Tu Mơ Rông vững tin xuân mới

17/02/2018 12:51

​Một năm nữa lại trôi qua. Một mùa xuân mới đang tới gần. Tết đến xuân về, không khí mừng Đảng, mừng xuân hối hả, nhộn nhịp hơn. Đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông ai nấy đều không giấu được niềm vui về những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội mà Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đạt được trong năm qua…

Những thành tựu đáng mừng

Những ngày cuối năm, trong cái lạnh tê người của tiết trời vào xuân, chúng tôi rong ruổi đến các thôn làng ở xã vùng sâu dưới chân núi Ngọc Linh của Tu Mơ Rông. Tại đây, chúng tôi luôn bắt gặp ánh mắt, nụ cười thể hiện trên khuôn mặt của người đồng bào Xơ Đăng.

Đời sống của người dân được nâng lên. Những ngôi nhà mới kiên cố mọc lên san sát ở từng ngôi làng; những chiếc xe máy mới được người dân mua sắm chạy rộn ràng khắp các thôn làng.

Trung tâm huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: V.P

 

Đang chạy chiếc xe máy mới mua, gặp chúng tôi, A Đáo (làng Lông Láy 3, xã Ngọc Yêu) vui mừng nói: Năm nay mình vui lắm, cà phê nhà mình chỉ có 900 cây nhưng thu được hơn 3 tấn. Năm ngoái chỉ được 2 tấn thôi. Giá bán lại cao nữa, mình bán giá hơn 6.000 đồng/kg tươi. Mình cám ơn Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ cây giống cà phê cho mình mới có ngày hôm nay. Mình sẽ tích cực chăm sóc và cố gắng phát triển thêm cà phê để nâng cao thu nhập…

Niềm vui của A Đáo cũng là niềm vui chung của đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông. Không vui sao được vì năm 2017, dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của mỗi người, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền cộng với sự ủng hộ của thiên nhiên nên năm nay người dân Tu Mơ Rông đạt được nhiều thành quả mới, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Toàn huyện đã trồng được gần 2.000ha lúa vụ mùa; trong đó, diện tích lúa rẫy trồng được 677,6 ha/635 ha, đạt 106,7% kế hoạch huyện giao, lúa nước gieo cấy được 1.264,4 ha/1.260 ha, đạt 100,4 % kế hoạch.

Đặc biệt, đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã và đang tiếp tục phát huy những lợi thế, phát triển mạnh cây cà phê và các loại cây dược liệu. Toàn huyện đã trồng mới được 204,8ha/150ha cà phê, đạt 136,5% kế hoạch, nâng tổng diện tích cà phê hiện có trên địa bàn huyện lên 1.358,7ha; trồng mới 12,2ha/8,6ha sâm dây, đạt 141,9% kế hoạch và trồng mới 27,2/ha đương quy, đạt 141,4 % kế hoạch…

Cùng với đó, chăn nuôi cũng duy trì được tốc độ phát triển với tổng đàn gia súc trên 25.000 con và đàn gia cầm hơn 42.000 con…  

Đánh giá về thành quả của huyện trong năm 2017, ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trong năm 2017, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện đã đoàn kết, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo và chỉ đạo, tận dụng, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các loại cây con có giá trị kinh tế, phù hợp với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng như cây cà phê, các loại dược liệu. Vì vậy, năm 2017, kinh tế của huyện tiếp tục có sự tăng trưởng khá và có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Đến nay, người dân đã trồng được hơn 30ha đương quy, 32ha sâm dây và gần 15ha sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, huyện vẫn đạt được kết quả cao trong công tác giảm nghèo, toàn huyện giảm được trên 6% hộ nghèo, hộ tái nghèo ở mức thấp. Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện còn 3.539 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 58,66% và 521 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,64%. Đời sống người dân được nâng cao, nếu như thu nhập bình quân của năm 2016 mới đạt 13,5 triệu đồng/người thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên gần 20 triệu đồng/người.

Lấy lợi thế thúc đẩy phát triển

Với thành tựu đạt được nói trên, Tu Mơ Rông đang tự tin cho một tương lai phát triển nhanh và bền vững.

Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế bằng việc đẩy mạnh và phát huy lợi thế, thế mạnh của mình là các loại cây dược liệu và cà phê, rau hoa xứ lạnh.

Trước mắt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển dịch dần diện tích bời lời già cỗi sang trồng cà phê và các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sơn tra, ngũ vị tử, sâm dây, đương quy, sa nhân...

Ngoài ra, huyện cũng đang định hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng mía, trồng cỏ, chăn nuôi gia súc.

Khí hậu ở Tu Mơ Rông cũng rất phù hợp với các loại rau hoa xứ lạnh nên cũng đang được huyện khuyến khích, thu hút đầu tư.

Người dân Tu Mơ Rông phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.P

 

Đặc biệt, xác định quy mô vùng trồng cây dược liệu để định hướng công tác phát triển và sản xuất nhóm cây này theo hướng hàng hóa thương mại mang tính bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, huyện đã xây dựng “Đề án Phát triển cây dược liệu có sự tham gia của cộng đồng trên bàn địa huyện giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025” nhằm tận dụng lợi thế về tiềm năng, đất đai, khí hậu... duy trì nguồn giống cây dược liệu trên địa bàn.

Đề án được phân thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ 2017-2020), phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu khoảng trên 70ha và giai đoạn 2 (2020-2025) nâng lên trên 160ha trong nhân dân.

Theo đó, huyện Tu Mơ Rông xác định tận dụng nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án nhằm triển khai các cơ chế, chính sách, biện pháp để hỗ trợ giống cho nhân dân phát triển diện tích cây dược liệu. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án trồng dưới tán rừng bằng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nhân dân, đầu tư hỗ trợ giống và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh…

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đề xuất và phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Tu Mơ Rông.

Ông Vương Văn Mười nhấn mạnh: Một lợi thế lớn của huyện là khí hậu phù hợp với cây cà phê xứ lạnh và phát triển cây dược liệu, nên huyện xác định đây là những loại cây trồng mà huyện tập trung phát triển. Huyện khuyến khích và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê, nhà máy sơ chế, chế biến các loại dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử… Đồng thời kêu gọi nhà đầu tư vào huyện sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau hoa xứ lạnh, nuôi bò lấy sữa…

Cũng theo ông Mười, hiện nay, người dân đã hiểu được giá trị của sâm Ngọc Linh nên rất muốn trồng nhưng vì thiếu nguồn giống, giá cây giống cao, hơn nữa đời sống của người dân còn khó khăn nên việc tự họ bỏ tiền ra đầu tư rất khó khăn. Vì vậy, để bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh cần có sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, hoặc cần có các chính sách đặc thù đối với việc phát triển cây sâm Ngọc Linh này. Đặc biệt, cần cung cấp nguồn giống chuẩn, chính xác để vừa bảo quản nguồn gien, vừa bảo vệ thương hiệu của sâm Ngọc Linh trước tình trạng thật giả lẫn lộn như hiện nay.

Ông Vương Văn Mười đề nghị: Để cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông phát triển, nhất là sâm Ngọc Linh cần có chính sách đặc thù thu hút đầu tư, mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh; có chính sách hỗ trợ người dân trong vùng quy hoạch trồng để mở rộng diện tích. Ngoài ra, tỉnh cần có chủ trương, cơ chế, chính sách, cũng như giao đất, thuê đất cho hộ gia đình phát triển sâm Ngọc Linh nói riêng và cây dược liệu nói chung…

Với những thành quả đạt được trong năm 2017 và cùng sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc phát huy lợi thế, thế mạnh riêng có, Tu Mơ Rông tự tin vững bước vào năm mới với nhiều thắng lợi mới, xây dựng huyện nhà phát triển nhanh và bền vững.

Văn Phương 

Chuyên mục khác