí/xã theo kế hoạch đã đề ra.
Bài, ảnh: Đức Thành