Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh: ​Băn khoăn chọn ngành, chọn nghề

09/03/2018 07:08

​Gần 1.500 học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2018. Xoay quanh chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”, các em học sinh đã đặt ra nhiều câu hỏi cho đội ngũ cán bộ quản lý các sở, ngành tỉnh và các đơn vị giáo dục đại học về chọn ngành, chọn nghề mà xã hội, doanh nghiệp đang cần và thiếu...

Sáng 4/3, trong không khí sôi nổi của Ngày hội tư vấn hướng nghiệp do Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum phối hợp với Sở GD&ĐT Kon Tum và các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng tổ chức, các học sinh đặt nhiều câu hỏi về các ngành, nghề đào tạo đang “hot” và khả năng nộp hồ sơ trúng tuyển vào đại học, cao đẳng năm học 2018-2019.

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, tại các gian hàng giới thiệu của các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Ảnh: M.T

 

Mở đầu Ngày hội, đại diện các trường đại học là thành viên của Đại học Đà Nẵng đã giới thiệu các nhóm ngành thu hút đông sinh viên đăng ký xét tuyển, thi đầu vào vài năm trở lại đây như: kinh tế, thương mại, quản trị, công nghệ thông tin, y tế - điều dưỡng, marketing, truyền thông, luật và sư phạm.

Đại diện một số sở, ngành tỉnh: Sở NN&PTNT, Công thương, Kế hoạch & Đầu tư, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp kinh doanh - hoạt động đa lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Kon Tum, nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng việc làm.

Ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã giới thiệu tiềm năng phát triển tỉnh Kon Tum: Kon Tum đã và đang đẩy mạnh đầu tư, kêu gọi thu hút nhiều dự án lớn tập trung về nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch khu vực trồng sâm Ngọc Linh, thủy điện, xây dựng thương hiệu cà phê huyện Đăk Hà... có nguồn kinh phí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế lớn trong cả nước. Các dự án này đang khởi động và vài năm tới sẽ cần số lượng lớn lao động được đào tạo kỹ sư chuyên sâu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Việc còn lại, các em học sinh cân nhắc năng lực, sở thích và tham vấn ý kiến phụ huynh đăng ký ngành học phù hợp.

Sau khi nghe giới thiệu về tiềm năng phát triển của tỉnh, Tạ Đức Dương - học sinh Trường THPT Nguyễn Du (huyện Đăk Hà) chia sẻ, bản thân yêu thích, chọn ngành điện (thuộc khối kỹ thuật) để đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học mùa tuyển sinh sắp tới. Học lực của Dương đạt điểm trung bình khá khối A, B. Bạn hỏi: Em muốn biết ở tỉnh Kon Tum có thiếu nguồn nhân lực ngành điện lực hay không. Sau khi em tốt nghiệp ra trường có thể tìm việc làm ở đâu?

Học sinh và lãnh đạo SGD&ĐT tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp 2018. Ảnh: M.T

 

Câu hỏi của Dương đã được ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum chia sẻ: Hiện nay, các bạn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tìm việc rất khó khăn. Nguyên nhân ban đầu của người học chọn lựa ngành nghề đào tạo có thể chưa được tư vấn tốt, chỉ chú ý tới sở thích cá nhân, chưa tự đánh giá năng lực học tập và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, xã hội đang cần.

Ông Bắc khuyên các học sinh trước ngưỡng cửa đại học 2018 cần rút kinh nghiệm, tránh những “lỗi” đã nêu trên, phải lắng nghe người thân và thầy cô định hướng, tư vấn thật nghiêm túc, trách nhiệm với bản thân. Mặt khác, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư còn giới thiệu về chương trình khởi nghiệp, các câu lạc bộ và doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang hoạt động bước đầu tích cực, giúp học sinh chọn nghề nghiệp cho tương lai.      

Em A Thoan đang theo học Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ngọc Hồi) nêu thắc mắc: Trên các phương tiện truyền thông đã phản ánh Bộ GD&ĐT có quy định mới trong mùa tuyển sinh năm học 2018 - 2019 ở ngành sư phạm, sẽ gây khó khăn, hạn chế các bạn học sinh vùng sâu, các bạn học tập năng lực trung bình khá đăng ký nguyện vọng vào cao đẳng đại học. Cụ thể, ngành sư phạm dự thảo quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ trung cấp đến cao đẳng và đại học, học sinh phải xếp loại học lực lớp 12 từ loại khá, giỏi trở lên. Theo em, các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng nên có ý kiến đề xuất chính sách ưu tiên xét tuyển cho học sinh Tây Nguyên, vùng sâu chọn ngành sư phạm.

Trả lời câu hỏi của A Thoan, đại diện các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho hay, thông tin các bạn trẻ có được phương tiện truyền thông mới chỉ là dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2018 do Bộ GD&ĐT thông tin lấy ý kiến đơn vị giáo dục đào tạo trực thuộc, dư luận xã hội. Hiện tại, các trường cao đẳng, đại học đang chờ Quy chế chính thức của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, sẽ triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn tiếp theo.

Không đặt câu hỏi trực tiếp tại diễn đàn, Nguyễn Thu Uyên học lớp 12 Trường THPT Duy Tân (thành phố Kon Tum) dự định học ngành công nghệ thông tin, hoặc báo chí. Uyên đã ghé thăm các gian hàng giới thiệu từng ngành chuyên sâu của các trường thuộc Đại học Đà Nẵng. Đại diện các trường đã thông tin về các nguồn kinh phí, quỹ học bổng dành cho sinh viên theo học đạt học lực loại giỏi, xuất sắc hàng năm. Đối với việc làm, trong thời gian học tại trường, có nhiều bạn năng động đã tự tìm được việc làm ngoài giờ tăng thu nhập. Đồng thời, các đơn vị đào tạo còn liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong nước, quốc tế sẵn sàng tuyển dụng lao động bán thời gian là sinh viên. Trong đó, sinh viên các ngành truyền thông, công nghệ thông tin tìm việc khá dễ dàng. Mặt khác, số liệu theo dõi, thống kê báo cáo về Bộ GD&ĐT, hàng năm có đến 85% sinh viên tốt nghiệp ở các trường thuộc Đại học Đà Nẵng có việc làm.

Ông Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng cho biết, mục đích của hoạt động tư vấn trên là cơ hội giúp các em có thêm kiến thức về các khoa, ngành đang được đào tạo tại các trường đại học, những ngành nghề đang trở thành xu thế hiện nay cũng như hiểu biết về mô hình đào tạo, chính sách ưu đãi, cơ hội việc làm, du học, thực tập. Từ đó, các em có những lựa chọn và quyết định đúng đắn về ngành nghề mình sẽ theo học, mở ra con đường thành công cho ngày mai.

 Mai Trâm 

Chuyên mục khác