09/06/2019 06:36
Qua rồi những ngày gian khó
Để tạo đà cho sự phát triển, huyện Tu Mơ Rông xác định tập trung xây dựng hạ tầng xã hội. Nhận thức rõ vấn đề này, từ nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, huyện đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm; trong đó tập trung đầu tư xây dựng trung tâm hành chính huyện, các trung tâm cụm xã, trụ sở làm việc một số xã, các tuyến đường giao thông...
Tuy nhiên, vừa mới bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện, Tu Mơ Rông lại phải gánh “cơn thịnh nộ” thiên tai năm 2009, cuốn bao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.
Với ý chí kiên cường của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tu Mơ Rông đã cùng chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả thiên tai. Với sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh, Tu Mơ Rông đã tập trung đẩy mạnh xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó, chú trọng phát huy những lợi thế riêng có để thúc đẩy kinh tế phát triển…
Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện, kinh tế -xã hội của Tu Mơ Rông có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi, hạ tầng được chú trọng đầu tư; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế ngày càng phát triển, an ninh chính trị được giữ vững. Hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm huyện được đầu tư đồng bộ, dần hình thành khu đô thị trung tâm huyện khang trang.
Đến nay, 100% số xã của huyện Tu Mơ Rông đã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 80% tuyến đường liên thôn, liên huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% số xã có lưới điện Quốc gia với 95% số hộ được dùng điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; trên 80% số hộ dân được dùng nước sạch; 100% số xã có trạm Y tế và đều có bác sĩ; 100% số xã có trường Mầm non, Tiểu học, THCS…
Những ai gắn bó với Tu Mơ Rông từ những ngày đầu gian khó đều nhận ra rằng, Tu Mơ Rông đang từng ngày khởi sắc. Sự đổi thay ấy là những con đường bê tông về làng, về xóm, ra tận khu sản xuất; những trụ sở làm việc, trường học khang trang, những thôn, làng ngày càng có nhiều thêm những ngôi nhà mới vững chãi, những rẫy vườn với cà phê, dược liệu bạt ngàn trải khắp các sườn đồi…, đời sống bà con ngày càng ấm no hơn.
Lấy lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế
Có được những đổi thay tích cực về kinh tế - xã hội như hôm nay là kết quả của sự nỗ lực hết mình, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Tiếp tục phát huy thành quả trong 14 năm qua và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Tu Mơ Rông tích cực vận động nhân dân bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá, chú trọng thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích cây cà phê catimo, bời lời...; còn chú trọng tận dụng triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình như đầu tư trồng các loại dược liệu sâm dây, đương quy, ngũ vị tử và đặc biệt là sâm Ngọc Linh...
Huyện Tu Mơ Rông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại huyện và khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, phát triển và thu mua, chế biến dược liệu… |
Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, huyện Tu Mơ Rông tập trung vào 3 khâu đột phá theo Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, cải cách hành chính và chỉnh trang đô thị. Trong đó, Tu Mơ Rông đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Cùng với đó, huyện tiến hành khảo sát, rà soát quy hoạch các vùng có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở 11 xã với tổng diện tích 646ha để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển nông nghiệp và từng bước hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã có điều kiện thuận lợi.
Ngoài ra, huyện chủ động khảo sát, rà soát diện tích đất nông nghiệp có diện tích lớn, thuận lợi và phối hợp với các sở ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên kết, vận động dồn đổi, tích tụ đất hình thành “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để phát triển sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu trên địa bàn huyện một cách bền vững, huyện đang tập trung triển khai thực hiện dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, lập Đề án “Quy hoạch phát triển cây dược liệu gắn với Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025 trên địa bàn huyện”. Huyện cũng đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sản xuất; xúc tiến, kết nối liên kết thu mua, chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn; định hướng cho các xã huy động, lồng ghép các nguồn lực Nhà nước để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển cây dược liệu theo hướng tập trung, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn thúc đẩy kinh tế.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp vào đầu tư, thực hiện phát triển, thu mua, chế biến các sản phẩm dược liệu. Trong đó, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum được UBND tỉnh cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, cho thuê đất lâm nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại xã Măng Ri và xã Ngọc Lây. Công ty CP KoRa Comp thu mua, chế biến các sản phẩm cây đẳng sâm (sâm dây) để chiết xuất nước uống đóng chai. Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, Công ty TNHH Thái Hòa, Hợp tác xã Thanh Tâm, Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông và Hợp tác xã Rượu sâm Ngọc Linh liên kết, thu mua sản phẩm cây sâm dây, ngũ vị tử, đương quy...
|
Đây thực sự là tín hiệu mừng để thúc đẩy các loại cây dược liệu thế mạnh của huyện ngày càng phát triển và mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện phát triển nhanh, bền vững...
Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Tu Mơ Rông sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo.
Văn Phương