Tu Mơ Rông: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS

10/05/2020 13:03

Với đặc thù của một huyện vùng sâu vùng xa, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm đa số, trong những năm qua, huyện Tu Mơ Rông triển khai nhiều mô hình dạy và học tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo thuận lợi để các em tiếp thu kiến thức ở những bậc học cao hơn.

Thầy giáo An Văn Sáu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện nay, ở bậc học mầm non của huyện Tu Mơ Rông số trẻ người DTTS chiếm tỷ lệ 99,62%. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông”. Trên cơ sở đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo các trường lồng ghép chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” để thực hiện giảng dạy. Hàng năm, Phòng tổ chức các lớp tập huấn, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ một năm 3 lần. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 11/11 trường mầm non thực hiện tăng cường tập nói tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS bằng nhiều hình thức khác nhau.

Chúng tôi ghé thăm lớp học của cô Lê Thị Oanh, Trường Mầm non Đăk Tờ Kan (xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông). Tại đây, các mô hình học tập được sắp xếp khoa học, tạo trực quan sinh động, hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức cho các cháu mầm non theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Bên trong lớp học, không gian được bố trí, sắp xếp hợp lý như không gian học toán, không gian học chữ cái, không gian vui chơi... Mỗi không gian học tập đều tăng cường mô hình trực quan sinh động với đa dạng các kiểu chữ cái tiếng Việt lớn nhỏ kèm theo hình vẽ minh họa.  Các thiết bị, đồ dùng trong lớp học như tủ đựng đồ, các vật dụng đều được dán chữ cái tiếng Việt kèm các chú thích ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu.

Trẻ học tiếng Việt qua hình ảnh sinh động. Ảnh: HT

 

Theo cô Lê Thị Oanh, lớp học do cô phụ trách có 34 em, 100% trẻ DTTS. Theo kế hoạch, hoạt động tập nói tiếng Việt được dạy 4 tiết/tuần, trong mỗi tiết dạy luôn lồng ghép các trò chơi, tạo các tình huống để trẻ thực hành hỏi đáp các chủ đề về đời sống hàng ngày. Các cô tiến hành chia các em theo nhóm xen kẽ, trong đó những em thành thạo tiếng Việt hơn sẽ cùng nhóm với những em yếu hơn để các em học hỏi lẫn nhau, tăng cường sự giao tiếp giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô giáo.

Cô Phùng Thị Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Đăk Tờ Kan cho biết, thực hiện việc lồng ghép chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” vào chương trình giảng dạy, nhà trường chủ động bố trí, xây dựng các môi trường chơi và học hợp lý, cả bên trong và bên ngoài lớp học. Nhà trường tận dụng các điều kiện cơ sở vật chất sẵn có như các cây, mảng tường, sân chơi... để tạo các không gian vui chơi, vận động khuyến khích trẻ nói chuyện, tương tác với nhau bằng tiếng Việt. Ngoài ra, việc bố trí các loại sách, truyện, vật dụng hợp lý kích thích trẻ tự tìm hiểu, tìm tòi, tạo cho trẻ sự hứng thú, say mê khi đến trường.

Trường Mầm non Đăk Rơ Ông (xã Đăk Rơ Ông, có 350 trẻ, tỷ lệ trẻ DTTS chiếm 99%; giáo viên người DTTS chiếm 57 % trên tổng số 28 giáo viên.

Trẻ thực hành tiếng Việt qua các hoạt động. Ảnh: HT

 

Cô Phạm Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đăk Rơ Ông cho biết, ngoài những hoạt động giảng dạy tiếng Việt theo kế hoạch, hàng năm nhà trường tổ chức cuộc thi “Tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho trẻ DTTS”, đối tượng chủ yếu là trẻ 5 tuổi. Mỗi đợt thi chọn ra một cháu vượt trội về khả năng tiếng Việt để tham gia cuộc thi do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Qua đó, động viên tinh thần học tập tiếng Việt, giúp các em có sự cạnh tranh, cọ xát, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.

Cô Phạm Thị Nguyệt cho biết thêm, hiện tại, Trường Mầm non Đăk Rơ Ông gặp một số khó khăn trong công tác dạy và học tiếng Việt cho các em. Với trên 50% đội ngũ giáo viên là người DTTS, đào tạo theo giai đoạn, nên trình độ còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, phần đông phụ huynh chưa hiểu được tầm quan trọng trong việc dạy trẻ tập nói tiếng Việt khi ở nhà.

Theo thầy giáo An Văn Sáu, năm học 2019-2020, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non bàn giao lên bậc tiểu học. Xác định công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở bậc học mầm non DTTS là một việc làm hết sức quan trọng, trong thời gian tới Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện tốt đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông”. Theo đó, phấn đấu hàng năm có 100% trẻ mầm non DTTS được tăng cường tiếng Việt và đến năm 2025 có 100% trẻ DTTS bậc mầm non đảm bảo chuẩn về chất lượng để bước vào bậc tiểu học. Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ xin chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng ở các điểm trường lẻ để đảm bảo cho công tác dạy và học.  

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác